Khi người già nói “thôi kệ”…

18/11/2022 - 19:11

PNO - Một sáng cuối thu, ba tôi gửi đoạn video quay cảnh lá vàng tàn phai. Giọng ba khàn khàn: “Ngấp nghé 80, cuộc sống tính bằng ngày con à! Thôi kệ!”. Hai tiếng “thôi kệ” của người già, mỗi khi nghe lòng dạ tôi xốn xang nhiều ngày sau đó.

Ngẫm, có ai sinh ra sống một đời dài, mà không nằm trong cái tổ chằng chịt dây nhợ của tình thân, tình thương? Để người già bỏ con, xếp cháu, gác anh em sang một bên, đâu có dễ như uống một tách trà. Đâu có dễ như những lời nói buông ra để tự trấn an mình?

Tôi biết ba đang xót cháu của ba. Anh là con cô Hai tôi, gọi ba là cậu ruột. Anh với chú Út bằng nhau và chỉ nhỏ hơn ba tôi dăm bảy tuổi. Anh tôi ngày nhỏ khôi ngô tuấn tú, giống cậu. Bên nội của anh, anh là cháu đích tôn duy nhất.

Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

 

Cả hai bên nội ngoại ai cũng yêu chiều anh. Điều kiện kinh tế gia đình tương đối khá giả, từ bé đến lớn mỗi sai lầm của anh đều lần lượt hết người này đến người kia trong đại gia đình hai bên ra sức chống đỡ. Vợ con hai, ba lần gãy đổ, làm ăn dăm ba lần tay trắng thì chống còn được, riêng bài bạc, cá độ thì của nả, sức lực nào chống cho xong? 

Đến khi cô và dượng tôi qua đời, tài sản của gia đình cũng chỉ còn cái nhà xiêu vẹo tàn tạ. Vợ con, anh em họ hàng tất cả đều quay lưng. Người thương anh nhất, mất bao tâm sức của cải cho anh là ba tôi, giờ ông cũng đành “thôi kệ”.

Tôi biết ba đang xót cháu ngoại của ba - con gái chị tôi. Đang học đại học gần xong, cháu bỏ ngang dọn ra ngoài sống với người yêu. Hơn một lần, ba nói ra mong ước, cháu lớn lên sẽ sửa chữa nhiều đoạn đời đáng tiếc của mẹ, vì do điều kiện ngày xưa ông không thể giúp được chị.

Ông muốn cháu đi hết chặng đường đại học mà mẹ cháu dở dang. Ông muốn cháu rạng rỡ mặc áo trắng cô dâu như một cô công chúa chứ không phải lặng lẽ dọn đi sống với bạn trai. 

Mặc cho bao nhiêu người, kể cả chị em chúng tôi, nói với ba lúc ông suýt ngất đi vì giận, rằng cháu đã trưởng thành, rằng cuộc đời là của cháu… Ba tôi không trả lời nhưng ánh mắt mờ đục vẫn ngẩn ngơ như muốn hỏi chúng tôi: 21 tuổi là trưởng thành bao nhiêu với đời con người 80, 100 năm? Đời cháu là đời nào, chẳng nhẽ cháu chảy nước mắt hay té ngã trầy xước thì chúng ta vẫn yên vị mà nhìn? 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

Nhìn mãi những tán lá vàng xòe to như một cây dù, đẹp ngỡ ngàng ít khi có dịp thấy ở vùng đất quanh năm nắng ấm này, tôi ngỡ phảng phất ánh mắt bất lực của người già khi biết đôi chân mình đã đau mỏi hằng đêm, quả tim mình không còn có thể chịu đựng được những buồn vui quá ngưỡng, bàn tay muốn nắm níu che cho con cho cháu cũng không còn đủ sức… Họ tự bảo ban mình, bảo ban nhau, tự nói với mình, nói với tất cả: “Thôi kệ!”. Nghe mà thương…

Phải buông là đành buông thôi, chứ thực ra lòng có an? Đến mùa, đến đoạn, lá vàng phải trút thôi! Để ba mẹ có thể thong dong tỏa hết vẻ rực rỡ, sống nốt chặng úa tàn mà rời cành, phải chăng không chỉ ở chính họ, mà phải còn ở ta?

Hãy cho họ niềm tin về sức sống mãnh liệt của cây, khả năng xanh rờn của lá non, tự khắc họ sẽ thong thả đi qua mùa thu của đời mình! 

Triệu Vẽ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI