Lối cũ, món xưa…

24/07/2025 - 06:00

PNO - Trời Sài Gòn nóng hực nhưng tôi vẫn cảm nhận trong gió tiếng giật dây gàu múc nước, tiếng nước giếng chảy vào cái thùng nhôm móp méo, bóng dì Ba thoăn thoắt gánh từng đôi nước cùng nụ cười hiền hòa của cô bán cháo đậu đỏ.

Cái xóm lao động luôn tấp nập, nằm trong góc một con hẻm xéo - xóm đình Bình Thới (quận 11 cũ, TPHCM) quây quần với vài chục gia đình chen chúc san sát, lấy đình làm trung tâm. Tôi khi ấy chỉ mới 9 tuổi, là đứa con trai theo mẹ về ở tại khu đình này. Không có nơi nương tựa, mẹ con tôi cùng dượng ở trong chái bên hông mái đình của một người cậu bà con (cậu Tám Đình).

Ảnh mang tính minh họa - Beo_GEM.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo_GEM.AI

Trong mắt trẻ thơ, chốn này có quá nhiều điều mới lạ đang chờ tôi khám phá: đất sình, cái giếng, cây cối um tùm, ngôi đình và mấy đứa con nít lấm lem nghịch ngợm… - những cảnh tượng mà tôi chỉ được gặp khi về quê ngoại trong những kỳ nghỉ hè. Tất cả đều quy tụ ngay đây, trong con hẻm lao động ấy. Hồi đó, cả xóm chỉ có 2 cái giếng. Giếng khu này chỉ cần đào chưa tới 10 thước đã tới mạch, nước trong vắt.

Mỗi sáng, tôi thức dậy với tiếng loa phát thanh vọng từ công viên Đầm Sen. Có 2 sự chọn lựa cho buổi sáng mà tôi nhớ như in: bánh mì thịt và cháo đậu.

Dì Ba bán bánh mì là một thành viên trong đại gia đình cậu Tám Đình. Chồng mất, dì ở vậy nuôi 2 người con gái. Với quang gánh trên vai, tinh sương, dì rong ruổi qua các con đường, con hẻm lao động nghèo để bán từng ổ bánh mì nóng giòn. Chiều xuống, dì lại gánh nước mướn. Những gánh nước trong veo cũng lấy từ cái giếng ở đình.

Mỗi sáng, tôi đều được nhận 1 ổ bánh mì lót dạ. Rồi tới cuối tháng, mẹ tôi “tính sổ” với dì Ba để trả 1 lần. Trưa đi học về, tôi hay chạy qua đình phụ dì Ba làm mấy chuyện lặt vặt để chuẩn bị cho gánh bánh mì bán sớm mai. Bánh mì bình dân bán cho người lao động nghèo, nhân chẳng có gì cao sang mỹ vị, cốt sao no bụng. Thế nhưng trong ký ức tôi, bánh mì dì Ba luôn ngon lành dù ngày nào cũng ăn, từ năm này qua năm khác.

Món thứ hai là cháo đậu đỏ. Quán cháo chỉ là 4 cái bàn học sinh được cưa thấp chân để từ người lớn đến trẻ con đều có thể ngồi xung quanh xì xụp. Cháo đậu ở khu này chỉ có một quán, do con gái bà Sáu bán. Cháo được nấu bằng gạo và đậu đỏ, nồi cháo có màu đỏ thẫm do nhựa đậu đỏ hòa lẫn tinh bột của gạo mà thành, bốc khói nghi ngút.

Những sáng hè mưa dầm, quán cháo dựng cái bạt nhựa chắp vá nhiều màu mà vẫn không che nổi những giọt mưa chui từ mái nhà xuống mặt, mũi thực khách. Đám nhỏ tụi tôi hay ngồi chồm hổm lên ghế dài phía trước hàng cháo đậu, bụng sôi ùng ục vì đói, chờ đỡ lấy tô cháo nóng hổi từ tay cô chủ quán.

Muỗng cháo đậu đỏ quyện với nước cốt dừa cùng muối mè đậu phộng tạo thành vị rất đặc biệt: vừa mặn nhẹ vừa ngọt êm, pha chút beo béo, bùi bùi, mềm mềm tan trong miệng. Cháo còn có mấy sợi củ cải muối mặn xắt mỏng, ăn nghe sật sật, giòn giòn. Đó là món quà sáng bình dân, rẻ tiền mà hầu như từ người lớn tới con nít xóm này đều ăn hoài mà không biết ngán (hay không thể ngán vì đâu có nhiều sự lựa chọn).

Giờ đây, khi đầu đã 2 thứ tóc, một sáng bình yên, rảnh rỗi, tôi ghé về lối cũ, mong tìm lại món xưa. Trời Sài Gòn nóng hực nhưng tôi vẫn cảm nhận trong gió tiếng giật dây gàu múc nước, tiếng nước giếng chảy vào cái thùng nhôm móp méo, bóng dì Ba thoăn thoắt gánh từng đôi nước cùng nụ cười hiền hòa của cô bán cháo đậu đỏ. Tất cả trôi nhè nhẹ trong tâm tư, giữa miền nhớ mênh mông không dứt.

Vân Đan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI