Mỹ: Lý do những người phản đối vắc xin giờ lại đồng ý tiêm

08/08/2021 - 11:20

PNO - Nguyên nhân sự thay đổi đó là nỗi sợ mắc COVID-19 và sợ mất tự do trong sinh hoạt cộng đồng. Hiện gần 1/3 số người Mỹ đủ điều kiện chưa tiêm một liều vắc xin nào và hơn 40% chưa được tiêm đủ 2 mũi.

Có thể thấy rõ điều này trong xu hướng mới nhất về tiêm chủng và số lượng ca nhiễm ở Mỹ. Tính đến sáng 6/8, số người tiêm chủng trong tuần trước lớn hơn con số được tiêm chủng kể từ tháng Sáu. Động thái này xảy ra khi số ca lây nhiễm và số ca nhập viện gia tăng trên toàn quốc.

Những nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất ở Mỹ là Alabama, Arkansas, Florida, Louisiana và Mississippi. Ngoại trừ Florida, các tiểu bang còn lại đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất kể từ khi có vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, trong tuần trước, cả 5 tiểu bang trên đều là các địa phương hàng đầu về số người được tiêm chủng tính theo đầu người trên toàn quốc.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 tại một phòng tiêm chủng di động ở Weingart East Los Angeles YMCA (California) ngày 14/5/2021 - Ảnh: CNN
Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 tại một phòng tiêm chủng di động ở Weingart East Los Angeles YMCA (California) ngày 14/5/2021 - Ảnh: CNN

Mối tương quan là khá rõ ràng, và các cuộc thăm dò đã khẳng định thêm mối liên hệ về chuyển biến trong tiêm chủng.

Sự gia tăng số người chủng ngừa liên quan đến mối quan tâm về virus tăng lên. Ví dụ, trong cuộc thăm dò ý kiến ​​của Đại học Monmouth (Mỹ), lo ngại rằng ai đó trong gia đình mắc virus đã tăng 11 điểm từ tháng 6 đến cuối tháng 7.

Cuộc thăm dò của Axios/Ipsos cho thấy một xu hướng tương tự khi người dân lo ngại về khả năng virus sẽ tăng đột biến vào đầu tháng 8, lên mức cao nhất kể từ tháng 4 năm nay.

Kết quả thăm dò cho thấy số người lo lắng về virus tăng lên, khiến cho khoảng 39% số người chưa chủng ngừa nói rằng họ có khả năng sẽ đi tiêm chủng, và chỉ còn 5% những người được hỏi cho biết họ hoàn toàn không quan tâm đến vắc xin.

Cuộc thăm dò của Tổ chức Kaiser cũng xác nhận xu hướng tương tự trong người Mỹ.

Đối với những người không sợ virus, sợ mất việc có thể là câu trả lời cho việc họ đi tiêm chủng.

Tuần trước, kết quả thăm dò của Ipsos cho thấy 33% người trưởng thành chưa được tiêm chủng cho biết việc chủ lao động yêu cầu họ tiêm phòng sẽ khiến họ nghe theo; 26% cho biết, nếu tiêm chủng họ sẽ được tiền thưởng hoặc tăng lương.

Điều này có nghĩa là khoảng 1/4 tổng số người trưởng thành chưa được tiêm vắc xin ở Mỹ có thể sẽ đi tiêm khi công ty của họ quy định tiêm chủng bắt buộc, con số này tương đương với việc thêm 20 triệu người được tiêm chủng.

Người dẫn chương trình phát thanh chống vắc xin Dick Farrel - Ảnh: Chụp màn hình YouTube
Người dẫn chương trình phát thanh chống vắc xin Dick Farrel - Ảnh: Chụp màn hình YouTube

Trong một diễn biến khác, hôm 4/8, Dick Farrel - 65 tuổi, người dẫn chương trình phát thanh chống vắc xin gắn liền với phát ngôn nổi tiếng rằng tiến sĩ Fauci “là kẻ nói dối đầy quyền lực” - đã qua đời vì COVID-19 ở West Palm Beach, Florida.

Trước đó 3 tuần, Farrel nhập viện do các triệu chứng COVID-19. Trong thời gian điều trị, ông đã đổi giọng, hối thúc bạn bè đi tiêm vắc xin, theo kênh truyền hình địa phương WPTV.

Amy Leigh Hair, một người bạn thân của Farrel, nói với WPTV: “Tôi là một trong những người không tin vào vắc xin như anh ấy. Tôi tin vào hệ thống miễn dịch của mình. Nay tôi sợ mắc COVID-19 hơn là sợ bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra của vắc xin. Tôi rất vui vì đã được tiêm phòng”.

Hoàng Diệu (theo CNN, Daily Beast)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI