Khi phái đẹp chinh phục “đỉnh Everest của biển cả”

14/12/2020 - 06:01

PNO - Những con sóng lớn chực chờ, lũ cá voi hay việc thuyền bị lật giữa đại dương mênh mông là những mối đe dọa thường xuyên trong giải đua thuyền buồm cá nhân xuyên đại dương có tên Vendée Globe. Trong đó, những người tham gia đều không được dừng lại…

Được gọi là cuộc đua đến “đỉnh Everest của biển cả”, Vendée Globe là một bài kiểm tra khắc nghiệt về sức bền thể chất và tâm lý khi đối mặt thiên nhiên, với hành trình dài trung bình 26.000 hải lý trong suốt ba tháng. Cuộc đua diễn ra bốn năm một lần.

Trong số 33 vận động viên vừa ra khơi vào giữa tháng 11 năm nay, có sáu phụ nữ, nhiều nhất trong lịch sử cuộc đua này. Người lớn tuổi nhất là bà Miranda Merron (51 tuổi), người trẻ nhất là Clarisse Crémer (30 tuổi). Trong đó còn có Samantha Davies (46 tuổi) - một “cựu binh” của cuộc đua Vendée Globe sau ba lần tham gia.

“Đó là một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy sự tiến triển của bình đẳng giới trong đua thuyền chuyên nghiệp, môn thể thao thường mặc định chỉ dành cho nam giới, đặc biệt là cho những người có sức khỏe tốt và thần kinh thép. Tôi rất nể năm phụ nữ kia. Họ đều là những thủy thủ đầy kinh nghiệm và tuyệt vời”, Davies cho biết.

Những tay đua Vendée Globe chuẩn bị ra khơi  ở biển Les Sables-d’Olonne - Ảnh: STEPHANE MAHE, REUTERS
Những tay đua Vendée Globe chuẩn bị ra khơi ở biển Les Sables-d’Olonne - Ảnh: STEPHANE MAHE, REUTERS

Vượt chướng ngại vật trên biển cả

Kể từ khi ra mắt năm 1989, giải đua nhiều thử thách Vendée Globe đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Khi bạn hoàn thành một cuộc đua nguy hiểm, theo đúng nghĩa, đó là một thành tựu. Chỉ 89/167 thủy thủ từng tham gia cuộc thi vượt qua vạch đích.

Trên cuộc phiêu lưu giữa đại dương này, tuyến đường bắt đầu và kết thúc nằm ở thị trấn ven biển Les Sables-d'Olonne, trên bờ biển Đại Tây Dương. Từ vịnh Biscay, các thuyền trưởng tận dụng sức mạnh của gió, rồi vượt qua vùng nước không có gió để đưa thuyền tiến về phía nam càng xa càng tốt, theo con đường nhanh nhất để đến đích. Trong đó, khó khăn nhất là đoạn bao quanh bờ biển Nam Cực. Tại đây, họ phải chiến đấu với những vùng biển bị tàn phá bởi thời tiết khắc nghiệt, những tảng băng to cỡ ngôi nhà và cả những tảng băng trôi…

“Các mối nguy hiểm là vô hạn. Bạn di chuyển với tốc độ lên đến 30 hải lý/giờ nên bất kể lúc nào thuyền của bạn cũng có thể gặp những con sóng mạnh đến mức chúng va vào bạn như một vụ tai nạn ô tô kinh hoàng”, Crémer giải thích.

Thường mỗi lần như vậy, người hỗ trợ bạn nhanh nhất chỉ có thể là các đối thủ của bạn. Bà Sam Davies là một trong những vận động viên phải tạm ngừng cuộc đua trong giải đua năm 2008-2009 để giúp đối thủ Yann Eliès, khi anh này bị gãy xương chậu và chân trong một tai nạn thảm khốc ở Ấn Độ Dương. Những câu chuyện tương tự như Eliès không hiếm và một số câu chuyện đã đi vào huyền thoại. 

Năm 1993, vận động viên Bertrand de Broc đã vô ý cắn đứt lưỡi khi một sợi dây buồm lỏng lẻo quất thẳng vào mặt ông. Để tiếp tục cuộc đua, ông đã phải dùng kim và chỉ để tạm khâu lưỡi của mình cho liền lại. 

Trong cuộc đua năm 2000-2001, cột buồm của Yves Parlier bị gãy. Đó được cho là một tình huống thê thảm đối với các thủy thủ khi họ đang lênh đênh giữa Ấn Độ Dương. Lúc đó, Parlier phải tìm kiếm vật liệu xung quanh các tàu nổi ở đảo Stewart, nơi ông tạm thả neo ngoài khơi, để dựng lại cột buồm. Sau đó, ông tiếp tục đối mặt với một thách thức lớn hơn: hết lương thực. Dù vậy, ông vẫn sống sót nhờ cá và rong biển để hoàn thành cuộc đua sau 126 ngày. 

Đó vẫn là những người may mắn. Cuộc đua từng ghi nhận bi kịch khi hai vận động viên tham dự cuộc đua năm 1992-1993 mất tích trên biển và không bao giờ được tìm thấy.

Đã nửa thiên niên kỷ kể từ khi Ferdinand Magellan (1480-1521) lần đầu tiên đi vòng quanh trái đất. Giống như nhà thám hiểm huyền thoại người Bồ Đào Nha trong nhiệm vụ vĩ đại của mình, những tay đua của Vendée Globe đôi khi phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt như: chỉ ngủ 20 phút một ngày, bò xung quanh bằng tay và đầu gối để tránh chấn động. Crémer kể rằng cô có một kho dự trữ thức ăn gồm pa-tê vịt, chocolate đủ dùng trong ba tháng trong khi bà Merron mang theo trà, đồ khô để đón giáng sinh trên biển.

Bên cạnh những khó khăn về thể chất, nỗi căng thẳng về tinh thần có thể rất dữ dội. Do thiếu ngủ triền miên, cảm xúc của bạn sẽ bị chi phối rất nhiều.

“Trong 24 giờ đầu tiên, bạn ảo tưởng có người khác trên tàu. Gió đang thổi và bạn cứ thắc mắc tại sao người kia không xử lý các cánh buồm khi có sự cố”, bà Merron đùa vui.

Những tay đua Vendée Globe chuẩn bị ra khơi  ở biển Les Sables-d’Olonne - Ảnh: STEPHANE MAHE, REUTERS
Những tay đua Vendée Globe chuẩn bị ra khơi ở biển Les Sables-d’Olonne - Ảnh: STEPHANE MAHE, REUTERS

Làm thế nào để các vận động viên vượt qua được sự cô độc, kiệt sức và căng thẳng? Làm thế nào để họ đối mặt với nỗi sợ hãi trên chiếc thuyền dài 18m của họ? Quản lý giấc ngủ là một phần quan trọng của cuộc đua và một số vận động viên phải làm việc với các nhà khoa học để điều chỉnh chiến lược của họ.

“Quy tắc là bạn chỉ được ngủ bất cứ khi nào có thể. Bạn phải đề phòng. Radar có báo động nhưng các điều kiện trên đại dương luôn thay đổi”, bà Merron giải thích.

Crémer chống lại căng thẳng thông qua yoga, phương pháp sophrology (tổng hợp các bài tập về hơi thở, sự thả lỏng cơ bắp và các hình ảnh tâm trí...). Trong các chuyến đi chơi trước đây, cô đã tìm thấy lối thoát cho sự căng thẳng bằng cách tạo các video đăng tải trên mạng xã hội từ chiếc thuyền của mình, để truyền tải sự hài hước và nhiệt huyết. Cô cho biết sẽ tiếp tục quay các đoạn video về hành trình đua của mình và đăng tải trên mạng xã hội.

“Tôi có một câu nằm lòng là nếu mọi thứ vẫn êm đềm trong khoảng thời gian 24 giờ, bạn phải cảnh giác", bà Merron nhìn những mối nguy hiểm thực tế hơn và chọn việc tránh xa internet.

Nỗi sợ hãi lớn nhất đối với Davies là không thể hoàn thành cuộc đua. Vào năm 2012, bà không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cắt bỏ cột buồm để cứu con thuyền của mình khỏi bị chìm. Theo bà, “thất bại là mặt khác của cuộc phiêu lưu”.

Những phụ nữ tiên phong

Sức mạnh thể chất và tinh thần là những nền tảng quan trọng để dẫn đến thành công. Vậy nhưng, những phụ nữ này đã thuận buồm xuôi gió nhờ… những người đi trước.

“Mẹ tôi gửi tôi đến buổi nói chuyện của Dame Naomi James khi tôi chín tuổi và tôi đã hoàn toàn bị cuốn hút”, bà Merron nói về người phụ nữ đầu tiên đi thuyền một mình vòng quanh thế giới qua tuyến Cape Horn vào năm 1978.

Thủy thủ người Pháp Clarisse Crémer tận hưởng giây phút giải tỏa căng thẳng trên chiếc thuyền buồm Banque Populaire X Ảnh: STEPHANE MAHE, REUTERs
Thủy thủ người Pháp Clarisse Crémer tận hưởng giây phút giải tỏa căng thẳng trên chiếc thuyền buồm Banque Populaire X Ảnh: STEPHANE MAHE, REUTERs

Khi trưởng thành, Merron đã cùng Davies (khi đó mới 23 tuổi) tham gia cuộc đua thuyền theo nhóm có tên Jules Verne Trophy. Thuyền trưởng của họ lúc đó là bà Tracy Edwards, đã chiêu mộ các tay đua nữ để tham gia cuộc đua cùng các đấng nam nhi. 

“Lý do tôi ở đây là nhờ Tracy Edwards. Cô ấy không chỉ là người hùng của tôi mà còn mở ra cánh cửa cho nhiều phụ nữ khác trong thể thao. Khi còn trẻ, theo dõi cuộc đua của Tracy Edwards, tôi không bao giờ ngờ rằng một ngày nào đó mình sẽ có mặt trong đội của cô ấy” - bà Davies nói.

Những phụ nữ đầu tiên tham gia Vendée Globe là Isabelle Autissier và Catherine Chabaud - hai nhà hàng hải và tay đua đại dương nổi tiếng của Pháp. Trong cuộc đua năm 1996-1997, Chabaud đã về đích ở vị trí thứ sáu (sau 140 ngày). Trong khi đó, Autissier băng qua vạch đích nhưng bị loại vì dừng lại ở Cape Town để sửa bánh lái bị hỏng. Cô gặp nạn trong một cơn bão bởi cố tìm kiếm đối thủ Gerry Roufs khi người đàn ông này lạc trên biển và không bao giờ trở về. 

Bốn năm sau, một phụ nữ khác là Ellen MacArthur giành vị trí thứ hai trong cuộc đua Vendée Globe. Tay đua nữ 24 tuổi người Anh này suýt chút nữa đã bắt kịp Michel Desjoyeaux, người về đích trước cô một ngày. 

Tú Quyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI