Ngày thế giới nhận thức chứng tự kỷ 2/4: Để trẻ tự kỷ không còn 'kỳ lạ'

02/04/2018 - 11:45

PNO - Không biết giao tiếp với những người xung quanh, không biết bày tỏ cảm xúc nên trẻ tự kỷ luôn “kỳ lạ” trong mắt mọi người.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2017, Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh. Thật may, y học và từng cá nhân trong ngành giáo dục đặc biệt này vẫn không ngừng nỗ lực để can thiệp, hỗ trợ, đưa trẻ tự kỷ tới thật gần với xã hội.

"Người quen" của học trò tự kỷ

Họ chọn lối đi khác, lặng lẽ đến với trẻ tự kỷ bằng những lý lẽ của riêng mình. Những đứa trẻ được “người quen”này kèm cặp đã có những tiến bộ khiến cha mẹ mừng rơi nước mắt.

Ngay the gioi nhan thuc chung tu ky 2/4: De tre tu ky khong con 'ky la'
Thầy Tường can thiệp tại nhà cho một trẻ tự kỷ

Những người chọn khó

Cửa phòng trọ mở. Thằng bé sáu tuổi nhào đến ôm người quen. Hai giây sau, nó nhảy cẫng lên rồi lộn nhào mấy vòng trong không gian chật hẹp. Tiếp đến, nó xoay mặt vô tường, dùng mười ngón tay gõ liên tục lên vách, thích thú vểnh tai nghe thứ “âm nhạc” của riêng mình. “Vào bàn đi B.! Hôm nay cố gọi “mẹ” nghe chưa?” - người quen nói.

Thằng bé quay người ngồi vào bàn, miệng tròn vo phát âm “ộ ộ” không ngừng. Chưa an vị, nó nhảy phốc, lao xuống chỗ mẹ, “ộ” to hơn rồi chỉ tay vào toilet. Hiểu tín hiệu của con, chị K. - mẹ bé hớn hở: “Mới biết nhờ mẹ dẫn đi vệ sinh tầm vài tháng nay thôi. Còn “ộ ộ” là mẹ mẹ đó!”. Người quen bật cười, mở cặp lấy xấp hình loài vật, chuẩn bị cho giờ học cùng B.

B. là một trong những học trò tự kỷ mà “người quen” - thầy Võ Tá Tường (Q.6) nhận can thiệp tại nhà. Năm B. hai tuổi, thấy con không biết nói, đôi mắt láo liêng không cố định điểm nhìn; từ Quảng Bình, chị K. đưa con vào TP.HCM khám bệnh.

Không nao núng trước chẩn đoán con mắc chứng tự kỷ, vì “có biết tự kỷ là gì đâu”, chị K. đưa con về, “trời sinh sao để vậy”. B. lớn dần, áp lực dư luận xem con mình là đứa trẻ “thần kinh” không lớn bằng nỗi buồn của chị K. khi ở lớp mầm non nào, B. cũng thành cậu học sinh cá biệt.

Lần nữa đưa con vào TP.HCM “tái khám”, để rồi, cuộc về quê của chị K. thành cuộc thu xếp phân ly: chồng chị ở quê nuôi đứa lớn, chị gom tiền, tức tốc mang B. vào TP.HCM cho theo học chuyên biệt. Thuê phòng trọ sát bên trường con học, chị K. xin đi làm giúp việc.

Thu nhập không đủ đóng học phí; tài chính cạn kiệt theo những lần chồng gửi tiền tiếp viện, sau nửa năm, đuối sức, chị rớt nước mắt đến trường xin cho B. về quê. Ngày cuối cùng ở Sài Gòn, chị gặp được thầy Tường. Hiểu hoàn cảnh, năn nỉ chị cố gắng; mỗi ngày, thầy Tường đều đặn hai giờ đến phòng trọ giúp B. tập nói, tập tập trung…

Sáu năm trước, tốt nghiệp ngành công tác xã hội, thầy Tường về làm cho một trường chuyên biệt. Chứng kiến nhiều phụ huynh như chị K., vì hoàn cảnh mà bỏ cuộc, thầy mong mỏi làm giáo viên chuyên biệt để hỗ trợ. Dành hai năm nghiên cứu, theo học các chương trình can thiệp, năm 2016, cùng với những người bạn, thầy thành lập chương trình Điểm tựa, phần lớn hỗ trợ miễn phí các gia đình khó khăn có con bị tự kỷ. 

Con đường thành giáo viên chuyên biệt cũng là… nghiệp của cô Đinh Hồng Yến (Q.Phú Nhuận). Đeo đuổi ngành sư phạm mầm non, nhưng ngay khi tốt nghiệp, cô gặp người mẹ có con tự kỷ. Biết rõ hội chứng con mắc phải, người mẹ này nhiều lần ra nước ngoài học phương pháp tự chữa trị cho con. Chị cần một giáo viên sư phạm mầm non để hỗ trợ.

Cơ duyên gặp người mẹ này là ngã rẽ của cuộc đời cô Yến. “Thời gian đầu, tôi sốc khi hằng ngày tiếp xúc một đứa trẻ tự kỷ. Nhưng sau ba tháng, nửa năm, hai năm, tôi vỡ òa hạnh phúc khi qua một thời gian dài đứa trẻ biết cầm muỗng, biết ngồi yên… Cảm giác vỡ òa trước những thành quả đó khiến tôi chọn làm giáo viên can thiệp tại nhà” - cô Yến chia sẻ. 

Cả thầy Tường, cô Yến và nhiều giáo viên can thiệp tại nhà đều cho rằng, giúp trẻ tại nhà tỷ lệ thành công cao, khi mà giáo viên hiểu rõ các triệu chứng của trẻ, chia sẻ được gánh nặng kinh tế cho phụ huynh - vốn là vấn đề nan giải của không ít gia đình. 

Ngay the gioi nhan thuc chung tu ky 2/4: De tre tu ky khong con 'ky la'
Cô Yến vỡ òa niềm vui trước những tiến bộ của trẻ tự kỷ

Cuộc chiến của cha mẹ

Để giúp đứa trẻ tự kỷ hòa nhập với xung quanh, cần rất nhiều sự tương tác tích cực. Ưu điểm lớn nhất để giáo viên can thiệp trẻ thành công tại nhà là không chỉ nắm bắt sâu sát tình trạng “bệnh”, họ còn dễ dàng biết những vấn đề liên quan đến trẻ, từ gia đình, người thân để đưa ra các giải pháp phù hợp; bao gồm cả… “chữa bệnh” cho phụ huynh - một vấn đề cần giải quyết trước khi muốn can thiệp đứa trẻ. “Có người mẹ cho rằng “bệnh” của con ngày càng nặng.

Cháu rất hung hăng và thích đánh người khác. Sau hai ngày đến can thiệp tại nhà, tôi đã hiểu vì sao. Đứa trẻ có người dì rất thích chọc giận cháu. Mỗi câu đùa giỡn dì nói ra luôn đi kèm cái vẹo má, tát hoặc dùng chân đạp yêu cháu. Đứa trẻ tự kỷ vốn đã hung hăng, thích đập phá đồ đạc càng được tiếp năng lượng, dữ tợn hơn” - thầy Tường kể.

Hay chuyện ông bố trở thành đơn thân ngay khi con được chẩn đoán mắc tự kỷ. Sự quay lưng của người vợ khiến anh buồn chán, thất vọng. Gác lại nỗi đau, anh đưa con đến trung tâm chuyên biệt. Một năm sau vẫn không thấy con thôi co người sợ hãi, về nhà là chui tọt gầm giường; anh quyết định cho con nghỉ học, nhờ giáo viên đến can thiệp tại nhà.

Vài lần thử bất ngờ đến sớm, cô giáo Nguyễn Quỳnh Trang (Q.12) không tránh khỏi choáng váng: người cha ấy trút những cảm xúc tiêu cực lên con bằng những trận đòn vô thức, trong sự quấy phá vô thức của con mình. “Mỗi ngày, trước khi bắt đầu giờ học, tôi thường trò chuyện để giúp người cha giải tỏa nỗi khổ đau, học cách chấp nhận, yêu thương con mình” - cô Trang bộc bạch.

Có con tự kỷ, với cha mẹ nào cũng là cuộc chiến trước vô vàn áp lực, mà nỗi lo tương lai con mới thực sự là gánh nặng tâm lý. Cô Yến xót xa: “Nhờ can thiệp tại nhà, tôi hiểu rõ những ẩn ức, hoang mang về tương lai con của họ. Nó như quả bom nổ chậm mà có người tôi giúp kịp, có người đành bất lực, bởi đó là cuộc chiến của tự thân phụ huynh, tôi chỉ là người chia sẻ, hỗ trợ họ”. 

Nửa năm được cô Yến can thiệp, từ một đứa trẻ không biết nói, Q. đã gọi được “mẹ”. Nhưng người mẹ lại không tìm thấy niềm vui trước tiến bộ của con. Chị liên tục đẩy mình vào bòng bong câu hỏi: “Sau này con ra sao? Có hòa nhập được? Con làm gì để sống?…”. Trong ngổn ngang lo lắng, căng thẳng, chị đặt mình vào mục tiêu phải tích trữ cho con. Ở độ tuổi 30, chị cật lực làm việc nên ra đi sau một cơn đột quỵ. Đám tang mẹ, đứa trẻ bốn tuổi cào mạnh lên quan tài, gào mãi tiếng “mẹ ơi”. Con gọi được mẹ thì mẹ đã không còn! 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI