Hệ thống y tế đối mặt với thách thức chưa từng có trong lịch sử

29/07/2021 - 20:35

PNO - Khẳng định hệ thống khám chữa bệnh đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử, Bộ Y tế thiết lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Quốc gia.

 

Bệnh
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chọn Bệnh viện dã chiến số 13 để thiết lập Trung tâm Hồi sức COVID-19

Có tỉnh chỉ có 1 bác sĩ hồi sức cấp cứu

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng”.

Theo đó, từ ngày 27/4 cho đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng. Số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 100 nghìn ca nhiễm mới. Đặc biệt, số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao, đến nay đã có trên 500 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế nhận định, hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với "những thách thức rất lớn, chưa từng có trong lịch sử!".

Thực tế, tại một số địa phương còn thiếu chủ động, chưa sẵn sàng công tác thu dung, điều trị ca bệnh nặng. Năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực ở nhiều địa phương vừa yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng với kịch bản biến chủng “siêu lây nhiễm”. Nhân lực trình độ cao chuyên khoa hồi sức tích cực còn hạn chế.

Hiện nay, cả nước có trên 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu/hồi sức tích cực nhưng nhiều địa phương đang rất thiếu. Chẳng hạn, tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên phạm vi toàn tỉnh chỉ có một bác sĩ chuyên khoa sơ bộ hồi sức tích cực. Do tác động của chính sách tự chủ nên nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ít chú trọng công tác hồi sức tích cực.

Theo Bộ Y tế, bài học từ các đợt dịch vừa qua cho thấy, khi dịch bệnh bùng phát, các tỉnh đều gặp thách thức rất lớn trong thu dung, điều trị người bệnh và gần như chưa có tỉnh nào có thể “tự lực cánh sinh” điều trị COVID-19 mà không cần sự chi viện từ trung ương và sự giúp đỡ từ các tỉnh bạn.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng. Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở. thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm...

Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu... Hiện chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo. “Nguyên nhân do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực, đầu tư và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng...”, Đề án chỉ ra.

Thiết lập 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia

Trước thực tế này, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu, nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của hệ thống khám, chữa bệnh, đồng thời tăng cường khả năng thu dung điều trị ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch, đáp ứng kịch bản dịch bệnh gia tăng, hạn chế tối đa người bệnh tử vong.

Đề án được triển khai trên phạm vi toàn quốc và được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1: Các đơn vị lập kế hoạch triển khai ngay các hoạt động cấp bách, hoàn thành trong vòng 2 tháng sau khi đề án được ký ban hành. Đối với các tỉnh đang bùng phát dịch cần hoàn thành ngay trong vòng 1 tháng, tận dụng tối đa các nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị... sẵn có.

Giai đoạn 2, tiếp tục triển khai các hoạt động chưa hoàn thiện, mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm trang thiết bị.

Bộ Y tế lên phương án thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung – Nam. Cụ thể, 12 Trung tâm sẽ được đặt tại Bệnh viện: Bạch Mai (cơ sở 2); Hữu nghị Việt - Đức (cơ sở 2); Bệnh nhiệt đới trung ương; Phổi trung ương; Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2); Đại học Y Dược TPHCM; Đa khoa trung ương Huế; Chợ Rẫy; Các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TPHCM (đặt tại cơ sở 2) Bệnh viện Ung bướu TPHCM và các bệnh viện dã chiến); Đa khoa trung ương Cần Thơ;  Trung ương Quân đội 108 và Quân y 103.

Các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia được giao nhiệm vụ, chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn với địa bàn. Mỗi trung tâm sẽ có từ 200-3.000 giường bệnh.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ định 33 bệnh viện trên cả nước đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng, trong đó có 4 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội là Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, đa khoa Xanh Pôn và đa khoa Hà Đông. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50-100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chọn Bệnh viện dã chiến số 13 để thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19

Chiều 29/7, GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cùng đoàn đi khảo sát một số bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 ở TP.HCM để khẩn trương xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực quy mô 500 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng.

GS.TS Trần Bình Giang đánh giá, cơ sở vật chất đang được thiết lập tại BV dã chiến số 13 phù hợp để xây dựng Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Tuy nhiên, để sớm đưa vào hoạt động, bệnh viện cần được UBND TPHCM và ngành y tế thành phố hỗ trợ thêm nhân lực khối hậu cần. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ chi viện đội quân tinh nhuệ là những bác sĩ hồi sức, điều dưỡng có khả năng thiết lập thở máy để điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM,  Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đã chỉ đạo phải tích cực phối hợp giữa các ban, ngành địa phương với Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương, tạo điều kiện tối đa để sớm đưa vào hoạt động các Trung tâm Hồi sức COVID-19. Đối với nhân sự hậu cần, TPHCM đã có phương án điều động nhân lực. TPHCM mong muốn giữa địa phương và Trung ương có sự gắn kết, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay, giúp TPHCM nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.


H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI