Giúp nhau thay đổi từ "giao diện" đến "hệ điều hành"
 |
Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, các nữ cố vấn còn tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập từ thực tế thông qua các buổi tham quan nhà máy, tập huấn… - Nguồn ảnh: Câu lạc bộ Hawee Mentoring |
Làm công việc quản lý tài chính khá áp lực, chị Thông Thị Kim Thương - Quản lý tài chính Công ty TNHH Laven Group - thường bù đầu vào công việc mà quên chăm sóc “giao diện” bên ngoài. “Khi ấy, tôi chẳng khác nào cái máy, cứ nhận việc mà làm, không quan tâm đến đồng nghiệp xung quanh. Có lẽ vì vậy mà nhiều người nói tôi khó ở” - chị Thương tự nhận xét về mình.
Cơ duyên đến với chị Thương vào đầu năm 2024, khi chị được cấp trên gửi tham gia chương trình cố vấn 1 kèm 1 do Hội Nữ doanh nhân TPHCM tổ chức.
Ban đầu, chị Thương không đặt quá nhiều kỳ vọng và nghĩ rằng chương trình này cũng giống như bao chương trình tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn chị từng tham gia. Tuy nhiên, tại đây, chị đã gặp gỡ và nhận được sự hướng dẫn của một nữ doanh nhân thành công rất tận tâm. Đó là nguồn cảm hứng để chị Thương thay đổi hoàn toàn bản thân từ “giao diện” đến “hệ điều hành”.
Chị Thương chia sẻ: “Cô giáo của tôi là doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Vân - thành viên Hội Nữ doanh nhân TPHCM. Mỗi tháng, tôi gặp cô 1 lần. Tôi khá bất ngờ khi cô không chỉ truyền kinh nghiệm kinh doanh mà còn dạy tôi về cách giao tiếp với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, phong cách làm việc và cả cách ăn mặc… - những thứ tôi nghĩ không phải ai muốn học cũng được”.
Sau 12 tháng tham gia chương trình, từ người yêu công việc hơn bản thân, chị Thương đã biết cách chăm chút cho ngoại hình, thay đổi cách ăn mặc.
Mỗi khi vào công ty, chị cởi mở, giao tiếp với mọi người nhiều hơn, được đồng nghiệp yêu quý. Chị Thương cảm kích: “Là doanh nhân có kinh nghiệm vài chục năm trên thương trường, chẳng những cô không giấu nghề mà “moi hết ruột gan” chỉ dạy tôi. Nếu không giải đáp được thắc mắc của tôi, cô sẽ giới thiệu những người cố vấn khác làm việc ở lĩnh vực tôi đang quan tâm để giúp tháo gỡ”.
Với chị Phan Mỹ Duyên (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM), việc tìm đúng thầy đã giúp chị mạnh mẽ rời bỏ công việc không yêu thích, từng bước tìm về niềm đam mê thực sự mà chị đã bỏ quên.
Trước đây, chị Duyên làm việc trong cơ quan nhà nước, đam mê ngành truyền thông nên gom vốn mở công ty truyền thông. Vì kinh nghiệm còn non, công ty của chị đóng cửa chỉ sau 2 năm hoạt động. Sau đó, chị lại trở về làm công chức cấp phường.
Sau khi sinh con, chị Duyên quyết định nghỉ việc để kinh doanh ẩm thực. “Công việc kinh doanh khá thuận lợi nhưng đây không phải là sở thích nên khiến tôi tiêu hao rất nhiều năng lượng, không cảm thấy vui trong công việc nhưng vẫn cố làm” - chị Duyên trải lòng.
Sau đó, chị Duyên tìm đến chương trình cố vấn của Câu lạc bộ Mentoring (thuộc Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam) mong tìm ra phương pháp kinh doanh phù hợp. Sau khi tham gia chương trình, được học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ nhiều phụ nữ thành đạt, đặc biệt là được tiếp xúc với một nữ giảng viên ngành truyền thông tài giỏi, ngọn lửa đam mê truyền thông của chị lần nữa được thắp sáng. Chị quyết định ngưng kinh doanh, tập trung trau dồi kiến thức truyền thông, sẵn sàng cho kế hoạch chinh phục lĩnh vực này lần nữa.
 |
Chị Thông Thị Kim Thương (bìa trái) và người cố vấn của chị - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Những phụ nữ truyền lửa
Được xem là những nữ cố vấn có tâm và có tầm, giúp đỡ và đóng góp nhiều cho sự thành công của lớp trẻ nhưng những nữ doanh nhân chúng tôi gặp luôn khiêm tốn xem công việc ấy là trách nhiệm, là sự cống hiến thầm lặng cho xã hội.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, từng dìu dắt nhiều thế hệ quản lý trẻ, sinh viên khởi nghiệp, trong đó có rất nhiều phụ nữ - cho biết việc bỏ thời gian, công sức để dẫn dắt người trẻ chính là sự đóng góp mà bà cũng như nhiều nữ doanh nhân thành đạt khác muốn dành cho cộng đồng. “Đối với tôi, đây giống như việc làm từ thiện bằng tri thức. Nhìn thấy sự thành công của những người mình từng dìu dắt, nhìn thấy phái nữ ngày càng bản lĩnh, thành đạt là hạnh phúc và là thù lao xứng đáng nhất cho tôi” - bà Thanh Lâm chia sẻ.
Đến nay, thạc sĩ Đặng Thị Yến - giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm Trường đại học Công Thương TPHCM, nhà sáng lập Công ty cổ phần Thực phẩm nước giải khát Green Food - đã cố vấn, truyền dạy kinh nghiệm suốt 3 mùa chương trình mentoring do Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam tổ chức.
Theo bà Đặng Thị Yến, việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm là cách để bà đóng góp cho sự phát triển của thế hệ tương lai, cũng như giúp phụ nữ ngày càng bản lĩnh, tự tin hơn vào sức mạnh nội tại của bản thân. “Tôi không chỉ truyền dạy mà còn học hỏi từ thế hệ trẻ sự năng động, sáng tạo, nhạy bén và cách lan tỏa giá trị tích cực cho cuộc sống” - bà tâm đắc.
Bà Nguyễn Thị Thu Trinh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food - khiêm tốn cho hay bà không chỉ là người truyền lửa, người mang kinh nghiệm truyền dạy cho thế hệ sau mà chính bà cũng đang được học hỏi, trau dồi từng ngày. “Tôi có nhiều cơ hội được kết nối với các đàn chị đi trước, được học hỏi từ các chị. Đây cũng là cơ hội để tôi phát triển kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và khả năng hướng dẫn người khác” - bà Thu Trinh bộc bạch.
Chương trình cố vấn đặc biệt Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam - giải thích, mô hình cố vấn này được gọi là mentoring, đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới từ lâu nhưng khá mới mẻ tại Việt Nam. Mentoring là một mô hình phát triển cá nhân và sự nghiệp thông qua mối quan hệ đồng hành giữa một người cố vấn (gọi là mentor) giàu kinh nghiệm và một người đang cần hướng dẫn (gọi là mentee). Đây là hành trình tự nguyện - nơi các mentor tình nguyện đóng góp thời gian và công sức của mình. Mentor là người khơi gợi, giúp mentee thấy vấn đề và tự tìm ra giải pháp, hướng đi cho bản thân. Trong quá trình cố vấn, mentor còn hỗ trợ mentee trong việc xác định mục tiêu, phát triển kỹ năng và xây dựng sự tự tin. Đối tượng được cố vấn rất đa dạng, tùy thuộc mục tiêu và định hướng của các đơn vị tổ chức. Ví dụ: Ở chương trình mentoring của Cộng đồng Co4Growth, đối tượng mentee là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ muốn tăng cường kết nối và nâng cao năng lực phát triển doanh nghiệp. Đối với Câu lạc bộ Hawee Mentoring của Hội Nữ doanh nhân TPHCM, đối tượng được cố vấn đa phần là đội ngũ nữ quản lý trẻ. Với chương trình mentoring của Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, đối tượng mentee là những người khởi nghiệp, những sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp… Bà Thanh Lâm cho biết: “Điều đặc biệt là ở các chương trình mentoring tôi tham gia, lực lượng nữ cố vấn chiếm đa số, những mentee là nữ cũng rất nhiều. Điều đó chứng tỏ phụ nữ không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn rất quan tâm đến việc dìu dắt, tương trợ nhau để cùng thành công”. |
Nhã Chân