Khi người giúp việc về miền Trung

05/11/2020 - 10:15

PNO - Tôi đi làm về muộn, thấy chồng tôi vừa dỗ dành con, vừa thông báo đã cho chị giúp việc nghỉ 10 ngày. Tôi hoảng hốt, bởi sáng đi làm, có thấy chị ấy nói gì đâu. Muốn nghỉ phải báo trước để vợ chồng tôi còn sắp xếp công việc chứ.

Chồng tôi "trình bày: Do anh chủ động cho chị giúp việc nghỉ, chứ thấy chị vừa làm việc, vừa canh ti vi, điện thoại để cập nhật tình hình bão lũ ngoài quê, anh sốt ruột lắm.

Tôi thở dài, thì tôi cũng thương lắm, nhưng cơ quan bao nhiêu việc, giờ ở nhà không có người giúp thì biết làm thế nào. Con còn nhỏ, lại quậy và hay ốm vặt.

Chồng tôi động viên: “Vợ chồng mình cố gắng vậy. Miền Trung bão lũ, nhà chị ấy vừa rồi đã tan nát. Cơn bão này, thấy bảo còn mạnh hơn, để chị ấy về lo cho ông bà”.

Ảnh minh hoạ
Miền trung trong những ngày bão lũ... Ảnh minh hoạ

Chuyện nhà tôi rối tung lên từ đấy. Tôi trở nên cáu bẳn, căng thẳng, bởi lâu nay mọi việc có chị giúp việc lo liệu. Bây giờ, động tới cái gì tôi cũng phải hỏi, khi thì hỏi chồng, khi phải điện hỏi chị giúp việc.

Tối đầu tiên, chúng tôi trệu trạo nhai cơm đặt trên Grab. Ngày thứ 2, tôi xin nghỉ ở nhà trông con. Vậy mà loay hoay, tới tối mịt chồng về, tôi còn lấm lem với tô cháo của con, chưa nấu được cơm cho người lớn. Nhà cửa thì bừa bộn, không biết dọn từ đâu, nhìn muốn khóc.

Chồng tôi thở dài: “Không biết nhà này, em hay chị ấy mới là chủ”.

Chồng tôi nói chẳng sai. Có chị giúp việc, tôi đi làm về nhà cửa đã gọn gàng, con tôi thơm tho sạch sẽ, bụng căng tròn, bà nội bà ngoại chỉ việc chạy qua chạy lại chơi với cháu. Chị còn liên tục đổi món ăn lạ cho bữa cơm nhà tôi ngon lành, phong phú. Bé nhà tôi rất quấn chị nên mẹ tôi hay nói tôi có phúc mới tìm được người giúp việc như thế.

Từ trước tới nay, tôi vốn ngại bếp núc và làm việc vặt. Chuyện này khi còn ở nhà cùng ba mẹ thì không sao. Khi lấy chồng, mới thành “có chuyện”.

Chúng tôi ở riêng ngay sau khi cưới nên không va chạm với gia đình chồng. Dù vậy, mẹ chồng tôi vài lần cười cười nửa đùa nửa thật với con dâu rằng: “Phải tập làm thôi con, bếp có đỏ lửa thì nhà mới ấm”.

Nghe mẹ chồng nói, tôi chỉ cười. Tôi cho rằng bây giờ mọi dịch vụ đều có đến tận chân tơ kẽ tóc, thì tôi phải cực thân làm gì. Đi làm kiếm tiền đã mệt, chi bằng thời gian ở nhà nghỉ ngơi cho khoẻ thân.

Nhà cửa tôi thuê người tới dọn theo giờ. Cơm nhà thì bữa nấu, bữa không. Tôi về muộn hơn chồng, nên chuyện nấu nướng anh vui vẻ làm. Khi nào cả hai cùng bận, chúng tôi chạy về bên nhà ngoại ăn. Thi thoảng tôi có vào bếp, chồng tôi phấn khởi lắm, nhưng tôi không hề hứng thú. Được cái, chồng tôi biết rõ vợ lười bếp núc và anh ăn uống cũng dễ nên không phàn nàn gì.

Rồi tôi có thai, một lần đi ăn ngoài tôi bị ngộ độc thức ăn phải nằm viện. Mẹ chồng thương con, xót cháu, nên than thở: “Ngày một, ngày hai không sao, nhưng con cứ vậy thì sẽ có người tình nguyện nấu cơm cho chồng con ăn đấy”. Tôi bực dọc nghĩ, mỗi người giỏi một việc, tôi giỏi kiếm tiền, thì kém nấu nướng cũng là thường mà.

Rồi may mắn tôi tìm được chị giúp việc vừa đảm đang, tháo vát, vừa thương yêu con trẻ, có thể yên tâm giao phó mọi việc, kể cả chi tiêu gia đình. Có thể nói, cuộc sống của tôi đã lệ thuộc hoàn toàn vào chị.

Mấy ngày nghỉ phép giữ con, sức khoẻ tôi kiệt quệ vì ngủ không đủ giấc, con thì biếng ăn, ưa khóc quấy. Chồng hay thắc mắc ở nhà cả ngày mà sao tôi cũng quên lấy quần áo trong máy giặt ra phơi. Nấu được món gì thì bày bừa đủ thứ, chưa kể món thì khét, món thì trào đầy mặt bếp.

Tới ngày thứ năm, tôi đề nghị chồng cứ ăn cơm đặt qua app điện thoại, cháo của con cũng đặt cháo sườn, súp cua trên đó, nhưng chồng tôi không đồng ý. Chúng tôi cãi nhau...

Ảnh minh hoạ
Tôi bắt đầu học làm việc nhà một cách nghiêm chỉnh.Ảnh minh hoạ

Tôi điện cho chị giúp việc, vừa để hỏi thăm tình hình, vừa muốn giãi bày cho nhẹ lòng. Chị kể ngoài đó, mưa lớn, nước lại đang lên. Khu nhà chị ở còn ở trên cao, chứ xóm dưới nước cũ chưa rút, "nước chồng nước" rồi.

Nhiều người quê chị giờ mong có chỗ nhóm lửa, đặt nồi cơm, nấu nồi nước ấm mà củi ướt, mãi không cháy được, đói cào ruột gan. Tôi nghe mà nghẹn lòng. Những giận dỗi vợ chồng thấy sao bỗng trở nên tủn mủn, vụn vặt.

Chị giúp việc dặn dò kỹ càng tôi phải biết ý mà chăm bé như thế nào, đồ ăn trẻ con, đồ ăn người lớn chuẩn bị thế nào cho gọn nhẹ. Chị còn động viên ngược lại tôi: "Cố gắng chờ chị, qua cơn bão này, chị sẽ vào sớm hơn".

Tôi lặng người ngẫm nghĩ, có căn bếp khô ráo để nấu, có những người thân quây quần đã may mắn lắm rồi, vậy mà tôi cứ nói không với việc vào bếp, không chịu cải thiện kỹ năng...

Tôi đặt con vào chiếc xe đẩy, đưa con vào phòng bếp, mở kênh Youtube dạy nấu nướng để hai mẹ con cùng xem. Tôi tự nhủ: Rồi cả mẹ chồng lẫn mẹ ruột sẽ ngạc nhiên khi thấy tôi “học việc" một cách nghiêm túc...

Đinh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI