Nhà có phải là nơi ai cũng muốn trở về?

08/11/2020 - 12:40

PNO - Có những người sau giờ làm không hề muốn về nhà. Chẳng phải họ ham vui đâu đó, mà do chỉ nghĩ tới về đã đủ nặng nề, ngán ngẩm.

Hoàng càng ngày càng “bê tha”, theo lời vợ anh. Những buổi chiều sau giờ làm, Hoàng thường nán lại đâu đó. Trước là cùng anh em chơi thể thao, tránh giờ tan tầm kẹt xe, nhưng sau là bia bọt nhậu nhẹt, có khi đến tận nửa đêm mới về nhà.

Những lúc như vậy, mở cửa cho Hoàng là vợ anh cùng khuôn mặt cau có như sẵn sàng xổ ra những tích tụ trong lòng. Nhưng thường cô ấy chỉ dám biểu lộ bằng thái độ, còn lời nói và hành động thì vẫn... êm.

Bởi vì, kế ngay phòng khách là phòng của mẹ chồng. Căn phòng lúc nào cũng he hé cửa để giám sát mọi việc trong nhà. Hai đứa con đã lớn, một cấp III, một học cấp II, giờ đó đã học bài xong và đi ngủ. Vợ anh sẽ khinh khỉnh quay người bỏ đi khi thấy mùi men từ chồng. Và mẹ anh sẽ nhanh chóng ra, để chăm sóc anh.

Rồi vừa hỏi han, bày biện đồ ăn ra, mẹ vừa lớn tiếng mắng con dâu vô tâm, chồng đi làm vất vả mà không quan tâm. Sẵn đó, bà sẽ lôi thêm vô số tội của con dâu, vừa là để mách con trai, vừa là “mắng vốn” cho vợ Hoàng có thể nghe.

Hoàng biết, vợ anh lâu nay học được cách mới. Mẹ chồng muốn nói gì, mắng gì, vợ anh cũng "dạ". Ở trong phòng nên loáng thoáng nghe thấy bài ca cũ là vợ chọn cách đeo tai nghe. 

Chuyện mẹ chồng nàng dâu nhà Hoàng căng thẳng vì mẹ anh kỹ tính, Hoàng biết, nhưng một bên là mẹ, một bên là vợ, anh phải làm sao? Cố để “dĩ hoà vi quí” cho nhà yên ấm, chứ thực sự Hoàng rất mệt mỏi. Cảm giác mỗi cuối ngày với Hoàng là chờ xem điều gì xảy ra khi anh vào cửa, nên anh chỉ muốn về nhà muộn để rút ngắn thời gian chịu đựng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh họa

Nguyên thì khác hẳn, anh 33 tuổi và chưa lập gia đình. Mẹ anh suốt ngày rền rĩ chuyện con trai muộn vợ, muộn con. Rồi từ chuyện này bà than anh bất hiếu, đã đi tối ngày, đến đứa cháu cho ông bà vui cũng không có.

Thực ra Nguyên từng dẫn bạn gái về giới thiệu, nhưng ba mẹ Nguyên bắt ne bắt nẹt, khiến bạn gái anh ngán mà đòi chia tay. Sau đó, Nguyên yêu cô nào mẹ anh cũng chê, người được tính nết lại không hợp tuổi. Người được tuổi thì chê gia đình xa quá, rồi người thì chê cha mẹ làm nghề thấp hèn, không môn đăng hậu đối… Dần dần chính Nguyên nản, không còn muốn tiến tới với ai.

Chuyện nền nếp, sinh hoạt ở nhà cũng khiến Nguyên phát mệt. Nhất nhất mọi thứ phải theo ý mẹ, nếu không nguyên cả ngày mẹ phàn nàn, khó chịu. Đã có lúc cảm thấy bức bối, Nguyên muốn chuyển ra ngoài sống. Nhưng rồi nghĩ thương ba mẹ, nghĩ cảnh mọi người nhìn vào, rồi có khi chính mẹ cũng không để cho anh yên với chuyện đó, hình dung đến đó, Nguyên lại thôi.

Tôi có đứa cháu năm nay học lớp 10. Cô bé vừa bỏ nhà đi ba ngày khiến cả nhà tá hoả. Lý do bé đưa ra là: “Về nhà, con thấy mệt”.

Chuyện mệt của Loan tôi biết, bé từng tâm sự với tôi rằng, ở nhà chuyện gì ba mẹ cũng làm quá lên. Ba vốn nhiều việc, lại cục tính. Mẹ bé là chị tôi thì nặng nhẹ chuyện thành tích, điểm số của con cái. Vậy nên, cứ khi nào báo điểm về nhà lại có những con điểm không được tốt, là chị tôi lại ca bài con cái không biết thương ba mẹ, chỉ ăn với học mà không cố gắng. Rồi chuyện con nhà người ta, chuyện ngày xưa… 

Có khi chị đọc chuyện gì đó trên mạng, thay vì nhắc nhở con cảnh giác hoặc né tránh, thì lại sa sả la lối mắng mỏ kiểu "nói trước cho mà biết”. Cháu tôi đang tuổi dậy thì, nên luôn trong tâm thế muốn nổi loạn, cãi mẹ.

Khi tôi gọi tìm cháu, Loan bấm ngắt cuộc gọi, một tiếng sau mới nhắn lại tôi rằng cháu cảm giác ấm ức khi mẹ cháu chỉ qui chụp mà không nghe cháu giải thích, chẳng khi nào cháu có cơ hội giãi bày. Vậy nên bé bỏ nhà đi qua nhà bạn ngủ.

May mắn thay, cuối cùng cháu đã nghe tôi và chịu về nhà tôi. Hôm sau là cuối tuần, tôi mời mẹ cháu sang. Hai mẹ con có một buổi “đối thoại nảy lửa”. Nước mắt mẹ, nước mắt con thi nhau tuôn ra trong tiếng la hét. Nhưng kết quả theo tôi là khá tốt, có vẻ như họ đã hiểu nhau hơn.

Nhà, vốn là tổ ấm, là nơi để trở về sau những mệt mỏi lo toan. Nhà là nơi hay được ví von rằng để giông bão nằm phía ngoài cánh cửa. Thế nhưng để giông bão trong nhà không lớn hơn giông bão ngoài đời, cần lắm những buổi đối thoại, cương nhu hay thậm chí "nảy lửa" cũng được, thay vì ai cũng im ỉm và chọn cách rời đi.

Đinh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI