Khi cả nhà so găng

02/04/2023 - 12:05

PNO - Trong bộ đồ tập quyền anh năng động, chị Nhung như gặp lại hình ảnh thanh xuân nhiều hoài bão của mình ngày trước, mà bởi bận rộn cơm áo gạo tiền lo cho gia đình, chị từng bỏ lỡ…

Chị Hạnh (trái) và con gái Khánh Linh so găng
Chị Hạnh (trái) và con gái Khánh Linh so găng

Tập võ để đánh chồng, đánh con à?

Chị Hạnh 44 tuổi (quận Tân Phú, TPHCM) đã tập boxing được hơn 1 năm. Thời gian đầu, khi biết chị chơi môn thể thao có tính “bạo lực” ở tuổi không còn trẻ, bạn bè chị hơi e ngại. Người thì sợ chị bị chấn thương, người thì dị nghị: “Tập võ để đánh chồng, đánh con à?”. Họ không biết rằng người đầu tiên ủng hộ chị so găng chính là chồng chị, do anh thấy vợ cứ loay hoay mãi với yoga, gym nhưng chỉ được vài hôm là chán, bỏ cuộc, còn cân nặng cứ mỗi ngày mỗi tăng.

Sau khi tìm hiểu về boxing, lên mạng tìm phòng tập uy tín, chọn mua găng tay phù hợp, anh Kim - chồng chị Hạnh - đã trang bị và giúp vợ bén duyên với môn quyền anh, hào hứng đến phòng tập mỗi ngày.

“Ban đầu chỉ vì mục đích giảm cân, 4 tháng giảm 3 ký, người săn chắc, gọn gàng hơn rất nhiều, về sau, tôi càng tập càng thích. Với những môn võ khác, tuổi tác là một trở ngại nhưng với boxing thì tuổi nào tập cũng được. Môn này chỉ có 6 đòn tay cơ bản, di chuyển chân cũng đơn giản nên người tập không bị nản” - chị Hạnh chia sẻ. 

Người tập được hướng dẫn kỹ lưỡng để tránh chấn thương khi tập luyện
Người tập được HLV hướng dẫn kỹ lưỡng để tránh chấn thương 
Mẹ con rất quyết liệt khi so găng
Là môn thể thao mạnh mẽ, nhưng số động tác lại khá đơn giản
Chị Hạnh và con gái không bỏ buổi tập nào vì rất yêu thích môn thể thao này
Các học viên nữ hiếm khi bỏ tập vì rất yêu thích môn thể thao thú vị này

Chị Thủy 53 tuổi (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết chị chọn môn thể thao này là vì thích tập võ từ nhỏ nhưng không có cơ hội. Sau thời gian làm quen, chị rủ thêm 2 con nhỏ, rồi sẵn trớn rủ rê con trai lớn và con dâu cùng tập. Thành quả sau gần 1 năm “đánh đấm” là cả 5 mẹ con đều giảm cân thành công mà không cần phải ăn kiêng nghiêm ngặt.

Chị không những được chồng mà cả ba mẹ chồng ủng hộ bằng việc tài trợ hết học phí cho 5 mẹ con, cả khoản đầu tư găng tay, miễn sao khỏe là được. Theo chị Thủy, cái lợi lớn nhất là tình cảm gia đình gắn kết hơn. Những buổi tập là khoảng thời gian chị và các con gần gũi, trò chuyện với nhau nhiều hơn.

Cũng như chị Thủy, chị Nhung (huyện Hóc Môn, TPHCM) được con gái khuyến khích đến với boxing khi đã lên chức bà. Mỗi buổi chiều, gia đình 3 thế hệ của chị hào hứng cùng nhau lên đài. Nhìn thần thái vui vẻ yêu đời, năng động của chị Nhung, nhiều người không tin chị đang ở độ tuổi U60.

Không chỉ những người cá tính mạnh mới thích võ, chị Lan Anh - chuyên viên thương hiệu và tiếp thị - đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi thấy chị đánh bao cát ầm ầm, trong khi thường ngày chị gắn liền với hình ảnh yểu điệu.

Chị Lan Anh kể: “Tôi có một góc riêng trong nhà. Đó là phòng làm việc ở tầng trên cùng. Nơi đó, tôi treo một bao cát. Mỗi khi bị áp lực công việc hay căng thẳng, tôi mang găng vào để giải tỏa nỗi buồn. Biện pháp này đơn giản mà cực kỳ hiệu quả.
Dù không lên đài thi đấu như võ sĩ chuyên nghiệp, các boxer chủ yếu tập cho khỏe cũng phải thực hiện những kỹ thuật chiến đấu, động tác phòng thủ, bài tập phản xạ, kỹ năng làm chủ hơi thở…

Những yếu tố đó rất có lợi trong việc rèn luyện tinh thần vững mạnh. Thực tế đã chứng minh bằng việc chị Hạnh đã giữ được sự bình tĩnh, hạn chế hốt hoảng trong những tình huống bất ngờ khi lái xe ô tô.

Theo HLV, hầu hết các đòn đấm của boxing không cần phải gồng người, nên phù hợp với phụ nữ
Theo HLV tại Câu lạc bộ Trigger Boxing, hầu hết các đòn đấm của boxing không cần phải gồng người, nên phù hợp với phụ nữ
Chị Nhung, con gái và cháu ngoại - gia đình 3 thế hệ cùng yêu thích boxing
Chị Nhung (bìa trái) con gái (bìa phải) và cháu ngoại - gia đình 3 thế hệ cùng yêu thích boxing
Boxing ai tập cũng được, không phân biệt tuổi tác, giới tính
Boxing ai tập cũng được, không phân biệt tuổi tác, giới tính

Lên đài vẫn nữ tính như thường 

Theo huấn luyện viên Trịnh Văn Trí - Câu lạc bộ Trigger Boxing - hầu hết các đòn đấm của boxing không cần phải gồng người, không phải lúc nào cũng sử dụng sức mạnh cơ bắp. Quan trọng nhất là người chơi phải biết thả lỏng, phối hợp linh hoạt, thực hiện đúng kỹ thuật. Ngoài ra, vấn đề chấn thương không đáng lo ngại. Cổ tay được bảo vệ bởi băng quấn và găng, trong quá trình tập luôn có huấn luyện viên quan sát và hướng dẫn. 

“Từ ngày luyện boxing, mẹ mình dịu dàng, kiên nhẫn hẳn ra nhỉ” - con gái chị Nhung cười nói nhỏ với chồng. Họ không ngờ nhờ môn so găng này, bà ngoại tụi nhỏ vui vẻ nói cười nhiều hơn hẳn. Trong bộ đồ tập năng động, chị Nhung như gặp lại hình ảnh thanh xuân nhiều hoài bão của mình ngày trước, mà bởi bận rộn cơm áo gạo tiền lo cho gia đình, chị từng bỏ lỡ…

“Tôi thật may mắn khi tìm thấy niềm yêu thích ở môn chơi này, khiến cho tuổi chớm thu trở nên thú vị, tự tin hẳn ra” - chị Nhung hào hứng chia sẻ.

Các HLV sẽ theo sát người tập, giúp chỉnh kỹ thuật và bảo đảm an toàn
Các HLV sẽ theo sát người tập để hướng dẫn về kỹ thuật và sự an toàn

Ai bảo tập boxing thì không được nữ tính, điệu đà chứ! Cứ nhìn vào phòng tập Trigger Boxing, bạn sẽ bắt gặp khá đông cánh chị em tóc dài cột cao, động tác nhanh gọn, dứt khoát. Họ không điệu đà mà toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn rạng ngời của thần thái điềm tĩnh và ung dung. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI