Ngưỡng chịu đau

03/06/2013 - 16:55

PNO - PN - Trong đời mình, mỗi người phụ nữ đều phải trải qua khá nhiều cơn đau. Có cơn đau lặp lại mỗi tháng như cơn đau bụng chu kỳ, có cơn đau quỷ khốc thần sầu như cơn đau đẻ. Bởi vậy, người ta nói đàn bà giỏi chịu đau hơn...

Mà đau như đau đẻ, người ta nói cũng “mau quên”. Bằng chứng là lần đẻ này mấy bà đau lên bờ xuống ruộng, tưởng chừng không bao giờ còn dám có lần sau, vậy mà mới một hai năm sau, đã lại thấy vác cái bụng bầu. Nhắc tới cơn đau đẻ là méo mặt, nhưng rồi cũng qua. Cái “ngưỡng” của cơn đau đớn kinh khủng nhất trong đời người đàn bà đã nằm ở mức đó, nên đã dễ dàng “cho qua” những đau đớn lặt vặt hằng ngày, với một lòng chịu đựng, nhẫn nhục vô bờ bến…

Cho đến những cơn đau ngày tháng, trong nhà mình…

Nguong chiu dau

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ lúc nào, người đàn bà đã quen với nỗi đau tinh thần từ lời nặng nhẹ, tiếng chì tiếng bấc, cho đến văng tục chửi thề, nhiếc móc, rủa xả, đe dọa. Mỗi ngày một chút, mỗi ngày một tiếng, người đàn bà tự nhủ “nhịn đi, bớt trả treo đi, cho yên cửa yên nhà”. Trong khi đó, người đàn ông lại tưởng “nói vậy nhằm nhò gì, mà nặng hơn nữa cũng nhằm nhò gì, thứ người gì đâu thân lừa ưa nặng…”. Hoặc, cũng có khi đơn giản họ chẳng nghĩ gì, chẳng cân nhắc gì, chỉ lớn tiếng thêm, mắng nhiếc nặng nề thêm như một quán tính. Đến mức nào đó, lúc nào đó, người đàn bà trở thành “trơ” với nỗi đau, chai lì cảm xúc.

Từ lúc nào, người đàn bà chịu đựng những bạo hành thể xác, từ cơn nóng giận bột phát, đến những đòn trừng phạt có tính toán của chồng. Đánh đập vợ con, đuổi ra khỏi nhà, ngược đãi cha mẹ, cấm vận kinh tế, ngăn cản các quan hệ xã hội của vợ, gây gổ với bạn bè, người quen…; tất cả những biểu hiện ở mức độ này hay mức độ khác của bạo hành gia đình, phần lớn đều được chị em mình chịu đựng và ngày một nâng cao sức chịu đựng. Tâm lý “xấu chàng hổ ai” là trợ thủ đắc lực, tăng cường khả năng chịu đau của các bà vợ. Quên rằng, sợi dây kéo căng đến một mức nào đó sẽ đứt. Sức chịu đựng của con người không phải là vô giới hạn. Đến một lúc, giọt nước cuối cùng tràn lên trong chiếc ly cay đắng cuộc đời thì chẳng còn ai cứu vãn được nữa.

Chỉ có con trẻ mới không biết cách nói lên nỗi đau của mình, nhưng con trẻ vẫn biết phản ứng bằng tiếng khóc. Trong quá trình sống, cùng với cảm giác về niềm vui, về hạnh phúc, “đau” cũng là một kinh nghiệm được lượng giá bởi nhận thức chủ quan của từng người. Y học định nghĩa “đau” là một yếu tố quan trọng của sự sinh tồn. Nhờ biết đau mà sinh vật có phản ứng, theo phản xạ hay kinh nghiệm, tránh để không tiếp tục bị chấn thương, tránh dẫn đến tử vong. Khi cố tình lờ đi cảm giác “đau” thực thể hay tinh thần, người ta cũng đã cố tình lờ đi tiếng kêu cứu của cơ thể, lờ đi dấu hiệu cảnh báo của cơ thể trước bờ vực diệt vong.

Quyền được cảm thấy đau đớn cũng như quyền được hạnh phúc. Chẳng có ai sinh ra để chịu đựng đau đớn, vậy nên, đừng mãi cố khuyên mình, khuyên người chịu đựng. Hay nói cách khác, đừng cố bắt cơ thể mình, tâm hồn mình chịu những cơn đau vượt ngưỡng, đừng cố nới cái ngưỡng chịu đau ra rộng mãi, rộng mãi cho đến khi nó ăn mòn đến hết tất cả những khoảng hạnh phúc khác của đời sống con người…

Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)
 

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn vào thứ Hai, Tư, Sáu (sáng: từ 8g -11g30; chiều: từ 13g30 - 16g30)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI