10/03/2014 - 07:50

PNO - PNCN - Chị là thợ ráp áo dài. Tiền công 25.000đ một cái, cái nào kiểu cách cầu kỳ lắm thì được 35.000đ. Có người hỏi, tay nghề chị cứng, sao không mở tiệm nhận hàng trực tiếp từ khách để hưởng trọn tiền công, chị lắc...

edf40wrjww2tblPage:Content

Câu trả lời khiến nhiều người tiếc cho chị. Nghề may cũng như bao nghề khác, thời buổi này thầy thợ nhiều nhưng tay nghề giỏi luôn là quý hiếm. Thợ may đẹp thì tiệm có ngoằn ngoèo, hang hốc cỡ nào quý bà quý cô cũng tìm tới. Lại có người hỏi, vậy sao không thuê chỗ ngon ngon mà mở tiệm? Chị cũng lắc đầu, mặt bằng ngoài phố giá trên trời, lỡ thu không đủ chi thì chết.

Vậy là do chị quá nhút nhát. Hồi còn học nghề, nhiều lần chứng kiến khách hàng vừa ngực ưỡn vừa lưng cong, nhưng lại lớn tiếng chê áo may bị xấu, nhất định đòi chỉnh sửa sao cho giống hình mẫu mới chịu, chị sợ. Cái nghề làm dâu trăm họ, chị né bớt, xin chỉ làm dâu một người là chủ tiệm. Thợ ráp, chỉ may theo đường phấn vẽ, còn lại thì chủ tiệm chịu trách nhiệm. Chị chấp nhận tiền công rẻ mà được yên.

Mỗi ngày, cơm nước chợ búa xong, chị may được năm hoặc sáu cái tùy kiểu. Vào mùa khai giảng, chị thức đêm may được thêm hai cái nữa. Mùa đắt bù mùa ế, cũng ổn cho cuộc sống giản dị của chị và ba đứa con.

Đến khi con trai đầu lòng lấy vợ, chị phải chui ra khỏi vỏ ốc của mình để lo toan cho con. Từ ngày trở thành bà góa, chị mặc cảm kinh khủng, rất ngại tiếp xúc. Nhà trai phải có ba mâm năm quả. Chị thức đêm liên tục để làm. Rồi cũng xong cái đám cưới được khen là khá tươm tất.

Con trai muốn thuê phòng trọ, chị thủ thỉ “Ở riêng ai coi ngó đồ đạc cho. Thôi thì vài năm đầu ở đây, ăn cơm chung với má cho vui”. Chị lại thức đêm để có tiền làm cái gác lửng. Trần nhà thấp tè, con dâu leo lên gác mấy lần bị cụng đầu. Sợ con dâu lấy cớ mẹ chồng khó tính đòi ra riêng, chị luôn tươi cười, vui vẻ, cuối tuần rủ con dâu đi chợ nấu món ngon ngon cho hai đứa rủ bạn bè tới giao lưu thư giãn…

Không tốn tiền trọ, không tốn tiền chợ, được ba năm thì con dâu hớn hở khoe đã để dành được hơn trăm triệu. Chị khen hai đứa giỏi, vui vẻ nghe hai con bàn chuyện sang lại một quán tạp hóa nho nhỏ. Chẳng lẽ đi làm thuê hoài sao.

Con trai thứ hai lấy vợ, chị lại thức đêm. Dạo này, chị thấy mình mau mỏi mắt hơn trước, may vô tháo ra mấy lần. Lại phải thay kính cao độ hơn nữa rồi. Nhưng không sao. Cặp kính mới đúng độ nên chị nhìn đường kim mũi chỉ rõ hơn, lại thấy tính toán của mình dành cho con cũng được lắm. Anh chị nó thuê quán bán tạp hóa, ăn ở lại đó luôn, cái gác lửng chỉ cần sơn lại cho mới, mua vải về may cái ri đô mới là thành cái tổ xinh xinh. Rồi ba năm sau, nó cũng sẽ có được số vốn như anh chị của nó, một khởi đầu không đến nỗi.

Ma

Nhưng, con dâu thứ hai không chắt chiu như con dâu đầu. Không tốn tiền chợ, không tốn tiền thuê phòng trọ, thì lấy tiền đó mua sắm áo quần, giày dép… Chị thở dài khi nghe con dâu than với hàng xóm “Nhà chồng có cho được gì đâu”. Sợ con trai nổi nóng sinh chuyện ồn ào, chị nín lặng, thấy gối chân mình nhức nhiều hơn, cái lưng cũng đau nhiều hơn. Bác sĩ nói có những bệnh nghề nghiệp chỉ chữa được bằng thể dục, tốt nhất là đi bộ. Mà chị thì ngại ra đường ghê gớm. Từ ngày biết con dâu kết thân với cô hàng xóm nhiều chuyện, chị lại càng ngại ra đường hơn.

Mệt và đau. Chị mua cho mình một liều thuốc. Sợ các con nhìn thấy, chị uống lén. Ba đứa con của chị mồ côi cha nên từ nhỏ rất sợ mỗi khi thấy chị uống thuốc, nhất là con gái út, lúc còn nhỏ vẫn thường hét “Con không thích nghe má nói má bị mệt”. Giờ lớn rồi nó vẫn vậy, nhìn thấy chị day day thái dương là gắt “Má ngủ đi, ai bắt má thức khuya cho bị nhức đầu”. Cái tính cáu gắt của nó ngày càng tăng, cho đến khi nghỉ học đi làm mới biết ăn nói nhẹ nhàng. Chị đang mừng thầm, nghĩ con mình đã khôn lớn thì đùng một cái nó dắt về nhà một tên con trai trọc đầu mặc áo thun ba lỗ lộ ra đủ thứ hình xăm trổ trên người. Lười học ham chơi, nghỉ học sớm, bỏ nhà đi bụi… giờ đang là bảo kê quán cà phê nơi con gái chị chạy bàn - bạn trai của con chị vậy đó.

Biết tính ương ngạnh của con gái, chị chỉ biết khóc. Hết nước mắt, chị thắp nhang đứng trước bàn thờ chồng mà nhận lỗi là mình dở quá. Nếu chị là một “bà” giỏi giang, biết kèm cặp con cái học hành, thì con đã không chán học bỏ đi làm quán cà phê, không phải gặp gã bảo kê này. Cả đời chị chỉ biết ráp áo dài thuê cho người ta thôi…

Than khóc rồi chị cũng đành phải chấp nhận. Lau nước mắt, chị bàn chuyện cưới xin. Hai lần gồng mình cho tròn trách nhiệm nhà trai, những khi mệt mỏi chị thường nghĩ bâng quơ “mai mốt đến phiên con gái mình sẽ không đòi hỏi gì, tội người ta”.Ngờ đâu…

Chị nghiến răng chịu đựng những cái nhìn châm chích của xóm giềng, tươi cười ngồi sau xe con rể chở đi chợ. Ừ, giờ nó là con rể của chị, là cha của đứa bé trong bụng con chị, là người nhà của chị.

Chị thủ thỉ với vợ chồng con gái như từng nói với con trai sau ngày cưới “Ở riêng ai coi ngó đồ đạc cho. Vài năm đầu hai đứa ở đây với má”.

Con rể ngỡ ngàng: “Má cho con về ở chung thật à?”.

****

Tôi biết chuyện đời chị từ khi tới may áo dài. Chị không còn sợ làm dâu trăm họ nữa, nói đúng hơn là tình thương của chị dành cho con lớn hơn mọi nỗi sợ. Chị sơn sửa phòng khách khang trang để mở tiệm may.

Đó là chuyện của cách đây 5 năm, giờ thì con rể của chị là thợ cắt chính, con gái và con dâu là thợ ráp như chị ngày nào.

Chị không làm thợ nữa, mà làm bà nội bà ngoại của một bầy cháu lau nhau. Chỉ khi nào gặp khách hàng khó tính quá, hoặc gặp mấy bà ngực ưỡn lưng cong mà đòi đẹp như người mẫu, chị mới đích thân ngồi vào máy.

Nguyên Hương

Từ khóa
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI