Ngày xưa, tôi đi học

10/09/2021 - 11:29

PNO - Tôi được đi học năm tám tuổi. Đường đến trường gần ba cây số, không dễ dàng gì với một đứa đi xiên xẹo như tôi. Những trưa nắng đổ lửa, mặt đường nóng muốn phỏng cả chân không mang dép...

Má tôi kể, năm tôi ba tuổi sau một chuyến tàu từ Sài Gòn về Long Xuyên thăm bà nội, tôi bị sốt, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Năm 1945, cả nhà tản cư về vùng sâu vùng xa thuộc huyện Chợ Mới, An Giang cũng là bắt đầu những ngày cơ cực. Nỗi cơ cực đầu tiên tôi thấy rõ nhất là vì tôi không thể đứng, đi được bình thường. 

Ngồi may áo học sinh cho cháu sẵn sàng bước vào năm học mới  khi tình hình dịch bệnh ổn lại, bà Kim Oanh lại bồi hồi nhớ thuở xưa cắp sách đến trường
Ngồi may áo học sinh cho cháu sẵn sàng bước vào năm học mới khi tình hình dịch bệnh ổn lại, bà Kim Oanh lại bồi hồi nhớ thuở xưa cắp sách đến trường

Nhọc nhằn đường đến trường

Cho đến một ngày, ba trèo lên cây hái xoài. Ba bế tôi đặt một chỗ gần gốc cây để tôi nhìn thấy trái xoài lủng lẳng mà tôi thích. Một ổ kiến bị nứt ra từ chùm xoài rớt xuống cạnh tôi, cả bầy đỏ như lửa tràn ra và cắn đau quá, tôi hoảng hốt vụt đứng dậy vùng chạy. Tôi khi ấy như một cái máy được bấm nút hay bản năng sống được kích hoạt chăng?

Vậy là nhờ bầy kiến mà tôi đi lại được. Tôi được đi học năm tám tuổi. Đường đến trường gần ba cây số, không dễ dàng gì với một đứa đi xiên xẹo như tôi. Những trưa nắng đổ lửa, mặt đường nóng muốn phỏng cả chân không mang dép. Mưa còn đáng sợ hơn, quãng đường trơn như mỡ, cứ đứng lên té xuống, quần áo lấm lem bùn, sình.

Nhưng “ám ảnh” nhất là có không ít người gọi tôi là “con què, con què”. Họ còn bắt chước tướng đi của tôi rồi cười to. Lỗ tai tôi lùng bùng. Lúc đó chỉ mong mình biến đi hoặc đất dưới chân sụp xuống… 

Ba đi làm ăn xa, má ở nhà vừa lo con nhỏ vừa lo ruộng rẫy. Bà nội 90 tuổi bị lẫn hay đi lang thang nên má không dám rời mắt, sợ nội té xuống sông. Hoàn cảnh như vậy nên tôi tự lo cho mình. Khó khăn gì tôi cũng làm thinh, không hở môi với bất cứ ai. Như mưa như nắng, không tránh vào đâu được thì dang lưng ra mà chịu. Ba má biết thêm bận lòng, rủi không cho đi học thì sao?

Tôi đậu vào lớp Đệ Nhất (lớp Sáu bây giờ) Trường Thoại Ngọc Hầu. Bao nhiêu điều mới lạ mở ra trước mắt không làm tôi quan tâm bằng chuyện đi đứng. Vì tôi biết, còn một đoạn đường dài phía trước tôi phải vượt qua, sẽ gian nan hơn nhiều.
Từ nhà trọ đến trường hơn hai cây số được trải đá lởm chởm (đường Vườn Trầu). Một buổi chiều, vừa ra khỏi cổng trường, một cơn mưa giông ào tới. Ai nấy nhanh chân chạy tìm chỗ trú còn tôi lần dò từng bước, cố ghìm mình cho vững. Một lát bớt gió, nhìn quanh chỉ còn một mình mình giữa mưa tầm tã, người ướt nhẹp và lạnh run.

Vòng tay người tốt 

Bác lao công biết tình cảnh của tôi nên kêu đến ở nhà bác phía sau trường nhưng phải xin phép ông hiệu trưởng. Hôm sau, anh Xây, con trai bác, đón tôi ở cổng đưa đến văn phòng. Ông hiệu trưởng ngồi nhìn tôi đăm đăm không nói lời nào. Tôi run, lí nhí mấy câu đại ý xin ông cho phép ở nhờ nhà bác lao công. 

Ông lạnh lùng buông hai tiếng “không được” rồi cúi xuống xấp giấy tờ. Tôi chân thấp chân cao quay ra không thấy rõ đường đi vì đã nhòa nước mắt. Té lên té xuống bao nhiêu lần không khóc; bị chặn đường trêu chọc, kêu réo om sòm, không khóc; mà tôi khóc vì vẻ nghiêm lạnh đến dửng dưng của ông. Tôi hụt hẫng, như bị rơi từ trên cao xuống. Năm đó, tôi 12 tuổi.

Anh Xây đứng đợi tôi ở cửa, lo lắng nhìn tôi với ánh mắt mà cho tới bây giờ tôi không quên: “Thôi đừng khóc. Để ngoài giờ làm, anh sẽ đưa rước em đi học”. Anh khoảng 20 tuổi, là nhân viên “chạy giấy” cho trường. Tiếc rằng sau này tôi không được gặp lại anh lần nào để nói lời cảm ơn dù tôi không bao giờ quên anh, chiếc áo sơ mi tay dài màu xanh nước biển, giày ba ta trắng, chiếc xe đạp cũ… 

Đầu năm học, lớp tôi ở tầng trệt, tạm yên tâm. Sau chuyển lên lầu một, đã leo cầu thang còn phải đi đến phòng cuối dãy. Sợ nhất là lên phòng vào giờ ra chơi của lớp khác, mấy anh nam sinh đứng dọc hai bên hành lang nên lối đi chỉ còn độ non hai tấc. Mấy chị đi bình thường còn “khớp”, mình chân bước khập khiễng lỡ vấp làm sao? Vô tới chỗ ngồi tôi vẫn còn run, mồ hôi vã ra như tắm. Ôi, các anh học trò vào cuối thập niên 1950, làm sao các anh biết được rằng có một kẻ đã từng “điêu đứng” vì sự đùa vui vô tội vạ của các anh. 

Những năm sau đó, tôi vừa đủ lớn, có thể “đối đầu” với những thách thức khác để học xong, ra trường. Khi đi nhận việc, hai điểm trường từ chối không tuyển giáo viên khuyết tật. Đến điểm thứ ba, chị hiệu trưởng Đinh Kim Mính như cô tiên, dành mọi ưu đãi, còn kêu về nhà ở, chăm sóc tôi như một đứa em. 

Không biết có chắc là bị kiến cắn mà tôi đứng lên được hay không, hay một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, nhưng thật sự từ đó tôi mới đi được những bước đầu tiên để có cơ hội đến gần với tri thức, có nghề nghiệp, sống được bằng sức lực của mình, phụ má lo cho hai em ăn học. Và hơn hết, tôi được mở mắt ra trước bầu trời rộng, để hiểu rằng cuộc sống này có rất nhiều người tốt như bác lao công, anh Xây, cô Mính… Họ đã giúp tôi vượt bao trở ngại và biết sống yêu thương, sống mở lòng. 

Nguyễn Thị Kim Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI