Olympic Tokyo khai mạc giữa “muôn trùng” đại dịch

23/07/2021 - 11:00

PNO - Đêm nay 23/7, sau một năm trì hoãn vì COVID-19, Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 sẽ khai mạc tại Tokyo, Nhật Bản. Thế nhưng, sự háo hức thường thấy đã nhường chỗ cho những âu lo về dịch bệnh.

Điều gì xảy ra khi một vận động viên dương tính?

Diễn ra trong bối cảnh đại dịch, tại một thành phố đang trong tình trạng khẩn cấp, ban tổ chức Olympic Tokyo đã đưa ra kế hoạch nghiêm ngặt quản lý vận động viên (VĐV), huấn luyện viên và thành viên đoàn thể thao các nước tránh nguy cơ lây lan virus. Dù có khoảng 80% VĐV đã tiêm chủng, nhưng vắc xin không thể ngăn ngừa sự lây nhiễm, cũng như biến thể Delta đang rất khó dự đoán.

Khi đặt chân đến Tokyo, VĐV phải ở lại trong khu vực tập luyện được chỉ định. Họ chỉ được chuyển vào làng Olympic vài ngày trước khi thi đấu. Nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, VĐV phải dùng bữa theo ca hoặc mang thức ăn về phòng. Mỗi phòng chỉ tối đa hai người, hạn chế mọi tiếp xúc trừ việc trao đổi với huấn luyện viên.

Thế vận hội Tokyo đã ghi nhận những ca vận động viên dương tính với COVID-19 - ẢNH: GETTY IMAGES
Thế vận hội Tokyo đã ghi nhận những ca vận động viên dương tính với COVID-19 - Ảnh: Getty Images

Các VĐV cũng được yêu cầu tải ứng dụng theo dõi sức khỏe và trả lời các câu hỏi về các triệu chứng liên quan đến COVID-19 hằng ngày. Tài xế ô tô hoặc xe buýt chuyển các đoàn cũng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hệt như các VĐV. Việc xét nghiệm nhanh và kiểm tra nhiệt độ sẽ được thực hiện mỗi khi họ vào làng Olympic. Giám sát viên COVID-19 (CLO) đọc kết quả mỗi ngày hai lần, đồng thời, theo dõi VĐV nào có kết quả xét nghiệm dương tính…

Các hạn chế phòng COVID-19 cũng áp dụng nghiêm cho du khách đến theo dõi Olympic. Bất kỳ ai muốn nhập cảnh Nhật Bản cũng phải tuân thủ cách ly 14 ngày trước khi bay đến Tokyo. Việc tuân thủ đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay là bắt buộc, bất luận đã tiêm phòng hay chưa.

Hiện tại, ban tổ chức đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với COVID-19 trong và ngoài làng Olympic. Và VĐV nào có kết quả xác nhận dương tính sẽ không được phép thi đấu và bị cách ly ngay lập tức tại khách sạn chuyên dụng bên ngoài làng Thế vận hội. Họ cũng phải làm việc với CLO để lên danh sách những người đã tiếp xúc từ 15 phút trở lên ở khoảng cách dưới 1m trong tình trạng không đeo khẩu trang. Những F1 này sau đó cũng sẽ được xét nghiệm COVID-19. 

Lần đầu tiên, bác sĩ quan trọng hơn trọng tài

Ngoài CLO, lần đầu tiên thế vận hội xuất hiện Nhóm chuyên gia tư vấn kết quả COVID-19 (RAEG) để xem xét và đưa ra quyết định VĐV F0 và F1 của họ được tiếp tục thi đấu hay không. RAEG bao gồm tám thành viên và 46 cố vấn là bác sĩ, chuyên viên y học thể thao, chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm. RAEG cung cấp bảng kết luận của họ cho Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Tokyo, sau đó toàn bộ hồ sơ quyết định “sinh mệnh” các VĐV sẽ được chuyển cho Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và quốc gia để “báo cáo”. Theo IOC, bất kỳ VĐV hoặc nhân viên Olympic nào không tuân thủ các quy trình kiểm tra hoặc hướng dẫn của RAEG có thể phải đối mặt với án phạt, từ tiền đến đình chỉ thi đấu hoặc trục xuất.

Gần đây, IOC đã ban hành hướng dẫn cụ thể về các tình huống sẽ áp dụng nếu một VĐV có kết quả dương tính ở vòng bảng hoặc ở vòng loại trực tiếp. Ba nguyên tắc chính được áp dụng với bảo đảm rằng các môn thi đấu sẽ được diễn ra bình thường nhất có thể. Một, không VĐV hoặc tập thể nào “bị loại” vì kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Hai, kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được bảo vệ. Và ba, bất kỳ VĐV hoặc đội nào không thể thi đấu, sẽ được giải quyết bằng biện pháp thay người.

IOC cũng đề nghị tạo mọi điều kiện cho VĐV nào có yêu cầu tiêm vắc xin, đồng thời, không bắt buộc họ phải có “chứng nhận vắc xin”. Để được tiếp tục thi đấu, người tiếp xúc gần với VĐV F0 phải có kết quả âm tính do RAEG xác định và phải chuyển đến chỗ ở riêng, tách khỏi các VĐV khác trong quá trình tập luyện.

Thế vận hội Tokyo được đánh giá nổi bật về những bước tiến trong bình đẳng giới. Nếu như tại Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức vào năm 1896 ở Athens, không có VĐV nữ nào tham dự thì kỳ tranh tài tại Tokyo đã có gần một nửa VĐV là nữ. Thế nhưng, một lần nữa COVID-19 đã khiến sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh bị “giày vò”.

Các biện pháp quyết liệt của ban tổ chức để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh đã làm “tổn thương” các VĐV, nhất là trường hợp các bà mẹ nuôi con nhỏ. Ban đầu, IOC ra lệnh cấm VĐV mang theo bất kỳ thành viên gia đình nào đi cùng. Nhưng sự kiện đội trưởng tuyển bơi lội Tây Ban Nha phản ứng gay gắt về “phán quyết” này của ban tổ chức, đã giúp thay đổi một điểm hạn chế. Ona Carbonell than phiền rằng cô phải bỏ lại đứa con trai mới 11 tháng tuổi để tham dự thế vận hội. “Sau khi nhận được vô số sự ủng hộ và khuyến khích hãy đến Tokyo cùng Kai, tôi thật sự thất vọng và đau khổ nếu cuối cùng tôi phải đi mà không có nó. Ý nghĩa giữa tình mẫu tử và thể thao chẳng lẽ không thể mang đến một sự ngoại lệ”, cô bày tỏ.

Và IOC đã nhượng bộ khi tuyên bố các bà mẹ đang cho con bú sẽ được phép mang trẻ đến Nhật Bản. Động thái này đã được đưa ra không những sau lời ai oán của Carbonell mà còn trước đó của cầu thủ bóng rổ Kim Gaucher (Canada) và cầu thủ bóng đá Alex Morgan (Mỹ). 

Nam Anh (theo Time, The Washington Post)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI