Nhìn má - hãy nhìn sâu

27/08/2023 - 19:04

PNO - Tuổi mình mau hết - nghe má nhắc, tôi mới nhìn lại mà giật mình. Đời người có bao lâu…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tuổi 75 chào đón má bằng một “đặc ân” không người già nào muốn nhận: cườm mắt nước và mắt kéo màn mây. 

2 năm trước, khi ba mất, hầu như ngày nào má cũng lặng lẽ khóc. Đám con cháu lo lắng bà cứ khóc mãi sẽ ảnh hưởng đến mắt. Thực ra trước đó, mắt má đã có dấu hiệu không tốt: ngứa, xót, rỉ nước mắt… Đám con trai gái đều xúm vô đòi đưa má đi bệnh viện khám mắt nhưng bà nằng nặc không đi. Hễ ai nói tới chuyện đi khám là bà giận lẫy, bỏ ăn. Nói hoài, năn nỉ ỉ ôi hoài mà má không lay chuyển, mấy chị em đâm ra lẫy ngược. Má cũng… mặc kệ. Là má biết không đứa con nào có thể giận má lâu. Bà vẫn loay hoay với thú vui tám chuyện cùng hàng xóm, rảo ra chợ ngày vài bận, lúc mua tô cháo, khi cần gói mì, mua để có cớ mà ra khỏi nhà cho khuây khỏa vậy thôi. 

Má cứ khất lần việc đi khám, cho đến khi mắt phải mờ đục, đưa bàn tay lên quơ qua quơ lại trước mặt mà không thấy gì. Có lẽ ngày phát hiện ra điều đó, tâm trạng má rất tệ. Má ít nói, đi ngủ sớm, không coi cải lương như mọi bữa. 2 thằng con trai chưa vợ, chiều đi làm về cũng không thấy má mừng rối rít, đi theo từ cổng xuống tới bếp để hỏi mấy câu mà ngày nào má cũng hỏi. Bữa sau, thằng Út phát hiện mắt má có vấn đề khi nó vô tới cửa nhà mà má không thấy, chỉ hỏi: “Đứa nào á bây, thằng Tư hay thằng Út mới về đó?”.
Má không giấu bệnh tình của mình được nữa. Vậy mà má vẫn khư khư không chịu đi khám. 2 cô con gái lớn được “triệu hồi” về nhà, rù rì rủ rỉ dụ má đi bệnh viện. “Giờ bệnh viện kỹ thuật tân tiến lắm, nếu có mổ thì mổ bằng tia la-de, hông có đau đâu má!”. “Thằng Tư sắp cưới, má ráng trị cho mắt sáng để nhìn con dâu, rồi mai mốt còn chơi với cháu nội nữa chứ!”. Má ừ hử, chịu đi. Vậy mà bữa thằng Út đưa tới cửa phòng khám, má lại thút thít khóc như con nít: “Út ơi, má sợ!”.

Mắt má bị cườm nước dạng xâm lấn phức tạp, đích thân trưởng khoa mắt khám, mổ. Không may, loại này không thể mổ bằng la-de. Mổ về, má than đau rát, xót mắt. Rồi dù bác sĩ dặn ăn uống bình thường, không nên kiêng khem nhiều, má vẫn cương quyết cữ ăn tôm, cua, thịt bò, rau muống… Má nói mổ 1 lần là ngán tới già (chắc má quên rằng mình đã già) nên phải ráng để không bị tái phát. Dù loanh quanh trong nhà, má cũng thủ sẵn cặp kiếng để tránh bụi bay vô mắt. 

Sau mổ, thỉnh thoảng mắt má vẫn rỉ nước nhưng nhìn rõ hơn. Bây giờ, má nhìn mấy đứa tôi qua cặp kiếng. Bọn tôi cũng nhìn má qua lớp kiếng mỏng thôi nhưng đầy ngăn cách đó. Mí mắt má sụp nhiều. Màn mây mờ đục đã được bác sĩ dùng thủ thuật cắt, kéo ra nhưng tròng mắt không thể sáng trong như trước. Thỉnh thoảng tôi để ý má nhìn chúng tôi, lặng lẽ quan sát từng đứa thật lâu. Hôm cả nhà bàn chuyện đi hỏi vợ cho thằng Tư, má buột miệng: “Mới đó mà đứa nào cũng 3, 4 chục tuổi rồi. Tuổi mình mau hết quá, bây ơi!”.

Tuổi mình mau hết - nghe má nhắc, tôi mới nhìn lại mà giật mình. Đời người có bao lâu. Thốt nhiên, tôi lặng người nhìn má. Mái tóc má đã như cụm mây trắng trên đầu, mặt không chỗ nào không nếp nhăn, đôi tay khẳng khiu như cành khô trước gió. Rồi hàm răng, không hiểu rủ nhau đi từ lúc nào mà chỉ còn trơ trọi đúng 1 chiếc. Má sợ bệnh viện nên chưa bao giờ nghe má kêu con cháu đưa đi nhổ răng. Hẳn là răng tự rụng. Hẳn là cũng có đau đớn mà má thì cứ im im giấu, phần cũng sợ mấy đứa con lo, ảnh hưởng tới công việc. Má biết đứa nào cũng bận tối mặt tối mày.

Nhìn chiếc răng trơ trọi, cặp mắt đã sụp sau tròng kiếng, tôi nghẹn ứ trong lòng, tự dặn mình rằng từ giờ, mỗi lần được gần bên má là phải nhìn thật lâu, thật sâu vào dáng hình đó, khuôn mặt đó. Mỗi ngày đi qua, tôi có thể hoảng hốt, sững sờ chỉ vì một sợi tóc bạc trên đầu thì má phải đối diện với sự bào mòn của thời gian còn khủng khiếp hơn nữa… 

Trần Huyền Trang 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI