Lao động tự do muốn về quê, lao động trình độ cao mong trở lại TPHCM

28/09/2021 - 06:19

PNO - Khi các tỉnh, thành phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, có một số lượng lớn người dân ở đây muốn trở về quê nhà, nhưng cũng có nhiều lao động trình độ cao hoặc đã qua đào tạo mong ngày trở lại thành phố để làm việc.

Người bán hàng rong mong sớm hồi hương

“Xóm hủ tíu” nằm ở hai con hẻm 666 và 606 Ba Tháng Hai, P.14, Q.10, TPHCM có hơn mười chiếc xe hủ tíu gõ phủ bạt suốt gần bốn tháng qua. Khi dịch COVID-19 bùng phát, chỉ có vài gia đình ở đây kịp về quê tránh dịch, số còn lại bị mắc kẹt lại ở TPHCM. Cư dân xóm này có quê ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Những tháng qua, người dân trong xóm chuẩn bị đồ đạc để sẵn sàng lên đường về quê tránh dịch. Hồi đầu tháng hè, nhiều người đưa con, cháu vào TP.HCM chơi, bị kẹt lại nên cuộc sống thêm khó khăn.

Anh Phạm Văn Trang - ở hẻm 666 Ba Tháng Hai - nói: “May là thầy cô ở quê cũng dạy online nên các cháu nhỏ bị kẹt ở đây vẫn học được. Nhưng ít bữa nữa học trực tiếp, chúng tôi phải đưa con cái về học. Với lại, bốn tháng qua, không làm ra đồng nào, chúng tôi chỉ mong được về quê làm ruộng, trồng rau, chờ TPHCM hết dịch để trở lại buôn bán”. Còn anh Nguyễn Chí - ở hẻm 606 Ba Tháng Hai - đã thu dọn đồ nghề bán hủ tíu đem gửi cho người quen để chuẩn bị về quê ở đến qua Tết Nguyên đán, nên sẽ trả luôn phòng trọ vì chưa biết khi nào UBND TPHCM cho bán đồ ăn trực tiếp. 

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, tỉnh Phú Yên liên tục tổ chức đón người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch Ả NH: MẠNH HOÀI NAM
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, tỉnh Phú Yên liên tục tổ chức đón người dân từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch - Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Gần 4 tháng qua, ông Trần Bích - 50 tuổi, quê ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - bị “chôn chân” trong căn nhà trọ rộng chừng 10m2 ở đường Tân Hòa Đông, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TPHCM, nơi ông thuê để làm nghề bán cháo lòng hơn 15 năm qua. Hồi đầu tháng 6, do giãn cách xã hội, vợ chồng ông Bích phải nghỉ bán, ở nhà. Cứ tưởng dịch sớm được khống chế nên ông bà không về quê, không ngờ vẫn kéo dài đến nay. Vợ chồng ông thất nghiệp nhưng vẫn phải trả tiền nhà trọ, chi tiền ăn nên rất chật vật.

Hôm 25/9, nghe người nhà ở quê gọi vào báo tin tỉnh Quảng Ngãi cho phép người về từ vùng dịch có thẻ xanh COVID-19 (đã tiêm đủ hai mũi vắc xin) tự cách ly tại nhà. Theo dõi trên báo đài, ông Bích được biết, sau ngày 1/10, TPHCM sẽ nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng ông vẫn không biết khi nào mới được ra lề đường bán cháo lòng như trước. Do đó, vợ chồng ông Bích quyết định sau ngày 1/10 sẽ về quê nếu được phép di chuyển liên tỉnh.

Ông Bích tính: “Đầu tháng Mười, nếu xe khách chưa hoạt động thì vợ chồng tôi sẽ chạy xe máy về quê. Sau 14 ngày cách ly tại nhà, tôi sẽ tìm việc gì đó làm tạm, qua năm rồi tính tiếp. Không biết tụi tôi đã tiêm đủ hai liều vắc-xin thì có được tự về hay không. Còn khoảng 130 ngày nữa là đến tết rồi”.

Bà Lê Thị Dung - quê ở H.Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết ở khu chung cư Ngô Gia Tự, P.2, Q.10, TPHCM - nơi bà thuê trọ - có không dưới 50 người làm nghề bán vé số, lượm ve chai, bán hàng rong đã bị mất việc, mắc kẹt ở TP.HCM từ đầu tháng 6/2021. Nhà trọ của bà có bảy người thuê, đều là người quê Quảng Ngãi. Mấy tháng qua, chị em đồng hương chia nhau từng bó rau, ký gạo nên cũng tạm sống được qua ngày. Hồi tháng 7, bà đã đăng ký hai, ba lần nhưng không được lập danh sách đưa về quê. Bây giờ, bà đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin nhưng chưa biết bao giờ người bán hàng rong, vé số mới được hoạt động trở lại nên chỉ muốn về quê tránh dịch.

Ngày 25/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra văn bản yêu cầu người có thẻ xanh COVID-19 hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 tự cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương và tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày đối với người đến/về từ các khu vực có dịch. 

Các chuyến xe do tỉnh Phú Yên tổ chức đón người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê  - ảnh: Mạnh Hoài Nam
Các chuyến xe do tỉnh Phú Yên tổ chức đón người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê  - Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Ông Trần Đình Vĩnh - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TPHCM - cho biết số người quê Quảng Ngãi mắc kẹt ở TPHCM muốn về quê rất đông. Từ đầu mùa dịch đến giờ, tỉnh Quảng Ngãi chỉ mới tổ chức hai đợt đón công nhân về quê với số lượng 400 người.

Mới đây, ngày 25/9, tỉnh tổ chức đón 300 phụ nữ mang thai từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê. Tất cả các chuyến đón công dân Quảng Ngãi trở về đều được tổ chức rất bài bản, có lực lượng đưa đón, công an dẫn đường, y tế hỗ trợ. Cho đến nay, chưa có chủ trương cho người dân Quảng Ngãi từ TPHCM về quê tự phát. Nếu UBND tỉnh có chủ trương tiếp nhận bà con từ vùng dịch, sẽ có hướng dẫn cách thức cụ thể. 

Tiêm đủ hai mũi, vẫn phải cách ly tập trung

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những thông báo mới, áp dụng cho tất cả công dân từ vùng dịch trở về địa phương. Cụ thể, người từ vùng dịch đã tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 khi đến Thừa Thiên - Huế sẽ được đưa đi cách ly tập trung tối thiểu bảy ngày và xét nghiệm PCR ba lần, sau đó tiếp tục được giám sát y tế tại nhà thêm 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe theo quy định đủ 28 ngày.

Trường hợp đã khỏi bệnh COVID-19 thì phải có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương và có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19.

Bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế  - giải thích việc quản lý chặt chẽ này nhằm giữ an toàn cho 1,3 triệu người dân địa phương. Vừa qua, có một số trường hợp sau khi hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, khi về nhà không tiếp tục chấp hành đúng quy định về phòng dịch nên đã lây nhiễm virus cho cộng đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã có các phương án đón công dân từ vùng dịch trở về. UBND tỉnh sẽ thông báo kế hoạch cụ thể cho người dân sau khi các tỉnh, thành phía Nam bỏ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Lực lượng tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19 (mặc áo thun đồng phục) ở Huế sẽ được huy động để hỗ trợ cho công tác đón người dân từ các tỉnh miền Nam về quê tránh dich - ảnh: Thuận Hóa
Lực lượng tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19 (mặc áo thun đồng phục) ở Huế sẽ được huy động để hỗ trợ cho công tác đón người dân từ các tỉnh miền Nam về quê tránh dịch - Ảnh: Thuận Hóa

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Đà Nẵng, hiện có 20.639 cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên, học sinh, học viên và người hỗ trợ (đi cùng) đang ở ngoài TP.Đà Nẵng, trong đó có 19.415 người ở 59 tỉnh, thành phố (đông nhất là Quảng Nam với 12.236 người) có nhu cầu trở về nhà. Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Đà Nẵng - cho biết trong đợt một (từ ngày 29/9 đến hết ngày 6/10), TP.Đà Nẵng sẽ cho 17.002 người thuộc 46 tỉnh, thành phố không thuộc vùng dịch tự túc phương tiện đường bộ để trở về.

Nhiều người lao động ở TP.HCM cho biết, nếu được di chuyển liên tỉnh, họ sẽ về quê - ảnh: Sơn Vinh
Nhiều người lao động ở TPHCM cho biết, nếu được di chuyển liên tỉnh, họ sẽ về quê - Ảnh: Sơn Vinh

Với 2.413 trường hợp còn lại (công dân đang ở các tỉnh An Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Cần Thơ và TPHCM), UBND TP.Đà Nẵng sẽ xem xét, cho phép trở về trong đợt tiếp theo khi các điều kiện chuẩn bị và hỗ trợ được thuận lợi hơn. 

Bà Thuận cho hay, công dân đủ điều kiện trở về, phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn là đang tạm trú tại địa phương và địa phương đó không có dịch (sở đã có hướng dẫn mẫu đơn); khai báo y tế và xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 (gộp 3 người/mẫu) tại chốt kiểm soát; xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 14 kể từ ngày về đến Đà Nẵng. Mọi chi phí xét nghiệm sẽ do UBND TP. Đà Nẵng hỗ trợ. Công dân trở về phải thông báo với cơ quan y tế hoặc chính quyền, công an địa phương để được quản lý, giám sát, theo dõi sức khỏe; cách ly tại nhà 14 ngày theo quyết định áp dụng biện pháp cách ly tại nhà do UBND xã, phường ban hành.

Trong hai ngày 25 và 26/9, tỉnh Quảng Ngãi đón 268 thai phụ và 26 trẻ em từ các tỉnh phía Nam về quê bằng máy bay và ô tô, sau đó đưa về khu nghỉ dưỡng Thiên Đàng ở xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn cách ly tập trung 14 ngày. Sáng 26/9, UBND tỉnh Bình Định bố trí 22 ô tô đưa 460 người dân Bình Định về quê, gồm 20 xe xuất phát từ TPHCM, hai xe xuất phát từ tỉnh Đồng Nai. Đối tượng ưu tiên đợt này là học sinh có phụ huynh đi kèm, phụ nữ mang thai, người đau ốm. Ngày 3/10, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục đón người về quê bằng ô tô.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết hiện tại, UBND tỉnh vẫn chưa có kế hoạch đón người dân từ TPHCM về quê: “Một mặt, phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, mặt khác, còn tùy tình hình dịch bệnh ở TPHCM và chủ trương của UBND TPHCM, tỉnh mới có phương án cụ thể được”.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa có văn bản đề nghị UBND TPHCM các tỉnh phía Nam cho phép tổ chức đón các công dân về quê bằng máy bay. Đây là lần thứ sáu, Hà Tĩnh đón công dân ở các tỉnh phía Nam hồi hương. Trong đợt này, đối tượng ưu tiên là phụ nữ đang mang thai có nhu cầu về quê. Tất cả công dân về đợt này đều được miễn phí. Ông Nguyễn Phi Dần - Phó chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Hà Tĩnh tại TPHCM - cho biết đã có 850 người (trong đó có hơn 200 trẻ em đi theo mẹ) đăng ký được về quê đợt này. Dự kiến chuyến bay sẽ được thực hiện vào cuối tháng 9/2021. 

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có kế hoạch đón người từ tỉnh Đồng Nai trở về sau khi nhận được đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai.

Một khu cách ly đang được dựng lên ở xã Bắc Lý, H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để đón người dân ở các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch ảnh: Phan Ngọc
Một khu cách ly đang được dựng lên ở xã Bắc Lý, H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để đón người dân ở các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch - Ảnh: Phan Ngọc

Người lao động chất lượng cao muốn trở lại TPHCM

Trong khi đó, rất nhiều người lao động có trình độ cao, tay nghề đã qua đào tạo… đang muốn trở lại TPHCM khi thành phố bắt đầu giai đoạn bình thường mới và khi đó các doanh nghiệp đã được phép hoạt động trở lại nếu đáp ứng các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. 

Vợ chồng bác sĩ V.C. và T.B. làm việc tại một bệnh viện ở TPHCM được điều lên Bảo Lộc làm việc tại chi nhánh của bệnh viện thì thành phố bắt đầu thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội và họ kẹt trên Bảo Lộc đã 3 tháng nay. Họ mong thành phố giai đoạn bắt đầu bình thường mới để có nhóm bác sĩ khác lên thay ca cho họ được trở về thành phố.  

Anh P.T.T., chủ một nhà hàng ở TPHCM, phải đóng cửa nhà hàng và vội vã trở về Sóc Trăng khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Nay anh rất mong trở lại TPHCM để tiếp tục kinh doanh nhà hàng vì phía sau đó còn cuộc sống của hàng chục nhân viên. 

Chị Như Quỳnh, công nhân may một nhà máy ở Bình Chánh đã về quê Đồng Tháp từ cuối tháng Năm khi nhà máy tạm ngưng hoạt động. Mấy ngày nay nhà máy đã gửi tin nhắn mời trở lại làm việc khi thành phố mở cửa lại và các đơn hàng đầy ắp đang chờ đợi. 

Vì vậy tất cả họ đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể để được trở lại TPHCM. 

Để trở lại, người dân phải đáp ứng các điều kiện như phải có kế hoạch làm việc được các doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo, đã được tiêm vắc xin mũi một đủ 14 ngày sau khi tiêm, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế. Có xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực theo quy định. Người lao động phải được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển (đối với địa phương là vùng cam, vùng đỏ) để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với việc đi lại bằng đường bộ, Sở Giao thông Vận tải thành phố đưa ra ba phương thức.
1. Đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức bằng cách gửi phương án đến các cơ quan đầu mối (UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao...) để rà soát, tổng hợp gửi Sở Giao thông Vận tải Thành phố xem xét triển khai.

Sở sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR cho xe và thông báo đến các tỉnh, thành phố về kế hoạch. Xe sẽ trả khách tại Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, sau đó người lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng xe taxi đã được Sở Giao thông Vận tải Thành phố cấp phép hoặc xe trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký.

2. Ban Quản lý Khu chế xuất, Ban Quản lý Khu công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý để phối hợp với Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang xây dựng kế hoạch vận chuyển. Khi được chấp thuận triển khai, xe chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch.

3. Sở Giao thông Vận tải Thành phố sẽ tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TPHCM. Tần suất hoạt động của xe khách chỉ tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.

Tuy nhiên, nhiều trẻ em được cha mẹ đưa về quê nghỉ hè và kẹt lại ở quê khi năm học mới bắt đầu. Cha mẹ các em đang mong nhớ con từng ngày và mong ngày đón con trở về. Có bé về quê có điều kiện học hành online khá tốt nhưng phần nhiều ở quê không thể học online được vì thiếu thiết bị và sóng yếu… Nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể cho các bé trở lại TPHCM trong khi trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm ngừa vắc xin COVID-19. 

Khắc phục lỗi cập nhật dữ liệu tiêm chủng

Trong thời gian qua, nhiều người phản ảnh đến đường dây nóng Báo Phụ Nữ TPHCM về việc  không được cập nhật thông tin tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Tại TP.Đà Nẵng, hàng ngàn người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 nhưng sổ sức khỏe điện tử vẫn không hiển thị thông tin chứng nhận. Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng - cho biết những người đã tiêm nhưng chưa được cập nhật có thể hỏi trực tiếp ở các điểm tiêm, hoặc hỏi phòng y tế quận, huyện. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Đà Nẵng - cho biết thêm Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Sở Y tế điều chỉnh các lỗi của phần mềm.  

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với người đã tiêm vắc xin ở tỉnh Quảng Ngãi. Bác sĩ Phạm Minh Đức - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi - cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng vắc xin khắc phục tình trạng này, cập nhật thông tin lên sổ sức khỏe điện tử. Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân tham gia lưu thông. 

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam - cho biết theo phân bổ của Bộ Y tế, tỉnh Quảng Nam được nhận trên 315.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 cho 1 triệu người cần tiêm. Đến nay, ngành y tế tỉnh đã tiêm trên 268.000 liều, đã cập nhật lên hệ thống trên 237.000 trường hợp, đạt 88,73%. 

Ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC tỉnh Nghệ An - cho biết tính đến chiều 23/9, toàn tỉnh đã tiêm 487.729 mũi vắc xin ngừa COVID-19. Sau khi tiêm, dữ liệu được cập nhật lên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia trong ngày. Ông Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP.Vinh - cho biết tỷ lệ cập nhật thông tin tiêm chủng lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia đạt 97% mỗi lần; khoảng 3% còn lại cần phải xác định lại một số thông tin như số điện thoại, ngày tháng năm sinh và bổ sung một số thông tin bắt buộc khác. 

Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC tỉnh Hà Tĩnh - thông tin đến nay, toàn tỉnh đã tiêm hơn 296.000 mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có trên 97% số người đã tiêm được cập nhật dữ liệu thành công trên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế được đánh giá là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về việc nhập dữ liệu tiêm vắc xin lên hệ thống dữ liệu quốc gia, sau tỉnh Điện Biên và tỉnh Bình Dương. Tính đến ngày 22/9, tổng số mũi tiêm đã nhập lên hệ thống tiêm chủng quốc gia là 215.958.

Ông Nguyễn Đào - Phó phòng Kế hoạch tài chính, Tổ trưởng Tổ Thông tin Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết có hai nguyên nhân khiến người dân chưa được cập nhật, hiển thị thông tin tiêm chủng trên hệ thống sổ sức khỏe điện tử: khai báo thông tin không nhất quán (do có nhiều số điện thoại, lúc thì khai bằng số chứng minh nhân dân, lúc lại khai bằng số thẻ căn cước công dân); do lúc đầu, phần mềm của Bộ Y tế chưa hoàn chỉnh dẫn đến nhập sai dữ liệu.

Hiện nay Sở Y tế tiếp nhận và xử lý thông tin theo đường dây nóng, cán bộ sẽ xử lý và điều chỉnh thông tin trong vòng mười phút. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn có app HueS để hỗ trợ người dân sau khi tiêm vắc xin, người dân có thể phản ánh qua app này. 

Nhóm phóng viên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI