Khi tình yêu lên tiếng

24/12/2016 - 11:06

PNO - Với họ, trong cuộc thu xếp riêng chung, đó là sự hy sinh để tận hiến với đam mê và ước nguyện được cống hiến cho thể thao nước nhà.

Ở tạm nhà người quen, được chủ nhân “rộng rãi” tặng hẳn một… bức tường, họ dành treo bằng khen, huy chương. Thi thoảng, rủ nhau đếm xem ai sở hữu nhiều hơn, chẳng phải một cuộc so thành tích, mà họ bảo, chỉ là khoảnh khắc sống lại trong cảm xúc vinh quang; để ấp iu, nhắc nhớ, nỗ lực hơn, đồng thời thêm trân quý mối lương duyên của mình. Họ là Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải mà “làng” thể thao Việt Nam ví von là cặp vợ chồng có cuộc tình như mơ.

Quá tam ba bận

Hải sinh năm 1985, hơn Hùng năm tuổi. Bởi thế, 16 tuổi, Hùng… tỏ tình khiến “bà chị” hốt hoảng: “Con nít bày đặt yêu đương! Tập trung lo sự nghiệp đi nhé!”. Chạnh lòng do vốn dĩ trước đó Hùng đã tạo cơn “sốt” ở giải khuyết tật trẻ châu Á - Thái Bình Dương khi giành cùng lúc ba huy chương vàng, được đánh giá là gương mặt triển vọng, song thành tích ấy vẫn không khiến “bà chị” nao núng. Dẫu vậy, cơn chạnh lòng qua nhanh, anh quả quyết: “Vậy Hải chờ Hùng nhé!”.

Khi tinh yeu len tieng

Sinh ra ở Quảng Bình, bị sốt bại liệt năm lên ba khiến một bên chân của Hùng teo lại. Cuộc sống nơi quê nhà khốn khó, mẹ anh đưa các con vào TP.HCM mở quán phở mưu sinh. Mang mơ ước sẽ nối nghề của mẹ, song Hùng lại nhanh chóng từ bỏ sau một lần đến tập ở Trung tâm Văn hóa Thể thao Q.Tân Bình, lọt vào “mắt xanh” ban giám đốc trung tâm.

Được động viên, khích lệ nên trở thành vận động viên chuyên nghiệp, thử sức nhiều nội dung, cuối cùng, Hùng chọn ném lao, ném đĩa, đẩy tạ. Hải ở Nghệ An, cũng sớm rời quê vào TP.HCM sinh sống. Giống như Hùng, chị có tuổi thơ trải qua cơn sốt bại liệt khiến bên chân teo nhẹ, rồi bén duyên thể thao sau nhiều lần đến Trung tâm Văn hóa Thể thao Q.Tân Bình tập luyện.

Gia nhập đội thể thao khuyết tật Việt Nam, họ trở thành đồng đội, cùng góp mặt trong các giải đấu và cùng sở hữu rất nhiều huy chương. Thân thiết, gắn bó theo thời gian song chưa một lần Hải nghĩ sẽ đáp trả tình yêu của Hùng. Ôm mối tình đơn phương đi thêm sáu năm, khi tên tuổi được khẳng định, Hùng mạnh dạn tỏ tình thêm lần nữa.

Chọn cột mốc lần đầu tiên cả hai cùng tham gia Paralympic 2012 - Giải vô địch thể thao thế giới dành cho người khuyết tật, tổ chức tại London (Anh) với hy vọng tình cảm được đón nhận; vậy mà, Hải tiếp tục “to tiếng”: “Hùng còn trẻ, không nên để những “vướng víu” này níu chân sự nghiệp”. Hùng đành bảo: “Vậy chờ Hùng nhé!”.

Hải không chờ. Cuối năm 2013, phát hiện người mình yêu sắp bỏ lại tất cả để sang Anh định cư theo tiếng gọi tình yêu, Hùng đau khổ, chán chường. Trong nỗi tuyệt vọng, anh tự vấn: “Liệu mình có thể cho cô ấy hạnh phúc? Hay người kia là lựa chọn tốt nhất của cô ấ y”. Hùng nghiêm túc nhìn lại mình, tin tưởng có khả năng mang hạnh phúc cho Hải, anh đánh bạo tỏ tình lần cuối. May sao, những lời gan ruột của anh đã khiến Hải rung động. Chị xin thời gian suy nghĩ. Rồi, nhận ra cảm giác an toàn, an tâm, Hải quyết định: đồng ý làm vợ anh.

Đầu năm 2014, họ tổ chức đám cưới. Cặp đôi ấy được đồng nghiệp tôn vinh là một trong những cuộc tình ngọt ngào nhất của làng thể thao Việt Nam.

Tấm huy chương lịch sử và cuộc thu xếp riêng chung

Kỳ Paralympic 2016 (diễn ra tại Rio, Brazil) vừa qua, người mộ điệu thể thao Việt Nam không khỏi nức lòng. Sau 20 năm tham dự Paralympic, điền kinh nước ta đã sở hữu tấm huy chương đầu tiên, tác giả là vận động viên Cao Ngọc Hùng (huy chương đồng nội dung ném lao nam).

Nguyên vẹn cơn xúc động trong giây phút rớt nước mắt đứng trên bục vinh quang, Hùng bồi hồi: “Khi ấy, tôi chỉ ước mình mọc đôi cánh để bay về tặng vợ con chiến thắng này”. Hùng ngờ đâu, nơi quê nhà, giữa đêm, Hải cũng đang trào nước mắt dõi theo cuộc thi đấu của chồng. “Khi ấy, tôi cảm giác những nỗ lực của anh đã cho kết quả tuyệt vời. Miệng tôi cười mà nước mắt chảy ròng” - Hải rưng rưng.

Hơn ai hết, Hải thấu hiểu những áp lực Hùng phải gánh chịu trên hành trình chạm đến thành công. Tết năm ấy, Hải đang trong những ngày “ở cữ” tại Nghệ An do vừa sinh Bobby, lại phải chăm Bella mới hơn một tuổi. Từ Sài Gòn, miệt mài lịch tập luyện dày đặc, Hùng gọi cho Hải, khó khăn trần tình rằng anh không thể bỏ đội tuyển về với vợ con: “Người trong nghề, em cũng hiểu thể thao không tập luyện sẽ không thể thi đấu”. Hải dịu dàng động viên: “Mọi chuyện gia đình, con cái đã có em chu toàn, anh cứ an tâm lo cho sự nghiệp”.

Khi tinh yeu len tieng
Tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng Hùng - Hải

Từ ngày tổ ấm có thêm hai thành viên, cuộc sống của vợ chồng Hùng đã khó càng thêm khó. Đôi lúc Hùng muốn tạm ngưng sự nghiệp để tìm kế mưu sinh. Hải bao lần toan tính chuyển sang nghề trang điểm. Ấy vậy, tình yêu thể thao, nỗ lực khẳng định tài năng dù nhân dạng khiếm khuyết chưa bao giờ ngưng thôi thúc họ.

Còn nhớ, cuối năm 2014, vừa sinh Bella một tháng, Hải đành mang con về tận Quảng Bình gửi cho người chị cũng vừa sinh con chăm sóc, nhờ cho bú sữa. Ngay lập tức, Hải cùng chồng lao vào tập luyện cho giải đấu ASEAN Para Game 8 (đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á) tổ chức tại Singapore. Kể lại chuyện này, Hùng âu yếm nhìn vợ: “Hải hỏi tôi phải làm sao giữa vai trò người mẹ và đam mê thi đấu. Tôi không yêu cầu Hải chọn lựa mà phân tích xem những thiệt hơn của cả hai điều rồi tự Hải quyết định”. Hải chọn thi đấu, Hùng ủng hộ.

Với họ, trong cuộc thu xếp riêng chung, đó là sự hy sinh để tận hiến với đam mê và ước nguyện được cống hiến cho thể thao nước nhà. Vì vậy, chẳng ai ngạc nhiên khi họ bảo, giấc mơ ngôi nhà riêng xin gác lại, bởi có giấc mơ lớn hơn phải hướng về: với Hùng là cuộc đổi màu huy chương tại giải đấu Paralympic 2020 ở Tokyo, Nhật Bản; còn với Hải là lần nữa đứng trên bục vinh quang…

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI