Ly hôn vì… đám cháu bên vợ bên chồng

22/12/2021 - 20:54

PNO - Họ đến tòa gần như cùng lúc, và đều đến sớm hơn thời gian được mời. Không ai có thể nghĩ họ đến tòa để chấm dứt cuộc sống chung. Cả hai đều ăn mặc thời trang, gương mặt thanh thản, họ trò chuyện với nhau không thân mật nhưng lịch sự. Tôi nghe loáng thoáng về chuyện làm ăn, những thách thức của doanh nghiệp vào thời dịch giã.

 

Tôi cũng không nghĩ họ là vợ chồng cho đến khi vị thẩm phán xuất hiện và bắt đầu phiên hòa giải. Vị thẩm phán nhẹ nhàng thăm hỏi sức khỏe của họ như người nhà. 

Họ yêu nhau từ thời sinh viên, chàng trai Thanh M. học kiến trúc, còn cô gái Ngọc S. học kế toán. M. từ miền Trung vào, S. từ miền Tây lên. Cả hai đều học giỏi, ngoại hình xứng đôi, quen nhau trong các phong trào hoạt động mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo… và khi tốt nghiệp đại học, họ lại thêm điểm chung là cùng quyết tâm khởi nghiệp ở TP.HCM. 

Họ kết hôn ngay khi tốt nghiệp đại học vì cùng tư duy “vừa lập nghiệp, vừa lập gia đình”. Cả hai đều dựa vào chính tài năng và sự siêng năng, chịu cực của mình. Những thử thách, khó khăn khi đi làm là cơ hội để họ tích lũy vốn, kinh nghiệm rồi dần dần mở doanh nghiệp.

Người ta nói “Đồng vợ, đồng chồng, tát Biển Đông cũng cạn” là vậy. 

Chuyện rắc rối bắt đầu với việc xét tăng lương cuối năm. Việc so sánh năng lực của một kiến trúc sư (cũng là cháu của anh M.) với một nhân viên kế toán tổng hợp (cháu chị S.) đã dẫn đến tranh luận không hồi kết của các bộ phận. Do mô hình công ty gia đình, quy mô vừa nên việc quản lý, điều hành chưa chuyên nghiệp và tiêu chí đánh giá năng lực nhân viên chủ yếu duy tình hơn duy lý. Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Kế hoạch 5 năm của họ như ý, công ty thuộc lĩnh vực, thiết kế - xây dựng của vợ chồng được thành lập, với sự giúp đỡ nguồn vốn từ gia đình chị Ngọc S., mối quan hệ từ gia đình anh Thanh M. và kinh nghiệm chuyên môn của hai vợ chồng. Trong đó, anh M. giữ vai trò chủ tịch kiêm giám đốc công ty còn chị S. là kế toán trưởng.

Sau ba năm khởi nghiệp, gia đình họ vui mừng đón con trai đầu lòng. Hạnh phúc vợ chồng tăng cùng với doanh nghiệp làm ăn khấm khá, có nhà, có xe. Họ cùng chạm đến lứa tuổi 30 còn nhiều tiềm năng hứa hẹn phía trước.

Vậy sao họ lại cùng ra tòa án, nơi mà không ai trong đời muốn đến. Tôi đoán chắc ông chồng lăng nhăng gì đó với cô thư ký hay cô bạn cũ… theo kiểu rất phổ biến của các cặp đôi ly hôn. Vì thế, tôi mới ngạc nhiên khi biết mâu thuẫn của họ bắt đầu với sự so sánh: “Cháu của anh và cháu của em ai giỏi hơn và ít phiền hà hơn?”.

Chuyện rắc rối bắt đầu với việc xét tăng lương cuối năm. Việc so sánh năng lực của một kiến trúc sư (cũng là cháu của anh M.) với một nhân viên kế toán tổng hợp (cháu chị S.) đã dẫn đến tranh luận không hồi kết của các bộ phận. Do mô hình công ty gia đình, quy mô vừa nên việc quản lý, điều hành chưa chuyên nghiệp và tiêu chí đánh giá năng lực nhân viên chủ yếu duy tình hơn duy lý.

Trong khi việc khen thưởng, tăng lương chưa ngã ngũ, thì xảy ra việc phiền hà từ khách hàng là một chủ đầu tư. Họ phản ánh thái độ làm việc của hai nhân viên thuộc đội thi công thuộc công ty và đe dọa thanh lý hợp đồng. Trong hai nhân viên, một là cháu của vợ và một là cháu của chồng. Kết quả giải trình cả hai bạn trẻ đều không nhận mình sai lầm mà đổ lỗi cho nhau, dẫn đến ban giám đốc (là vợ chồng anh M. và chị S.) phải phân xử. 

Sự việc tại công ty ngày càng căng thẳng, mâu thuẫn vợ chồng phát sinh từ phòng họp đến giường ngủ rồi đến gia đình hai bên với sự liên quan của gần 10 người cháu xa gần. Anh Thanh M. mất ngủ nhiều đêm với hàng loạt câu hỏi như: Quản trị doanh nghiệp và quản trị gia đình cái nào khó hơn, có lồng ghép vào nhau được không? Công ty mình theo mô hình gia đình quy mô không lớn nhưng tại sao quản lý nhức đầu? Nếu xây dựng công ty quy củ hơn thì hạnh phúc vợ chồng và mối quan hệ gia đình hai bên sẽ ảnh hưởng tiêu cực hay được cải thiện? 

Khác với chồng, chị Ngọc S. cho rằng anh không có tư duy quản trị, anh chỉ giỏi ngoại giao, tìm hợp đồng và chị khẳng định mình mới là người nhận xét, đánh giá chính xác nhân viên, người nhà. Tranh luận không hồi kết, mâu thuẫn càng trầm trọng nên hai vợ chồng quyết định kéo nhau ra tòa yêu cầu giải quyết ly hôn ngay trong lúc công ty bước vào giai đoạn đình trệ.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Trong cuộc sống chung, vợ chồng họ cũng không ít sóng gió. Đó là lúc ông chồng say nắng với cô tiếp tân khách sạn, cô khách hàng. Bà vợ cũng có đôi khi khó chịu với mẹ chồng… nhưng đến chuyện “cháu anh, cháu em” thì hôn nhân trở nên quá mong manh. Tại phiên hòa giải, họ không nói nhiều đến chuyện đã xảy ra, mà đề cập đến chuyện sắp tới. Họ đã tự thỏa thuận với nhau: Vợ nuôi con, chồng chu cấp. Ngôi nhà chung, để cho vợ và con trai. Chồng lấy chiếc xe hơi và công ty. Vợ đã có công ty mời làm việc.

Vị thẩm phán từ tốn phân tích chuyện hôn nhân cần thử thách để người trong cuộc nhìn lại chính mình. “Cái tôi” và “của tôi” là những từ luôn khiến con người phiền muộn, đau khổ. Hai người vẫn đang là vợ chồng bình tĩnh lắng nghe.

Nói riêng với tôi, vị thẩm phán cho biết: “Thường những cặp vợ chồng ra tòa còn cãi nhau, lườm nhau… thì may ra họ còn có thể sống tiếp với nhau, vì còn “dòm ngó”, và có cảm xúc với nhau. Còn những cặp bình thản, lạnh lạnh rất khó làm hòa, vì họ đã chuẩn bị tâm thế, tinh thần sống xa nhau rồi”.

Kinh nghiệm của vị thẩm phán khiến tôi nhớ đến câu nói của người vợ trẻ trước khi ra khỏi phòng hòa giải: “Giờ tôi có nhà, có con trai, có công việc… thấy khỏe re hà”. 

Nhân Duyên

 

MÔ HÌNH CÔNG TY GIA ĐÌNH TIỀM ẨN RỦI RO HẠNH PHÚC 

Ở khía cạnh quản trị doanh nghiệp, mô hình công ty gia đình đã có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với không ít doanh nghiệp, “yếu tố gia đình” ảnh hưởng tiêu cực vào việc quản trị doanh nghiệp, gây mâu thuẫn vợ chồng nhiều trường hợp dẫn đến ly hôn. Để hạn chế điều này, tôi có vài điều muốn chia sẻ:

+ Sự tôn trọng lẫn nhau trong mối quan hệ vợ chồng sẽ là nền tảng trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp theo mô típ công ty gia đình. Khi sự tôn trọng của bạn dành cho vợ/chồng chưa đủ lớn chắc chắn bạn sẽ hoài nghi, do dự và phòng bị “đối phương” nên mọi đánh giá, quyết định sẽ không còn khách quan, chính xác. Đó chính là tiền đề của mâu thuẫn, rạn nứt, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hôn nhân.

+ Trên cơ sở tôn trọng nhau vợ/chồng mới có thể thỏa thuận việc tuyển dụng, ứng xử và chế tài đối với em, cháu của hai bên vào làm việc với tư cách người lao động trong công ty. Đồng thời, vợ/chồng cũng sẽ có những thông báo, chia sẻ cũng như vạch ra “ranh giới” tương đối với những phụ huynh, người thân của “người lao động yếu tố gia đình” trong doanh nghiệp mình nhằm hạn chế, ngăn chặn mâu thuẫn lan rộng ra quan hệ hai bên và quan hệ thông gia.

+ Tỷ lệ các cặp vợ chồng “song kiếm hợp bích”, tôn trọng nhau đúng nghĩa luôn thấp hơn tỷ lệ các cặp vợ/chồng có một người “trên cơ” người kia. Do vậy, nếu bạn lựa chọn mô hình công ty gia đình để khởi nghiệp, bạn cần đánh giá chính xác về năng lực, bản lĩnh và uy tín của mình trong “mắt đối tác” và ngược lại để vợ/chồng đạt thỏa thuận về giao quyền, quy trách nhiệm và giới hạn ứng xử hợp lý. Tuy nhiên, sự phân định này chỉ mang tính tương đối bởi vợ chồng lúc mặn nồng thường làm ta duy tình khi đưa ra quyết định. Muốn duy lý mà tình cảm không tổn thương, bạn phải có phương pháp đúng và khéo léo, điều này trong một số trường hợp, tình huống là việc không dễ dàng cho nhiều người, đôi khi nó là bức tường không thể vượt qua.

Cuối cùng, tôi cho rằng, một trong những điều kiện quan trọng để có hôn nhân hạnh phúc là vợ/chồng bổ khuyết cho nhau về sở đoản và hỗ trợ để phát huy được sở trường của nhau. Tuy nhiên, không phải mọi cặp vợ chồng đều ý thức để làm tốt điều này trong đời sống hôn nhân nên việc điều hành mô hình công ty gia đình trong một số trường hợp thay vì bổ sung sở đoản cho “nửa kia” thì vợ/chồng lấy sở trường của mình để đè bẹp sở đoản của đối phương để khẳng định mình và chê bai “nửa kia”. Đây là sai lầm khó cứu vãn, muốn khắc phục bạn phải thường xuyên kiểm soát “cái tôi” của mình để cầu thị, lắng nghe và chia sẻ thì mới có thể ứng xử hài hòa và đưa ra quyết định đúng, thấu lý, đạt tình.

Luật sư Trần Hoài Nhân 
(Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI