Kẻ thủ ác không lương tâm

20/12/2017 - 10:11

PNO - Cuối cùng, danh tính nạn nhân trong vụ “phát hiện đầu người đàn ông trong thùng rác ở Bình Dương” đã được xác định - anh Trần Thanh T. (37 tuổi, quê Sóc Trăng).

Các tình tiết của vụ án cũng dần được hé lộ. Dư luận bàng hoàng với kết quả điều tra ban đầu: hung thủ chính là vợ anh - chị Hoàng Thị Hồng D. Trước đó, nhiều người gần gũi biết về họ trong bức tranh hôn nhân hạnh phúc.

Ke thu ac khong luong tam
Hoàng Thị Hồng D. vẫn thể hiện sự điềm tĩnh sau khi thủ ác

Xâu chuỗi sự việc, dư luận thêm một trận choáng váng trước những thông tin: nhậu xong, anh T. về phòng trọ, gây gổ với vợ và giữa cơn bức bối, anh dùng dao dọa chị D. Bực tức với thái độ và hành vi của chồng, chị D. đoạt lấy con dao, chém lìa đầu anh T. Để che giấu tội ác, hung thủ tiếp tục thực hiện một hành vi man rợ: phân thây chồng, cho vào túi ni-lông, ba-lô, sau đó chở bằng xe máy đi bỏ ở nhiều nơi để phi tang.

Xong việc, chị D. trở về, mang chiếc xe máy dính máu chồng đến tiệm sửa xe thay vỏ. Để tránh bị nghi ngờ, người vợ này còn dùng điện thoại của chồng nhắn tin cho nhiều người quen biết, rằng vì anh mang nợ nên phải về quê lánh mặt một thời gian. Khi người dân phát hiện một phần thân xác chồng, chị ta cũng hòa cùng đám đông, ra xem, bàn tán…

Còn có sự trợ giúp của người nào nữa hay không trong vụ án ấy vẫn là ẩn số mà cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra. Song, điều khó ai ngờ được chính là sự lạnh lùng, nhẫn tâm của người phụ nữ này. Câu hỏi là, nếu không bị phát hiện, chị ta sẽ còn sử dụng các chiêu gì cho "vở diễn" của mình khi không có tiếng nói nào từ nội tâm kêu gào phản đối trong suốt quá trình cái ác diễn ra, ngay từ đoạn chị ta ngồi phân thây chồng.

Không mảy may bấn loạn, cũng chẳng chùn tay hay nao núng khi dùng một tội ác man rợ để “dọn dẹp” một tội ác khác. D. có tỉnh táo không? D. có ý thức rõ ràng, cụ thể từng hành vi của mình không? Câu trả lời là có. Người phụ nữ này chỉ không có thứ quan trọng, đó là lương tâm.

Bởi thế, dư luận dõi theo vụ án, chỉ có thể thở dài, bất lực trong ý nghĩ giá như, có sự hối lỗi, ray rứt nào đó sau khi xuống tay sát hại người đầu ấp tay gối để dẫn đến việc biết nhận tội, đi đầu thú của chị D.; hay tính người còn gợi dậy qua biểu hiện hoảng loạn, sợ hãi, ứng xử khác thường trong những ngày sau đó.

Hiệp hội tâm thần Mỹ, qua cuốn sách Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder IV  (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần IV), khái quát rằng, người không có lương tâm (một biến dạng tính cách chống lại xã hội) chỉ cần hội tụ ba trong các đặc điểm sau: không tuân theo các chuẩn mực xã hội; lừa dối và thủ đoạn; hành vi bốc đồng, không lập trước kế hoạch; coi nhẹ an toàn, tính mạng của bản thân và người khác; không hối hận sau khi thực hiện hành vi tệ bạc. Người phụ nữ mang tên Hoàng Thị Hồng D. có đầy đủ những đặc điểm nói trên.

Vụ án khiến dư luận thêm lần nữa rùng mình nhớ đến câu chuyện một nhà báo bị vợ sát hại; sau khi dựng hiện trường giả hòng đánh lạc hướng điều tra, chị ta tiếp tục diễn vai một người vợ đau khổ. Người ta cũng chưa thể quên cái chết của một trung tá công an sau ba lần bị vợ cố sát bằng hành động cho uống thuốc ngủ, tiêm thuốc trừ sâu vào cơ thể chồng; rồi che đậy tội ác bằng mớ lý lẽ chồng đổ bệnh, đột quỵ…

Không có sự phân chia sâu sắc nào trong nhân loại bằng sự hiện diện hay vắng mặt của lương tri con người. Dẫu viện trăm ngàn lý lẽ, chứng cứ nhằm bao biện cho mọi ứng xử, hành động tội lỗi, không ai chấp nhận, dung tha cho một người không có lương tâm, khi tiếp tục dùng nhiều thủ đoạn để che giấu tội lỗi đó.

Bởi, như một vị thần toàn năng, lương tâm đặt ra cho mỗi người chúng ta những luật lệ nhằm điều chỉnh hành vi, ứng xử và trừng phạt tinh thần khi ta vi phạm, đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức chung. Mà, chưa nói đến nuôi dưỡng, lương tâm vốn đã tồn tại như hơi thở trong mỗi con người rồi. 

Trong quá trình thực hiện tội ác, hơn ai hết, người không có lương tâm luôn là đối tượng thấu hiểu rõ ràng nhất sự khác biệt giữa cái ác - cái thiện, tốt - xấu, việc mình làm được xã hội chấp nhận hay không chấp nhận. Nhưng, sự phân biệt này dường như vô nghĩa đối với họ, nó không hề bị cản trở bởi cảm giác tội lỗi, ăn năn. Biết, mà họ vẫn làm.

Giả sử ngày đứng trước pháp đình, trong hồ sơ luận tội, có đổ lỗi cho bi kịch chung sống trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, khiến mình ức chế, bị đè nén dẫn đến việc đoạt dao giết chồng của chị D. là kết quả của cơn điên tiết, hoặc lỡ tay, ngộ sát chồng với phản ứng tự vệ… thì bất kể nguyên nhân gì, không ai chấp nhận được hàng loạt hành vi trong diễn tiến tiếp theo, hòng phủ giấu tội ác.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI