“Mẹo” khiến chồng chơi với con

04/04/2024 - 06:12

PNO - “Muốn thay đổi người khác, hãy bắt đầu từ chính mình”. Câu nói này tôi thấy rất đúng, không chỉ trong chuyện nuôi dạy con mà mở rộng ra các mối quan hệ khác.

Tôi cũng từng nghĩ, sao chồng không thích chơi cùng con, sao chồng cứ nghĩ việc chăm con là của vợ… Tôi cau có khi thấy chồng mở ti vi cho con xem lúc con chưa đầy 1 tuổi và xuýt xoa khi thấy cảnh một người cha nào đó đang tỉ mẩn làm đồ chơi cùng con, chăm chú đọc sách cho con hay một ông chồng nào đó đang vào bếp, dọn nhà, thể hiện sự lãng mạn với vợ của họ…

Tôi đã từng than trách, buồn phiền, bực tức, rồi một ngày tôi nghĩ “thôi thì tìm cách lôi kéo chồng”.

Ông xã của tác giả và con trai giờ rất thân nhau
Ông xã của tác giả và con trai giờ rất thân nhau

Tôi bắt đầu tập trung vào việc mình có thể làm. Để tạo thói quen đọc sách cho con, ngoài việc tự mình đọc, tôi nhờ anh đọc để gia tăng tình cảm cha con. Khi chơi với con, tôi gợi ý anh xếp hình rô bốt cho con, khen anh trước mặt con: “Ba giỏi mấy cái này lắm”.

Muốn anh làm gì, muốn nuôi dạy con thế nào, tôi nói rõ ràng, thẳng thắn với anh thay vì bóng gió để anh đoán. Chính nhờ những thay đổi tưởng như rất nhỏ này, anh đã dần trở thành người cha “biết chơi với con” (theo nhận xét của mọi người). Đến giờ, 2 cha con có thể chơi và chăm sóc cho nhau khi tôi vắng nhà.

Tôi nghĩ, thay vì than phiền anh chỉ biết cho con xem ti vi, tôi nói với anh lý do tại sao chưa nên cho con tiếp xúc với màn hình. Tôi cũng thay đổi cách nói. Trước kia tôi phàn nàn “anh biết gì mà nói” khi thấy anh cứ nói mãi chuyện con bệnh, thì nay, khi hiểu rằng anh cũng vì lo lắng cho con, tôi nói: “Em biết anh lo cho con, nhưng anh nói vậy làm em nghĩ cứ như tại em mà con bệnh”. Chỉ thế thôi mà anh đã để ý hơn đến cách nói của mình.

Tôi sẽ không thể khiến chồng tin rằng tôi có thể chăm sóc con tốt, không thể khiến mọi người thay đổi cách nhìn về những lựa chọn mà tôi làm trên hành trình làm mẹ nếu tôi không tự mình thực hiện trước. Tôi đều đặn đọc sách cùng con khi nhiều người nói “con còn bé biết gì mà đọc”; tôi kiên trì cùng con tự ăn dẫu mỗi bữa con chỉ ăn được chút xíu; tôi bền bỉ viết bài chia sẻ về quá trình đồng hành cùng con, học làm mẹ khi ngay cả chồng còn nghĩ “em viết có ai đọc đâu”.

Bây giờ, sau hơn 4 năm, quả ngọt tôi nhận được là những khoảnh khắc con tự đọc sách, con vui cười bên sách, là khi con có nếp ăn tự giác, là khi nhận được lời động viên và ghi nhận từ bạn bè, người thân rằng, bài viết của tôi chạm đến họ, nói thay được những suy nghĩ của họ…

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Và tôi thấy công sức của mình, sự thay đổi của mình xứng đáng. Tôi không còn thất vọng hay khó chịu trước những hành vi của người khác. Tôi cũng tự tin hơn vào những giá trị mình lựa chọn và xây dựng.

“Muốn thay đổi người khác, hãy bắt đầu từ chính mình”. Câu nói này tôi thấy rất đúng, không chỉ trong chuyện nuôi dạy con mà mở rộng ra các mối quan hệ khác cũng vậy: vợ - chồng, cha mẹ - con cái hay cả những người đang yêu nhau. Chúng ta cứ mải mê chỉ trích nhau, chê bai nhau, muốn người phải thế này hay thế khác mà quên đi điểm tốt của nhau, quên cải thiện chính mình.

Vợ chồng nên học cách biết ơn, trân trọng và tôn trọng nhau, ghi nhận ưu điểm của nhau, đồng thời chú tâm vào phát triển bản thân, làm tốt phần việc của mình trong mối quan hệ đó; mọi thứ chắc chắn sẽ đổi khác.

Nguyễn Huyền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI