Tuổi già sao cho vui?

Học đàn ở tuổi 73

09/06/2023 - 13:37

PNO - Tôi vừa “bái” nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt làm sư phụ, trở thành người học trò cao tuổi nhất của anh, với hy vọng có thêm niềm vui trong độ tuổi xế chiều. Cốt để vui sống và… sống vui.

Nguyễn Đức Đạt bị khiếm thị bẩm sinh, được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi và đưa sang Mỹ định cư vào đầu thập niên 1990. Ngón đàn của anh càng điêu luyện nhờ năng khiếu vốn có và hiếm có ở người khiếm thị, đã cho ra đời 4 đĩa nhạc.

Gặp anh lần đầu năm 2006, trong buổi ca nhạc gây quỹ từ thiện cùng nhiều thanh thiếu niên khuyết tật gốc Việt đang định cư tại quận Cam, California, tôi mua một CD hòa tấu guitar của anh, tựa đề Sacred Guitar. 

Hơn 15 năm sau, tôi tò mò theo chân một người bạn ở Dallas đến tận nhà, mới biết anh đã kết hôn với một cô gái cũng khuyết tật, xinh xắn, hiền lành và có cô con gái 14 tuổi. Cháu từng thủ thỉ với ba mẹ rằng sẽ “cố trở thành đôi chân của mẹ và đôi mắt của ba”. Nhớ đến cây đàn guitar nhỏ gọn bụi bám nhện giăng ở góc nhà, tôi buột miệng nói muốn trở thành học trò của chàng nhạc sĩ trẻ tuổi, tài hoa.

Tác giả và nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt
Tác giả và nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt

Tôi vừa ngỏ lời, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt mau mắn đồng ý và lập tức đặt thời khóa biểu học ngay ngày hôm sau. Thật bất ngờ… tôi đột nhiên trở thành người đi học đàn guitar ở độ tuổi 73. Nhà của anh cách nhà tôi vài góc đường.

Sự nhiệt tình của anh đã dập tắt ở tôi nỗi ngại “vạn sự khởi đầu nan”. Tôi xin học đánh gam và điệu, với chút hiểu biết nhờ “mò mẫm” tự học lâu nay. Đoán chắc thầy không tài nào nhìn thấy nét bối rối, vụng về của học trò già nên tôi không cảm thấy lo.

Tuy vậy, 10 ngón tay tôi cứng đơ, di chuyển chậm chạp trên phím đàn. Nguyễn Đức Đạt nghe được tiếng đàn “rè rè”, tiến đến gần để sửa từng ngón tay của học trò già đang cười cười chữa thẹn, cố tự nhủ “ông thầy có thấy gì đâu mà quê với sợ.” 30 phút trôi qua, tôi tự tin dần, hứa hẹn sẽ tập dợt “dữ dội” ở nhà để tuần sau đến trả bài. Nguyễn Đức Đạt cũng lặp lại câu khích lệ: “Cố gắng dữ dội nghen”.

Tôi hớn hở lái xe về nhà, quên mất cái cảm giác nghẹt thở vì bối rối trong mấy mươi phút đánh đố với 6 sợi dây đàn guitar bình thường mềm mại bỗng cứng ngắt. Tôi bấm mạnh đến tê cả tay mà nốt nhạc vẫn lí nhí không chịu nhảy khỏi phím. Không sợ hãi, cũng không e thẹn vì tay móc dây đàn liêu xiêu không đúng chỗ, tôi cười vui với chính mình.

Mà vui thật! Nguyễn Đức Đạt thỉnh thoảng pha trò và kiên nhẫn lắng nghe từng tiếng “khỏ” của bà học trò ngày đầu dạy và học. Tôi từng học qua nhiều loại đàn: guitar, tranh, bầu, organ khi còn ở Việt Nam và cả đàn cò khi sang Mỹ, có thể chơi thành bài bản nhưng không có cơ may, nói đúng ra là không đủ kiên nhẫn để theo đuổi tới nơi tới chốn. 

Hồi tôi lên 7, lên 8 tuổi, ba tôi mời một ông thầy dạy violon đến tận nhà mà tôi trốn lì trong phòng ngủ vì không muốn học, để mặc thầy ngồi chờ hoài không thấy trò đâu đành tiu nghỉu ra về. Lớn lên một chút, tôi bỗng mê ngón đàn guitar phím lõm của ông anh bạn dì ở cùng nhà.

Những đêm vắng lặng của thập niên 1960, tôi thường ngồi trên mui xe Traction của ba mò mẫm từng phím đàn. Tôi say mê tập dợt đến nỗi đàn đủ 6 câu vọng cổ, trở thành thành viên của ban cổ nhạc trường Gia Long, lên sân khấu trình diễn ở rạp Quốc Thanh, Hưng Đạo và Đài truyền hình Sài Gòn.

Mê ngón đàn guitar tân nhạc, tôi mua sách dạy đàn về mò mẫm, tự học. Cũng có lúc, tôi mon men tìm đến lớp dạy đàn của người em rể Trần Ngọc Vũ ở đường Trần Bình Trọng, quận 5 để thọ giáo nhưng không bền. Tôi chắc mẩm là thầy “ớn” bà chị học trò, tay đã cứng và đầu có “sạn”, không dám la rầy mỗi khi bà đánh đàn sai nhịp nên thầy “né” tôi từ từ. 

Sang Mỹ, tôi có cơ hội tìm đến lớp học của thầy Nguyễn Châu, cựu giảng viên Trường Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TPHCM) để học đàn cò và cũng không bền. Tôi chỉ theo đuổi được một thời gian ngắn rồi lại bỏ khi thầy đổi đến địa điểm quá xa nhà tôi và cũng vì ngần ngại khi nhìn thấy các bạn đồng học đáng tuổi cháu, tuổi con. 

Hơi bất ngờ về cơ hội học đàn bỗng dưng vụt đến, nhưng nhớ một số sinh viên gốc Á đến trường đại học cộng đồng khi tuổi ngoài 70 mà tôi từng gặp, tôi tự dặn mình chớ chần chừ để cơ hội vui sống tuột đi.

Nhất là lần này, tôi được học đàn với nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, được gặp gỡ và trò chuyện với vợ của anh là Tâm Hiền, để cảm nhận hạnh phúc lớn dần khi mình cố sánh vai cùng những người đang cố gắng vượt qua số phận. 

Phụng Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI