Mạng xã hội và vấn nạn tự tử ở thanh thiếu niên

22/05/2025 - 06:00

PNO - Không gian số - nơi từng mang lại cảm giác kết nối - giờ đây dấy lên lo ngại khi khiến ngày càng nhiều thanh thiếu niên rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết. Tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, các cảnh báo về hệ lụy tinh thần từ mạng xã hội đang gióng lên hồi chuông báo động.

Việc để trẻ em tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với điện thoại, mạng xã hội làm tăng nguy cơ trầm cảm ở trẻ
Việc để trẻ em tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với điện thoại, mạng xã hội làm tăng nguy cơ trầm cảm ở trẻ

Vết thương vô hình từ thế giới ảo

Từng tìm kiếm cách tự tử sau khi liên tục bị miệt thị ngoại hình trên mạng, Nguyễn Minh T. - 19 tuổi, TPHCM - chia sẻ: “Mỗi lần mở điện thoại, em lại thấy những lời bình luận độc địa. Dù rất sợ hãi thế giới mạng nhưng em không thể dừng việc lên mạng xã hội. Càng lúc em càng thấy chỉ muốn chết quách cho xong”. May mắn, ba mẹ em kịp phát hiện những dấu hiệu bất thường và đưa em đến gặp chuyên viên tư vấn tâm lý. “Em vẫn tổn thương nhưng không còn nghĩ cái chết là lối thoát” - T. tâm sự.

Câu chuyện của Lê Hà M. - 16 tuổi, Hà Nội - có lẽ sẽ khiến nhiều ba mẹ giật mình. Em từng muốn tham gia thử thách “biến mất 24h” trên TikTok vì cảm thấy mình vô hình trong gia đình. “Em nghĩ nếu mình chết, ba mẹ sẽ thấy em quan trọng”. Sau khi giáo viên phát hiện những dòng trạng thái tiêu cực trên Facebook của M., em được hỗ trợ tâm lý kịp thời. Ba mẹ em cũng được thông báo tình trạng của con. “Ba mẹ không trách mắng, chỉ lắng nghe. Đó là lần đầu tiên em được ba mẹ lắng nghe” - M. kể.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng mạng xã hội đang góp phần làm gia tăng tình trạng trầm cảm, thậm chí tự tử ở thanh thiếu niên. Ông Cao Hoàng Nam (Tổ chức Sáng kiến Z & ALPHA) lý giải: “Mạng xã hội được thiết kế có chủ đích nhằm tác động mạnh đến tâm lý người dùng. Những tính năng như nút like và comment kích thích não bộ tiết dopamine - chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn và phần thưởng. Người dùng dễ bị cuốn vào vòng lặp tương tác - chờ đợi - thất vọng. Điều đó dễ dẫn đến hành vi nghiện”.

Với thanh thiếu niên - độ tuổi đang hình thành nhân cách - sự phụ thuộc vào phản ứng ảo dễ khiến các em đánh đồng giá trị bản thân với số lượt “thích” hay bình luận. Khi không được chú ý, các em có thể cảm thấy kém cỏi, bị bỏ rơi dẫn đến lo âu, tự ti, trầm cảm.

Một áp lực khác đến từ việc so sánh, bắt nạt và kỳ vọng phải thể hiện theo “chuẩn mực”. Tình trạng trên không chỉ gây tổn thương tinh thần mà còn xói mòn khả năng xây dựng quan hệ thực tế, làm lệch lạc cách nhìn nhận bản thân và người khác. Đáng lo hơn là áp lực của sự so sánh trên mạng xã hội về ngoại hình, cuộc sống, thành tích… khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trầm cảm. Một số em không tìm được nơi chia sẻ đã tìm đến hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc có ý nghĩ tự tử như một cách thoát khỏi cảm giác thất bại hoặc vô hình trong thế giới ảo.

Khi không gian mạng ngày càng khó kiểm soát, các em dễ bị lôi kéo vào những trào lưu độc hại, tiếp xúc với nội dung bạo lực, khiêu dâm hoặc tự làm hại bản thân chỉ sau vài lượt lướt. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai - giảng viên Đại học Y Hà Nội - cảnh báo: “Mạng xã hội “dẫn” trẻ đến với các nội dung nguy hiểm như video hướng dẫn treo cổ, cắt tay, tự tử trên YouTube. Trẻ có thể bị dẫn dắt khi vô tình tham gia các nhóm kín và nhiễm suy nghĩ lệch lạc về cái chết”.

Gia đình, nhà trường và cộng đồng: 3 rào chắn bảo vệ trẻ

Giới trẻ đang phát tín hiệu cầu cứu không bằng lời nói mà bằng ánh mắt mệt mỏi, sự hoang mang vô định và sự im lặng đáng sợ. Gia đình phải là tuyến đầu trong việc định hướng hành vi sử dụng mạng xã hội của trẻ. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương (Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng) khuyến nghị ba mẹ nên giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử (tối đa 1-2 giờ/ngày), duy trì đối thoại cởi mở với con về các nội dung tiêu cực trên mạng đồng thời khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh ngoài đời thực để cân bằng tâm lý.

Các chuyên gia tâm lý đều chung quan điểm nhà trường cần chủ động giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các buổi sinh hoạt nhằm giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh. Chương trình giảng dạy nên tích hợp kiến thức về mạng xã hội, kỹ năng quản lý cảm xúc… - những yếu tố có thể dẫn đến cảm giác cô lập và trầm cảm ở học sinh.

Ngoài việc xây dựng phòng tham vấn học đường, ngành giáo dục còn cần trang bị cho giáo viên kỹ năng nhận diện sớm các dấu hiệu bất ổn tâm lý của học sinh để can thiệp kịp thời.

Cộng đồng cũng cần vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát nội dung độc hại, ngăn chặn sự lan truyền của các trào lưu tiêu cực. Đồng thời, cần phát triển các nền tảng hỗ trợ tâm lý như đường dây nóng, cổng tư vấn trực tuyến và hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ.

Ngọc Tiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI