Đàn bà vâng dạ với chồng

13/08/2019 - 05:30

PNO - Tôi thấy cô vợ cảm ơn anh chồng rối rít về việc rút hộ quần áo. Nàng còn bảo ngày nào nàng cũng nói chuyện với anh chồng đã cưới được 9 năm như thế. Tôi choáng!

Có bận nghe thấy cô bạn thân của tôi gọi điện, cứ vâng vâng dạ dạ rồi “vâng ạ, em cảm ơn anh nhé”. Đếm đến lần cảm ơn thứ bảy tôi sốt ruột suýt nữa cắt ngang cô ấy để hỏi một cách đầy nghi ngờ “ai đấy?”, nhưng rồi toàn bộ nội dung còn lại của câu chuyện cũng khiến tôi đoán được người ở đầu dây bên kia chính là anh chồng của nàng.

Lũ chúng tôi nhăn mặt nhìn nàng lạ lùng: “Dở hơi đấy à? Gọi điện cho chồng mà cứ như gọi cho chàng nào vừa mới quen ba ngày”.

Từ thuở bé tôi chưa từng nghe thấy vợ phải cảm ơn chồng rối rít về việc rút hộ quần áo bao giờ. Nàng ngạc nhiên bảo ngày nào nàng cũng nói chuyện với anh chồng đã cưới được 9 năm như thế.

Bạn tôi sống ở châu Âu từ năm 19 tuổi, hơn chục năm sau mới về nước. Tôi nghĩ nàng bị Tây hóa. Thi thoảng tôi cũng nghe thấy nhiều cặp vợ chồng Tây đứng tuổi trả lời nhau như người tình “vâng, em đây, anh yêu”, là nghe ngoài đời thực chứ không phải nghe trên phim. Mới nghĩ chắc Tây họ “hấp” thế. 

Dan ba vang da voi chong
Hình minh họa

Hôm rồi đọc bài viết của một cô bạn hồi đại học lấy chồng người Úc, hiện đang sống ở San Francisco, tôi càng khẳng định cái vụ “Tây hấp”. Nàng kể về một bình minh trong Ngày của mẹ như thế này: Tôi còn nhớ như in cái năm đầu tiên được lên chức mẹ, tôi ngủ nướng đến tận 9g. Khi tỉnh giấc, tôi giật mình phát hiện một tấm bưu thiếp xinh xắn nằm ngay ngắn dưới gối: "Chúc mừng em nhân Ngày của mẹ, cảm ơn em đã sinh hạ cho anh một nàng công chúa xinh xắn. Em là người mẹ tuyệt vời nhất trên đời. Anh thật may mắn có em và con". 

Rồi nàng viết tiếp: Tôi kể cho mẹ nghe chồng tôi đã vinh danh tôi nhân Ngày của mẹ như thế nào, mẹ bảo “ừ, đúng là Tây có khác, ga-lăng thế, lãng mạn thế. Thích thật đấy. Đâu như bố mày, tao vừa trách khéo thì ông ấy bảo: một ngày ăn đấy, bảy ngày ăn đâu. Hôm nay là ngày của mẹ, thế từ ngày mai thì không à. Cứ toàn phú quý sinh lễ nghĩa”.

Từ thuở bé, tôi đã nghe thấy cha hay gọi mẹ tôi là cô, là bà, rồi xưng tôi chứ hiếm khi là em xưng anh. Đáp lại mẹ cũng gọi cha tôi là ông xưng tôi, thi thoảng thân mật lắm mới kêu anh. 

Cái việc xưng hô “trang trọng” cô/bà hay ông cứ như thể quận công, hầu tước không có nghĩa rằng cha mẹ tôi không hạnh phúc. Bởi tôi thấy cha mẹ các bạn tôi, các cô dì chú bác tôi, hàng xóm nhà tôi cũng gọi nhau như thế. Đã làm bậc cha mẹ phải như thế mới đứng đắn, anh anh em em là dành cho những người “còn đang yêu”. Tôi nghĩ vậy là phải. “Vợ chồng phải kính nhau như khách”, các cụ bảo thế. Vậy gọi thế cho “kính”.

Mãi sau này, khi đã có “kinh nghiệm” về hôn nhân thì tôi ngẫm ra “vợ chồng phải kính nhau như khách” ấy là có ý khác. 

Từ lúc lấy nhau về rồi, đã chung một nhà rồi, người ta không còn coi nhau là khách nữa. Đã người trong nhà thì được ưu tiên cho thấy đủ mọi cái xấu của nhau (những gì mà người ngoài đường không bao giờ thấy được), cho phép giản tiện và lôi thôi luộm thuộm. Đầu tiên là việc nói rút gọn câu. Chủ ngữ và các đại từ nhân xưng bị cắt dần đi, đặc biệt là trong tin nhắn, có thể ngắn gọn ngang với việc tiết kiệm tiền khi gửi điện tín hồi trước thập niên 1990. 

Dan ba vang da voi chong

Ảnh minh họa

Vợ: Có ăn cơm k?
Chồng: Có.
Vợ: Mấy h về?
Chồng: 8h.
Vợ: Thằng A mời có đi k?
Chồng: K.

Tất nhiên cuộc trò chuyện của những người chưa cưới sẽ thường diễn ra theo cách hơi hơi khác một chút, mặc dù nội dung vẫn vậy.

Nàng: Anh yêu, lát nữa đi ăn tối đấy nhé.
Chàng: Uh, hôm qua mình hẹn thế rồi mà.
Nàng: Thế mấy giờ anh đến đón em?
Chàng: 8h em nhé. Có được không em?
Vợ: Cậu A có vé mời anh có đi được không?
Chàng: Có lẽ không được rồi em ạ. Hôm ấy anh phải họp mất. Em bảo cậu ấy thông cảm nhé. Tuần sau anh đưa em đi chơi bù.

Tôi cũng nghĩ việc nhắn tin rút gọn như đánh điện tín hay nhắn tin dài ngang với viết thư tay không liên quan đến việc người ta yêu nhau nhiều hay ít. Quan trọng là ở tấm lòng chân thành, ở cái tâm bên trong. Có phải khách đâu mà khách sáo mãi thế.
Người đã cưới và người chưa cưới cũng hơi khác nhau ở cách bình luận.

Khi cưới rồi:

Vợ: Áo mới mua này. Trông được không?
Chồng (liếc xéo): Ra cái gì. Trời này mặc mấy cái đồ ấy cho chết ngốt. Kiếm thứ gì rộng rãi mà mặc.

Khi chưa cưới:
Nàng: Anh ơi, áo em mới mua này. Trông có xấu không?
Chàng (mắt sáng lấp lánh): Áo thì không đẹp lắm nhưng em làm cho áo đẹp lên.

Tôi cũng nghĩ việc khen chê cái áo không liên quan đến chuyện người ta yêu nhau ít hay nhiều. Quan trọng là ở tấm lòng chân thành… Có phải khách đâu… Áo quần chẳng liên quan gì đến tình cảm.

Sự quan tâm, dặn dò lẫn nhau của người cưới rồi và người chưa cưới cũng khác nhau tí chút. Nếu chàng đi công tác, khi chưa cưới, người kia sẽ nhắn tin như sau: "Chúc anh một ngày mới tốt lành và buổi họp thành công. Vậy là tối nay em được gặp anh rồi".

Còn nếu cưới rồi, nàng sẽ gọi điện thoại và “lát nữa về nhớ mua thêm một cân khô mực. Nếu ăn cơm tối thì nhớ gọi sớm để còn nấu nhé”.

Rõ ràng nội dung dặn dò thế nào cũng không liên quan đến tình cảm. Quan trọng là ở tấm lòng chân thành…

Tại sao khi chưa cưới, cũng vẫn người ấy mà trước lúc gặp nhau mình cứ phải chùng chình cả tiếng đồng hồ như đi tiếp khách quý. Mình tắm gội, đi làm tóc, thử chục bộ quần áo mới ưng, rồi trang điểm tỉ mỉ và xức nước hoa. Nhưng cưới rồi thì thực sung sướng, mình được sống đúng là mình. Mình lao ra khỏi phòng ngủ vào sáng sớm chủ nhật với mái tóc mỗi sợi một hướng khác nhau, với đôi chân hai dép hai màu hai cỡ và bộ quần áo tận dụng lại từ 10 năm trước. Mình thoải mái diện bộ ấy từ sáng đến tối mịt để làm trăm thứ bà rằn mà chẳng sợ ai phê bình.

Tại sao khi chưa cưới, cũng vẫn người ấy mà mình chỉ trót ngắt máy điện thoại trước hoặc vô tình phê bình một lời, người ta đã tổn thương và hờn dỗi. Giờ cưới rồi rõ là hạnh phúc, chẳng bao giờ phải ngập ngừng xem những lời mình nói là đúng hay sai, không phải lo ngay ngáy người kia có vì câu nói ấy mà giận hay không, vì bây giờ mình nói điều gì cũng đúng. Mình chê bai thô lỗ, mắng mỏ thẳng thừng, tha hồ cộc lốc, cụt ngủn mà đằng đấy vẫn vui vẻ. 

Gạo đã nấu thành cơm, có phải đang ngồi trước micro của người phát ngôn bộ ngoại giao đâu mà phải đắn đo, suy tính, cân đong từng từ cho đau đầu nhức óc.

Dan ba vang da voi chong
Hình minh họa

 Thế rồi một ngày, những người đã đeo nhẫn cưới vô tình được nghe một lời lịch sự từ một người xa lạ, bỗng dưng thấy lạ lùng, bỗng dưng thấy ngượng ngùng, bỗng dưng thấy rưng rưng. Những lời quen lắm đã lâu rồi chưa được nghe. Vậy thì tại sao không coi nhau như “khách” để được sống mãi những ngày còn “dang dở”?

Nhưng hỡi những người đàn ông đã đeo nhẫn cưới, sau khi đọc bài này, đừng thấy tôi nói phải mà giật mình sửa sai, vội vàng nhắn tin cho vợ một dòng chữ vào lúc chiều tàn “em yêu, anh chuẩn bị về đây, nấu cơm cho anh ăn với nhé”. Kẻo không chỉ 5 phút sau thôi, dù có đang động đất 9 độ rích-te hay kẹt xe ở 90 nút ngã tư, cô vợ yêu quý của bạn cũng sẽ xuất hiện trước cửa phòng làm việc với sắc mặt của bầu trời sắp bão: "Anh vừa nhắn tin cho con nào mà nhắn nhầm vào máy của tôi?".

Và hỡi những người phụ nữ đã không còn độc thân, việc gì cũng nên từ từ, không bao giờ được đốt cháy giai đoạn. Sau khi đọc bài này, tối nay bạn đừng vội đón chồng sau chuyến công tác dài ngày bằng bộ đồ ngủ xuyên thấu hai mảnh underwear đẹp đẽ bên trong và vài giọt Chanel ngọt lịm bên vành tai nhé. Chỉ bởi tôi không muốn gia cảnh của bạn bị lục đục vì một bài báo, khi mà vừa bước chân qua ngưỡng cửa, chàng của bạn đã chững lại rồi mát mẻ: "Tôi là chồng cô đây ạ, chứ không phải cái người mà cô định đón tối nay. Cũng may là tôi đi công tác về sớm..."

Di Li

"Trước sau như một"

Tình yêu lâu ngày có khả năng trở thành thói quen, đều đặn và bình ổn, chứ không mới mẻ, dữ dội, cuồng nhiệt nữa. Rồi người ta trở nên xuề xòa với chính mình và người bên cạnh. 

Tôn trọng nhau là điều cần thiết để mối quan hệ không nhàm chán. Sự tôn trọng ở đây bao hàm sự tôn trọng trong sinh hoạt hằng ngày, quan điểm sống, quyền lựa chọn, quyền quyết định, ước mơ riêng của mỗi người để cả hai đều là chính mình, luôn hấp dẫn, tự tin trong mắt người kia chứ không phải một người vì người còn lại mà gò bó, hy sinh bản thân, không trân trọng chính mình và trở nên tẻ nhạt, kém lôi cuốn. 

Câu “tương kính như tân” ngày xưa chỉ việc vợ chồng dùng lễ đối đãi với nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, cách hiểu đó, theo tôi, không còn phù hợp. Vai trò của chồng và vợ quan trọng ngang nhau. 

Dan ba vang da voi chong

Quan hệ yêu đương giữa nam và nữ cũng thoải mái, trong đó, phụ nữ có thể cho phép mình ở thế chủ động, nên việc giữ kẽ, kín đáo trước người chồng cũng không cần thiết. Giữa hai người cũng không cần quá cẩn trọng trong từng lời nói mà có thể bàn bạc, chia sẻ quan điểm một cách thẳng thắn với nhau. 

Vậy nên, câu “tương kính như tân” trong bối cảnh hiện đại theo riêng tôi có thể hiểu đơn giản là “trước sau như một”. Chúng ta đã từng hấp dẫn lẫn nhau ở điểm nào thì cứ tiếp tục phát huy những thế mạnh đó để luôn thú vị trong mắt người kia. Chúng ta đã từng đối xử tốt với người mình yêu như thế nào ở giai đoạn “cưa cẩm”, hẹn hò, thì sau khi kết hôn vẫn luôn nên như vậy. Lúc nào cũng yêu thương trân trọng và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. 

Lifestyle & food blogger Lê Ngọc

Tương kính như tân là "giữ phong độ" trong tình yêu

Thực ra, hồi mới thương, ta thường không để ý những lỗi lầm của người kia, không phải không thấy mà vì tình thương còn lớn, đủ để mình cho qua.

Và cũng bởi thương, nên mình chỉ nhìn người kia ở khía cạnh dễ thương của họ, chính vì vậy mà mặn, mà nồng. Lòng thương khiến ta bao dung hơn, và vì lòng thương nên ta cũng làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho họ, từ đó cả hai còn trọng, còn kính nhau.

Dan ba vang da voi chong

Tuy nhiên, khi về chung một nhà, ta thường sẽ không còn cố gắng như ngày đầu, hẳn vì nghĩ rằng “đã chắc ăn có được người ấy”. Sự thiếu chăm chút bản thân, không còn cẩn trọng lời nói, cuối cùng buông thả bản thân, từ lời ăn tiếng nói đến hành xử. Sự chủ quan và việc coi thường người bạn đời là lằn ranh mỏng manh khiến cho người kia bớt đi sự tôn trọng mình. Từng ngày qua, cả hai chỉ còn thấy những xấu xí của người kia, tăng dần. 

Do vậy, “tương kính như tân” chính là lời khuyên “giữ phong độ” trong tình yêu - thương người bạn đời, đừng chủ quan rằng đã là vợ/là chồng nên không cần chăm chút hành vi, lời nói của mình, ngược lại còn đòi hỏi họ phải thế này, thế kia. Có câu, muốn người ta tôn trọng mình, mình phải tôn trọng họ. Tính chất có qua có lại ấy trong mối quan hệ gia đình tôi nghĩ thời nào cũng cần được ghi nhớ để mỗi ngày sống ta đều thấy hôm nay là ngày đầu của nhau, không ai cảm thấy người kia cũ và hư hao trong mắt mình. Hạnh phúc từ đó được tịnh tiến theo ngày tháng.

 Nhà báo Lưu Đình Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI