Những đôi dép chưa đứt…

21/06/2023 - 11:00

PNO - Tôi nhớ năm xưa đi chân trần mà vẫn học hành nên người và luôn nghĩ đôi giày không làm nên giá trị một người.

Một bữa về nhà mẹ, tôi mang đôi dép cũ đi trên nền gạch đang ướt, dù rất cẩn thận nhưng rồi cũng bị trượt chân ngã. Khi xem lại mới thấy, đôi dép tuy chưa có vết đứt nào nhưng đã mòn hết các gai dưới đế nên không còn độ bám.

Tôi đem chuyện bị ngã nói với mẹ: “Mẹ xem bỏ mấy đôi dép đã mòn đế, để tránh bị trượt”. Mẹ tôi nhẹ nhàng nói: “Biết dép mòn thì đi cẩn thận, chứ chưa đứt mà bỏ gì, hồi đó còn không có dép để mang…”.

Nhưng kể ra dép của ba tôi là mau hư nhất. Ba tôi thường xuyên làm lụng trên đồng, lặn ngụp dưới kênh hay trên xuồng, rất ít mang dép. Ngoài việc rửa chân thì ba chỉ mang dép khi đi đám tiệc hoặc thăm viếng nhà bà con, họ hàng. Nhưng do hồi ấy, không khi nào mẹ tôi mua được dép số 45 cho ba, mà chỉ mang dép số 43 hoặc 44 - luôn chật so với bàn chân quá khổ của người đàn ông cao tận 1,85m, nặng gần 80kg.

Đã vậy, ba tôi còn có đôi ngón chân “giao chỉ” choãi ra nên các loại dép mủ hồi đó rất nhanh hư, không rách mũi thì cũng bẹt gót. Biết vậy nhưng ba tôi chưa từng tự đặt đóng đôi dép da lần nào, vì… hà tiện. Bởi vậy, lâu lâu, mẹ tôi lại mang dép của mấy cha con đưa cho người thợ vá dép ngoài chợ. Dép ở nhà cứ thế vá nhiều lần, có khi trước chiếc phải giờ chiếc trái, rồi ngược lại hoặc vá tiếp chỗ rách mới. Cho đến khi không thể vá được nữa mẹ mới đem đôi dép tàn tạ đó bán ve chai.

Năm tôi học lớp Sáu, trường yêu cầu đi học không được đi chân không, cũng như phải mặc quần tây dài, nên mẹ mua cho tôi một đôi dép mới. Hôm đầu tiên mang đến lớp, tụi bạn nói tôi mang dép… con gái. Tôi mắc cỡ quá, giấu đôi dép vào một góc bàn rồi lại đi chân không.

Về nhà, tôi nói với mẹ việc đó, rồi tỏ ý giận vì sao mẹ mua dép mà không coi kỹ. Mẹ tôi buồn, trách tôi rằng nhà khó khăn, mua được dép mang rồi còn đòi hỏi. Tôi ức, khóc rấm rứt, thà mang dép cũ vừa vá vừa rách chứ không chịu mang lại dép đó.

Anh em chúng tôi đều tốt nghiệp đại học; tôi ra trường đi làm nghề báo, em gái làm cô giáo, em trai là kỹ sư sinh học. Tôi có thể mua giày dép mình thích nhưng không bao giờ mua đôi nào quá đắt tiền, vì nhớ năm xưa đi chân trần mà vẫn học hành nên người và luôn nghĩ đôi giày không làm nên giá trị một người.

Một lần ba đi thành phố chơi, tôi đưa ba đến một tiệm giày, nói ba ưng mẫu nào thì chọn, rồi đề nghị chủ tiệm làm mẫu đó lớn hơn 2 số và làm gấp để kịp ba về quê. Khi ba nghe giá tiền, tỏ ý không vui, nhưng tôi trấn an: “1 đời ta bằng 3 đời nó, có đôi giày thôi thì tiếc gì”. Ít lâu sau, thấy đôi kia đã cũ, tôi lại đến tiệm chọn một mẫu khác, đặt cho ba đôi mới. Dẫu vậy, ba vẫn chỉ đi đôi cũ, vì sợ đôi mới… bị mòn.

Nhưng rồi ba tôi cũng không mang được nhiều giày dép, vì những năm sau này ba bệnh nặng, phải cắt lần lượt các ngón chân rồi đoạn cả bàn chân. Đời ông trước khi mất gắn nhiều với xe lăn và chân giả. 

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI