Những mái ngói im lìm mãnh liệt…

29/11/2016 - 11:30

PNO - Tôi lại muốn nghĩ đến đời người đàn bà và những mái ngói im lìm mãnh liệt. Nếu có một phép màu nào đó để trò chuyện được với những mái ngói lặng thầm phơi sương phơi gió phơi nắng kia, ngói sẽ nói gì nhỉ?

Ngồi cà phê sáng cuối tuần Sài Gòn, nghe gió heo may ùa theo tiếng reo của cô bạn, tự dưng tôi thèm khoác chiếc áo len mỏng, tóc xõa, tô son đỏ đi trên con đường xao xác với những dây thường xuân biêng biếc như những trái tim quấn quýt nhau, buông từ một mái ngói rêu phong nào đó trên ngõ phố Hà Nội.

Tôi luôn có cảm giác kỳ lạ khi nhìn những mái ngói cũ, lem luốc màu mưa màu nắng nhưng ẩn chứa cái gì đó mãnh liệt thiết tha, nhẫn nại đến tội nghiệp. Đời một người đàn bà, sao có lúc tôi nghĩ cũng như những mái ngói...

* Mỗi lần đưa cô về đến con hẻm ngoằn ngoèo là cô cứ nắm tay tôi lắc lắc: “Rảnh chở cô đi cà phê nữa héng! Cám ơn em!”. Cô là cô giáo của tôi. Tôi nhớ những năm học cấp III, học trò nào cũng mê cô, vì cô dạy hay và mặc áo dài đẹp lắm. Mỗi lần chụp hình đứng cạnh cô, tôi luôn có cảm tưởng chúng tôi là bầy gà trụi cánh đứng cạnh chim công!

Chồng của cô mất lúc con trai cô học lớp 5 lớp 6 gì đó. Đôi vai gầy hanh hao và vẻ mặt u buồn của cô đã khiến không ít người nghe tim mình loạn nhịp. Sau này trở thành đồng nghiệp của cô, tôi có nghe thầy này yêu cô, cô có tình ý với thầy kia... Nhưng tuyệt nhiên tôi không hỏi.

Nhung mai ngoi im lim manh liet…

Cho đến ngày cô từ Mỹ trở về và gọi điện cho tôi. Ngoài 50 tuổi, cô tôi vẫn đẹp. Bao nhiêu năm vai cô vẫn gầy và đôi mắt vẫn mông mênh. Cô kể tôi nghe về tình yêu của mình và người đó. 20 năm rồi. Cô cũng đi xa để trả người ta cho gia đình, trả trái tim cô bình yên để tìm một cơ hội khác. Giờ con cô đã trưởng thành, con người ta cũng vậy. Cô về Việt Nam ở hẳn. Cô nói với tôi bằng ánh mắt lấp lánh, họ sẽ đi đoạn đường còn lại cùng nhau. “Cả một đời cô, cô mong một lần được sống”.

Tôi thoáng nghĩ đến căn nhà nhỏ ở ngoại ô. Cô tôi sẽ trồng mấy loại hoa móng tay, hoa mười giờ trước thềm, tưới tắm mong ngóng những bông hoa đủ màu rung rinh, thảnh thơi nhìn mấy con ong chập chờn mỗi sớm mai. Sáng tối vào ra, pha ly cà phê, nhắc nhau viên thuốc, cùng nói với nhau về một cuốn sách, một cái tin hôi hổi trên báo hay tin tức về một người bạn nào đó...

* Xeo xéo nhà ba tôi là căn nhà tình thương nhỏ xíu trông xa như một tổ chim cu. Tôi biết chị từ những ngày còn con gái. Mẹ tôi bao giờ cũng để cái bao ni lông có hình con cò đưa cái cổ dài ngoằng chực mổ thức ăn bên hiên nhà. Mẹ căn dặn, giấy má, bao bọc, ống hút, cả gói thuốc lá của ba cũng bỏ vô đó cho mẹ. Dăm ba hôm, mẹ đưa cho chị một lần. Chị mua ve chai, nhưng không bao giờ mẹ bán.

Ở quê tôi ngày trước gần như thành lệ, hàng xóm láng giềng làm cái bánh xèo, bánh bò, thậm chí những trưa sảng khoái rảnh rỗi luộc nồi khoai lang mẹ cũng sai tôi chạy mang qua cho chị. Chị mồ côi ở trong túp lều lụp xụp cạnh mấy ngôi mả. Bữa mẹ ghé chơi, tẩn mẩn vuốt ve lau chùi ngay ngắn quần áo giày dép chật cũ của con tôi.

Mẹ bảo mang về quê cho chị. “Ai người ta cũng chửi xả nó con. Miệng mồm gì lạ lùng. Đời một đời đàn bà cái gì quý hơn một đứa con? Một mình nó có đứa con bầu bạn, mẹ mừng cho nó”. Tôi lại thoáng hình dung ra cảnh thằng bé cùi cụi nằm dưới gầm chiếc xe đẩy với cơ man nào là chai nước, bìa cạc-tông, giấy báo... ngủ ngon lành trong cái bóng mát của vành nón lá cũ và vạt áo sơ mi nam lem luốc thùng thình của mẹ nó...

* Mỗi lần nhắc đến em là em gái tôi ái ngại: “Tội nghiệp!”. Em chơi thân với em gái tôi từ hồi mẫu giáo. Bao nhiêu năm qua, có dịp gặp em là tôi vẫn không thôi nghĩ ngợi về ánh mắt của em. Em cao ráo dễ coi, nhưng không hiểu sao có đôi mắt buồn vậy. Chạm đến tựa hồ vấp phải một đứa trẻ ngồi thu lu không kháng cự. Tôi không biết có phải vì do ba mẹ em ly hôn từ hồi em còn bé không hay vì em sinh ra đã có ánh mắt dự báo cuộc đời mình như vậy.

Đính hôn rồi em dọn về ở chung với chồng, vì ba mẹ hai bên đều ở quê. Nghĩ đằng nào cũng là vợ chồng, giấy đăng ký kết hôn thư thư hãy tính. Rồi chồng chưa cưới của em có người khác. Một chiều chạng vạng, em ôm giỏ đồ liêu xiêu đứng trước căn hộ của em gái tôi, khuỵu xuống. Mất đứa con trong bụng, mất luôn hạnh phúc được làm mẹ trên đời! Em không khóc nữa. Ánh mắt bơ vơ, yếu đuối.

Rồi em lấy chồng. Tôi đi đám cưới mà cứ thắc thỏm, len lén nhìn em. Tôi thấy em rạng rỡ tay nắm chồng, tay kia nắm cô con gái nhỏ của chồng. Suốt buổi tiệc, trong đầu tôi cứ chờn vờn hình ảnh em lúi húi bên mảnh vườn con con trong căn biệt thự tưới đám mồng tơi, mướp, cải... vì chồng em sợ con ăn rau nhiễm thuốc. Tôi thấy em chong đèn đọc quyển Sách giáo viên Tiếng việt lớp 1 mà tôi đưa, để dạy con. Tôi thấy em quay lưng giấu giọt nước mắt khi con phụng phịu vô tư: “Mẹ kia của con nấu ăn ngon hơn mẹ này...”.

Tôi lại muốn nghĩ đến đời người đàn bà và những mái ngói im lìm mãnh liệt và kiêu hãnh. Nếu có một phép màu nào đó để trò chuyện được với những mái ngói lặng thầm phơi sương phơi gió phơi nắng kia, ngói sẽ nói gì nhỉ? Vẫn muốn được là đời ngói hay là nằm im trong một góc mát mẻ bình yên nào đó? Phải chăng không đón giông, đón gió thì ngói thiên thu cũng chỉ là miếng đất nung thôi?!

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI