Nhóm lên ngọn lửa ấm

05/06/2018 - 06:00

PNO - "Con chỉ có một ước mơ, đó là có mẹ!”. Mơ ước thật bình thường nhưng “khó với” ấy không chỉ riêng cô bé Ngọc Trân mà còn rất nhiều những đứa trẻ thơ ngây khác, ao ước có vòng tay ấm chở che từ bậc sinh thành...

“Con muốn làm lính cứu hỏa, vừa chữa cháy, vừa cứu người”, em Đoàn Nhật Minh, 10 tuổi, đến từ Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM đã nói như vậy về ước mơ của bản thân tại buổi tổng kết chương trình Cho con tình yêu thương do Báo Phụ Nữ TP.HCM và nhãn hàng sữa dê công thức DG (New Zealand) phối hợp tổ chức sáng 2/6.

Nhom len ngon lua am
Bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ và ông Hồ Nhật Nam, đại diện nhãn hàng Sữa dê công thức DG, tặng hoa cho các em có bài dự thi hay - ẢNH: Phùng Huy

Giấc mơ con trẻ

Minh và các bạn cùng trung tâm đến Báo Phụ Nữ TP.HCM từ rất sớm, chỉnh tề trong bộ trang phục “lính cứu hỏa nhí”. Mỗi khi nghe nhắc hai chữ “gia đình”, Minh cúi mặt “con không biết”. Nhưng cái gốc gác miền Trung nắng gió, mưa bão thì Minh nhớ: “Quê con ở Đà Nẵng. Con sống với sư thầy trong chùa, tới năm 2016 được các cô, dì ở trung tâm đón về”.

Với quyết tâm của Minh lớn lên sẵn sàng đối mặt bà hỏa, trước ngày tổng kết chương trình, chúng tôi đã giúp em trải nghiệm làm lính cứu hỏa, nghe còi báo động rồi nhảy phóc vào xe lao đi, ôm bình chữa cháy và cầm vòi phun nước dập lửa... Hỏi có sợ không, Minh lắc đầu: “Quê con hay có bão lũ, còn Sài Gòn gần đây cháy nhiều. Người, nhà cửa, ruộng vườn bị nước cuốn trôi, bị thiêu rụi, thấy những cảnh đó con rất buồn. Như chuyện con là đứa trẻ mồ côi, không biết gương mặt ba, mẹ ra sao để nhớ. Nếu được góp sức cứu người, con không sợ nguy hiểm đâu”. 

Em Trần Ngọc Hồng, 12 tuổi, được nuôi dưỡng tại chùa Kỳ Quang 2, đang học lớp Sáu, Trường THCS Lý Tự Trọng, Q.Gò Vấp, gửi đến chương trình hai ước mơ: làm đầu bếp và xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để tìm ba mẹ. Ngọc nói: “Chùa thường nấu cho nhiều người đến ăn miễn phí nên con muốn làm đầu bếp, góp phần cho bữa ăn ngon và vui hơn. Sư thầy dạy con, dù ba mẹ không có điều kiện chăm sóc, nhưng có công sinh. Biết đâu ba mẹ đang phải nhặt ve chai, lang thang bán vé số kiếm bữa cơm qua ngày. Dẫu bị bỏ rơi, con không oán hận, chỉ mong mai này tìm được ba mẹ để báo hiếu”. 

Nhom len ngon lua am
Các em xem triển lãm tranh bài dự thi chương trình Cho con tình yêu thương.

Sáng thứ Bảy, Sài Gòn mưa, như góp thêm nốt nhạc trầm, quyện vào giọng hát ấm áp đầy nội lực của cô bé Thị Qui - mái ấm Hướng Dương. Lúc Qui đứng trên sân khấu cất giọng ca: “Có con chim chiều chiều, lặng im không hót trên cây/ Nó đau trong lòng, thấy buồn nỗi buồn mẹ tôi” (bài Nỗi buồn mẹ tôi), tất cả đại biểu tham dự đều xúc động.  Năm Qui 8 tuổi, luồng điện công trình đã cướp ba em khỏi mái ấm gia đình. Hai năm sau, mẹ Qui mất vì bệnh. Trước khi đến các mái ấm, ba anh em Qui không được đi học, đứa bán vé số, đứa phụ người ta bán rau muống. Nhiều hôm, nồi cơm chẳng còn hạt nào, ba anh em chia nhau gói mì, vừa ăn vừa khóc vì nhớ mẹ. 

Cũng như Nhật Minh, mơ ước trở thành hoa hậu quốc tế, giúp đỡ trẻ em nghèo của cô bé Đào Ngọc Yến Như - mái ấm Hoa Sen, H.Hóc Môn - đã được ban tổ chức sắp xếp thực hiện ngày 30/5. Trong niềm vui sướng, tự hào của Yến Như khi khoác chiếc áo dạ hội và vương miện hoa hậu, chia bánh, phát quà, nựng nịu yêu thương những đứa trẻ cùng cảnh mồ côi ở mái ấm Bông Huệ, H.Hóc Môn, các cô nuôi dưỡng em đã không kìm được nước mắt. Ngày 3/5/2017, chính quyền địa phương can thiệp đưa Yến Như vào mái ấm Hoa Sen do cô bé bị bạo hành. Mẹ mất sớm, thiếu tình thương của người thân, Yến Như tự nhận mình là “đứa trẻ mất trật tự”. Hơn một năm được bảo bọc trong tình yêu thương của mái ấm, Yến Như dặn lòng phải sống khác, tự lập và thân thiện hơn. 

Yêu thương nối dài

Kéo dài từ ngày 27/3 đến 1/6, chương trình Cho con tình yêu thương đã đi qua 11 trung tâm, mái ấm, nhà mở trên địa bàn TP.HCM với sự hào hứng tham gia của hơn 500 trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi, từ 6 - 16 tuổi. 

 “Cho con tình yêu thương hay chính trẻ đã cho thế giới của người lớn cái nhìn tích cực hơn, trách nhiệm hơn về bổn phận của chính chúng ta với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị bỏ rơi, bị xa lánh, thiệt thòi… Giải pháp mà chúng ta mang lại không ngoài nhận thức, hành động thiết thực, bền vững cho tương lai của trẻ chính là xuất phát từ hôm nay, dựa trên nền tảng của dinh dưỡng, giáo dục và những điều kiện xã hội văn minh, tiến bộ, ưu việt”.

Bà Lê Huyền Ái Mỹ Tổng Biên tập báo Phụ Nữ

500 bài dự thi, trong đó có gần 100 bức vẽ, phần nhiều chưa hoàn chỉnh, câu chữ nguệch ngoạc, nhưng cũng có những tác phẩm khiến người đọc, người xem phải ngắm nghía, trầm trồ và bị cuốn theo suốt mạch cảm xúc chân thành, dẫn tới yêu thương bình dị toát lên từ trong đó.

Ngay những ngày đầu khởi động chương trình, ban tổ chức đã không thể kìm lòng trước những ước mơ. Đó là lời tuyên bố chắc nịch đầy kiên định của cô bé Vương Nguyễn Ngọc Trân - mái ấm Hoa Sen, H.Hóc Môn: “Con chỉ có một ước mơ, đó là có mẹ!”. Mơ ước thật bình thường nhưng “khó với” ấy không chỉ của riêng Ngọc Trân mà trong khoảng hơn 200 bài viết câu chữ chưa tròn trịa, thấp thoáng vẫn luôn là giấc mơ có cha, có mẹ, có vòng tay ấm chở che từ bậc sinh thành.

Là khát khao bào chế thành công thuốc điều trị HIV/AIDS để không còn đứa trẻ nào phải chịu cảnh mồ côi vì ba, mẹ có “H” nữa của em Lê Đình Quý, 10 tuổi - Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, Q.Thủ Đức. Là ước mơ trở thành nữ cảnh sát bảo vệ trẻ em cùng câu hỏi nhói tim của bé A.T. - mái ấm Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh: “Tại sao mẹ không thương con như cô Yến, cô Thanh thương con? Con rất thương mẹ, con chỉ sợ mẹ đánh thôi”. T. không biết cha mình là ai, còn mẹ thì thường đánh đập em. Có lần T. bị mẹ đánh đến chảy máu đầu, vết thương giờ đã thành sẹo, tóc không mọc được. Một nữ cảnh sát khu vực đã can thiệp, giúp đưa T. vào mái ấm Bà Chiểu, nơi có cô Yến, cô Thanh chăm sóc, nuôi dạy em và các bạn. 

Có một điều rõ ràng rằng, dù các em chọn trở thành ai trong tương lai đều bày tỏ sự mong mỏi làm nghề có ích cho đời. Đó là điều đáng quý. Cô Hồ Thị Diệu Trang - Trưởng mái ấm Hoa Sen - cho biết: “Hướng dẫn các con trong mái ấm cùng tham gia chương trình, chúng tôi đã để các con viết, vẽ, kể lại giấc mơ của mình tự nhiên nhất. Nhưng khi đọc bài, xem tranh vẽ, tôi không kìm được xúc động. Mỗi mơ ước của trẻ đều hướng thiện, là mong mỏi được tiếp tục chia sẻ tình yêu thương - chính cái mà các con từng trải qua thiếu thốn nhất”. 

Thời gian qua, nhãn hàng sữa dê công thức DG rất hân hạnh được đồng hành cùng Báo Phụ Nữ TP.HCM trong chương trình nhân văn này. 

Trong suốt chương trình, chúng tôi có dịp trực tiếp đến thăm các bé trong trại mồ côi, làng trẻ… Được chứng kiến và tiếp xúc với các em nhỏ mồ côi với hoàn cảnh đặc biệt khác nhau giúp chúng tôi không chỉ cảm nhận ý nghĩa sâu sắc từ chương trình mà còn hiểu rõ hơn giá trị của việc mang đến tình yêu thương cho từng em nhỏ, cũng như tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm bù đắp phần nào những thiếu hụt của các em, đặc biệt đó là nguồn sữa đầu đời - nguồn dinh dưỡng cấp thiết dành 
cho trẻ. 

Đây chính là động lực thúc đẩy chúng tôi không ngừng chia sẻ và tìm kiếm nguồn dinh dưỡng tối ưu nhằm mang đến cho các em một khởi đầu khỏe mạnh, khơi nguồn tiềm năng bẩm sinh.

Ông Hồ Nhật Nam - Đại diện nhãn hàng Sữa dê công thức DG 

Mẫn Nhi - Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI