Nói với áo dài nhỏ bên bờ Thái Bình Dương

14/02/2018 - 15:40

PNO - Thái Bình Dương bên này là Huntington Beach, nơi con sinh ra - còn Thái Bình Dương bên kia là Vũng Tàu quê nội, Cửa Lò quê ngoại, của mẹ...

Cũng như năm ngoái, ngày đầu năm 2018 mẹ lại chụp hình con gái trong tà áo dài. Nhìn đứa con gái vừa tròn 11 tuổi tóc dài, áo dài tung bay trước biển, cảm giác mênh mông mà gần gũi khi nhớ rằng bờ biển này cũng là Thái Bình Dương, cách bờ biển hình chữ S quê nhà nửa vòng trái đất. 

Noi voi ao dai nho ben bo Thai Binh Duong
Một trong những chiếc áo T-shirt mà con thích mặc là đây, với dòng chữ - Girls can change the world - thế giới sẽ được thay đổi từ chính những phụ nữ như “Áo dài nhỏ”!

Thái Bình Dương bên này là Huntington Beach, nơi con sinh ra - còn Thái Bình Dương bên kia là Vũng Tàu quê nội, Cửa Lò quê ngoại, của mẹ... 

Con gái nhỏ từng nói rằng “cảm thấy Việt Nam” nhất khi mặc áo dài và đi chùa. Như  hồi Trung thu năm ngoái lên Phật học viện ở North Hills, lúc vào chánh điện thắp nhang, con đã thầm thì: “Con thấy mùi Việt Nam!”. Cảm nhận về mùi, về màu, về hình, về chữ... ở một đứa bé khơi gợi và phát triển những tình cảm và ý thức, một cách thật thú vị.

Chẳng hạn - giống bao bé gái khác - từ nhỏ xíu đã thích màu hồng, nhưng vài năm nay con bắt đầu thích xanh (dương) vì “xanh thấy mạnh hơn!”. Nhu cầu “mạnh hơn” xuất hiện nơi con cùng quá trình trưởng thành và học hỏi trong các sinh hoạt gia đình, trường lớp, cùng việc đón nhận những thông tin bên ngoài xã hội...

Đơn giản như con thấy cần “mạnh hơn” để có thể thắng được nỗi sợ nhện mà thoải mái tắm rửa cho mình và cho cả em gái không cần đến mẹ, dù có thấy một con nhện đâu đó trong nhà tắm.

Con cần “mạnh hơn” để hào hứng tham gia tranh cử “President” ở trường (tiểu học) cho năm học này, dù sau đó không đắc cử con vẫn rất vui với câu slogan đậm mùi ẩm thực của mình: “Vote for me, you’ll get cheese!”. Con cũng đã thấy “mạnh hơn” từ ngày kết thân, quan tâm và che chắn cho M. - nhỏ bạn ở gần nhà, học cùng lớp, dễ tủi thân, mau nước mắt (M. ở với ông bà nội từ bé vì cha mẹ ly hôn). 

Và có lẽ đâu đó cảm thức về sự “mạnh hơn” của giới tính đã được cụ thể hơn khi con biết năm rồi nước Mỹ suýt có nữ tổng thống đầu tiên với những hình ảnh bà Hillary đối đầu ông Trump đăng ngay trong tờ báo học đường Scholastic News của con; khi thỉnh thoảng nghe mẹ nói chuyện năm 2017, lần đầu tiên một phụ nữ gốc Việt ở Mỹ đắc cử vào hạ viện (bà Stephanie Murphy Ngọc Dung ở Florida) hay chuyện một nữ luật sư gốc Việt vừa trở thành chánh án tiểu bang California (luật sư Kim Nguyễn)... Hoặc chuyện ở Việt Nam bóng đá là môn thể thao “vua” mà chỉ có đội tuyển nữ quốc gia mới làm nên kỳ tích 5 lần vô địch Đông Nam Á (SEA Games)!

Noi voi ao dai nho ben bo Thai Binh Duong
Noi voi ao dai nho ben bo Thai Binh Duong

“Áo dài nhỏ” Khánh Như vào vai bà Rosa Parks

Con gái của mẹ vừa 11 tuổi, bài học “nữ quyền” với bọn con không hề đến từ những rao giảng lý thuyết, nó đến từ chính đời sống sôi động hằng ngày. Dạy dỗ, hướng dẫn cho con mà chính mẹ cũng được học nhiều thứ từ con. 

Nhớ hồi lớp Ba, project quan trọng nhất năm học của con là “Incredible People”: chọn thuyết trình và hóa trang thành một “nhân vật kiệt xuất”. Mẹ không ngờ đứa con gái nhõng nhẽo và ưa múa may bắng nhắng suốt ngày này lại chọn Rosa Parks. Bởi mẹ cũng mới biết đến bà Rosa Parks chỉ một năm trước đó khi đọc bài diễn thuyết cảm động của Tổng thống Obama trong lễ tưởng niệm vinh danh bà - người phụ nữ da đen đầu tiên được dựng tượng trong trụ sở Quốc hội năm 2013. Rosa Parks (1913-2005) - cô thợ may da màu bé nhỏ đã không chịu đứng lên nhường chỗ ngồi trên xe bus cho một người đàn ông da trắng năm 1955 ở Montgomery (Alabama) theo quy định “da trắng ngồi trước”- để từ đó tạo nên một bước ngoặt lớn lao cho nước Mỹ trong vấn đề phân biệt chủng tộc, bình đẳng xã hội... Hỏi sao con chọn bà ấy, con bảo tại con thích. Hỏi sao con biết bà ấy, con bảo từ bài học về ông Martin Lurther King hồi lớp Hai!

Nên không phải tự nhiên mà một trong những chiếc áo T-shirt con chọn khi mua và vẫn đang mặc đi học lại có dòng chữ “Girls can change the world”. 

Bé gái nào cũng cần lớn lên với một niềm tin như thế, như đã từng tin yêu ở màu hồng và hy vọng ở màu xanh. Dù thực tế đời sống rồi sẽ dẫn dắt con tới muôn vàn sắc độ, nhưng các con vẫn cần được vun trồng mầm niềm tin từ cội rễ tâm hồn. Dù mẹ đã phải bắt đầu trả lời cho những thắc mắc của con về những bất toàn của đời sống một cách không tránh né, không tô hồng hiện thực, nhưng vẫn luôn hướng cho con niềm tin về lẽ phải. Ví như cái hiện thực chỉ trong hơn một năm qua, nước Mỹ của Martin Lurther King và Rosa Parks đã chứng kiến sự xuất hiện trở lại - dù chưa phải là phổ biến - những hành vi phân biệt chủng tộc.

Noi voi ao dai nho ben bo Thai Binh Duong
“Áo dài nhỏ” Khánh Như vào vai bà Rosa Parks, đang diễn thuyết trước lớp về quyền con người - quyền của phụ nữ

Nhưng con thấy không, khi chúng ta phẫn nộ xem cái clip nhóm học sinh da trắng ở trường cấp II Royal Oak - Michigan hô to “xây tường! xây tường!” trước bạn bè gốc Mexico trong giờ ăn trưa thì đồng thời chúng ta cũng được xem một clip khác, lan nhanh hơn, thông điệp mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần, về cậu bé (da trắng) Alex 6 tuổi ở New York đã viết bức thư bằng những dòng chữ non nớt gửi Tổng thống Obama bày tỏ mong muốn đón nhận Omran - đứa bé 5 tuổi đầy bụi và máu được lôi ra từ một trận bom ở Syria: “... Bác có thể làm ơn đi đón bạn ấy và đưa về nhà của cháu không? Chúng cháu sẽ chờ bạn ấy với cờ hoa và bóng bay. Chúng cháu sẽ cho bạn ấy một gia đình và bạn ấy sẽ là em trai của cháu...”. Bức thư ấy đã được Tổng thống Obama đọc lên tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.

Cảm nhận về sự chia sẻ cũng chính là cảm nhận về sức mạnh, sức mạnh con đã tự trang bị cho mình khi biết quan tâm, che chắn cho cô bạn M. yếu đuối ở trường; sức mạnh của sự chung tay khi con biết “hùn” tiền lì xì tết của mình gửi về giúp xây trường, mua xe đạp... cho các bạn học sinh ở Hôi Rấy - Quảng Bình, các bạn H’mông ở huyện Cư M’gar - Đắk Lắk đi bộ đến trường từ 3g sáng... khi xem hình ảnh các bạn trên báo.

Cũng từ những trang báo, ti vi... hồi 8/3 năm rồi, mẹ con mình đã thích thú khi thấy hình ảnh bức tượng bé gái bằng đồng đầu ngẩng cao, chống nạnh được đặt ở vị trí trực diện nhìn thẳng vào con bò Charging Bull - biểu tượng sức mạnh nổi tiếng của phố Wall - New York. Bức tượng Fearless Girl (Cô gái dũng cảm) do nghệ sĩ Kristen Visbal thực hiện với lời khẳng định “Hãy biết sức mạnh của phụ nữ trong việc lãnh đạo. Cô ấy sẽ tạo nên sự khác biệt” ngay dưới chân tượng.

Từ những trang báo, ti vi... hồi đầu năm rồi chúng mình đã thấy 600 cuộc tuần hành toàn sắc hồng với sự tham dự của hàng triệu phụ nữ toàn nước Mỹ và các nước có liên kết với phong trào Women’s March ở Washington trong làn sóng phản đối Trump đúng một ngày sau khi ông trở thành tổng thống vì những phát ngôn coi thường phụ nữ...

Từ những trang báo, ti vi... mới đây chúng mình biết rằng tạp chí Time vừa vinh danh nhóm phụ nữ “Những người phá vỡ im lặng” (The Silence Breakers) là Nhân vật của năm 2017. Tố cáo, vạch mặt những kẻ xâm hại, lạm dụng tình dục, bắt đầu từ sự dũng cảm của những phụ nữ dám đứng lên kể câu chuyện của mình, chỉ trong hai tháng qua trở thành phong trào lớn mạnh mang lại những kết quả không ngờ.

Những cảm nhận về sức mạnh và niềm tin, về hình, về chữ, về màu, về mùi... như thế đã và đang làm đầy thêm hành trang cuộc sống của con. Cả cái cảm nhận cội nguồn, mùi vị quê nhà cũng sẽ là một nguồn sức mạnh của riêng con.

Bởi với mẹ, ngẫm như ông đạo diễn Trần Văn Thủy từng viết: “Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình!”. 

Thúy Hà
Huntington Beach, California - tháng 1/2018

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI