“Ly hôn xám”

05/05/2021 - 14:19

PNO - Nghiên cứu chỉ ra rằng hôn nhân phát triển mạnh mẽ hơn khi chồng tăng thu nhập và ngược lại, sẽ dễ đi đến tan vỡ nếu thu nhập của vợ tăng

Ly hôn có thể tàn khốc với mọi lứa tuổi. Nhưng với tuổi già, “hạnh phúc cũ” hay “lỗi lầm mới” càng cần được cân nhắc thật kỹ…

Câu chuyện của nhà Gates đặt ra một câu hỏi về tình trạng ly hôn ở người lớn tuổi. Tây phương gọi tình trạng này là “ly hôn xám” (grey divorce) vốn ám chỉ màu tóc “tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm” của những kẻ chia tay nhau buổi xế chiều.

Tờ The Wall Street Journal cho biết, tỷ lệ ly hôn đã giảm ở Mỹ trong 20 năm qua, thế nhưng, tỷ lệ ly hôn ở những cặp trên 50 tuổi lại có xu hướng gia tăng.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Dù giàu cỡ tỷ phú hay chỉ là người làm công ăn lương, theo chuyên gia phân tích tài chính Marguerita Cheng (Investopedia & Kiplinger), ly hôn vẫn là một thử thách lớn nhất đời với bất kỳ ai.

Câu hỏi tại sao ly hôn ngày càng tăng ở người có tuổi được bà Cheng giải đáp bằng các khía cạnh vốn ảnh hưởng hằng ngày đến hôn nhân, nhưng ít khi chúng ta nhận ra: “Nghiên cứu chỉ ra rằng hôn nhân phát triển mạnh mẽ hơn khi chồng tăng thu nhập và ngược lại, sẽ dễ đi đến tan vỡ nếu thu nhập của vợ tăng”.

Một lý do khác, khi sự kỳ thị xã hội quanh chuyện ly hôn giảm đi, những cặp đôi bị “dồn nén” trong thời gian dài chung sống sẽ dễ dàng quyết định chia tay. Các trường hợp “ly hôn xám” còn xảy ra sau khi con cái lớn lên và rời khỏi cha mẹ. Đây được gọi là “hội chứng tổ trống”.

Thông thường, vợ chồng dành cả đời nuôi dạy con cái và khi những đứa trẻ trưởng thành, ra riêng, mỗi người sẽ “ồ” lên tự hỏi: “Thế tiếp theo sẽ là gì”? Cả hai không còn nhận ra hoặc đánh mất đi “hào quang” từ người mà họ đã kết hôn nhiều năm trước. Ly hôn lúc này là một lựa chọn.

“Lý do quan trọng không thể bỏ qua khiến ly hôn xảy ra ở tuổi già nhiều hơn chính là tuổi thọ ngày nay cao và việc tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ở độ tuổi trên 50, mọi người có thể nghĩ rằng họ vẫn còn thời gian để khám phá con đường mới. Tinh thần, thể chất và tâm lý tốt ở các nền kinh tế phát triển giúp người lớn tuổi không còn né tránh ý định ly hôn vì họ tin rằng mình có thể tự tìm thấy hạnh phúc”, bà Cheng nhận định.

Theo tiến sĩ xã hội học Susan Brown thuộc Đại học Bowling Green State (Mỹ), đồng tác giả cuốn Cuộc cách mạng hôn nhân xám (2012), nhiều yếu tố cần xem xét đối với người có tuổi khi ly hôn. Hậu quả tài chính có thể “tàn phá” một số người lớn tuổi.

Việc phân chia tài sản tích lũy trong thời kỳ hôn nhân kéo dài có thể phức tạp vì phải cân nhắc các chính sách bảo hiểm nhân thọ, an sinh xã hội, các khoản đầu tư và lương hưu. Nếu người chồng là trụ cột tài chính, người vợ có thể gặp khó khăn sau khi ly hôn.

Việc nghỉ hưu có thể là một “chi phí đắt đỏ” hơn 50% đối với những người cao tuổi ly hôn bởi cơ hội kiếm tiền ít hơn khi đã rời thị trường lao động. Việc chia tay cuối đời có thể làm kế hoạch nghỉ hưu của cả hai phá sản.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Ly hôn xám” vẫn có thể ảnh hưởng đến con cái. Bà Brown cho rằng con cái lớn rồi, nhưng vẫn có thể bị “mắc kẹt” giữa mối tương quan gãy đổ của cha mẹ, thậm chí có trường hợp bị buộc phải đứng về “phe” nào. Điều này không mấy dễ chịu.

Một số đứa con gặp vấn đề trong việc thích nghi với cuộc hẹn hò mới của cha hoặc mẹ, hoặc một gia đình mới mà chúng phải làm quen.

Với tuổi già, để tiếp tục tìm thấy hạnh phúc, việc lập kế hoạch cẩn thận cho cuộc ly hôn tránh những sai lầm phổ biến, hy vọng sẽ giúp người trong cuộc vững bước trong… nắng chiều rực rỡ. 

Đoàn Phó Ba

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI