Tại sao suy giãn tĩnh mạch không được ngâm chân nước nóng?

25/07/2025 - 15:26

PNO - Người bị suy giãn tĩnh mạch không nên ngâm chân nước nóng vì sẽ làm tăng tình trạng ứ đọng máu ở chi dưới và khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Tôi bị suy giãn tĩnh mạch chân, tê bì chân nên nghe mọi người khuyên ngâm chân nước nóng với lá ngải cứu để giảm đau nhức. Tuy nhiên, có người lại nói suy giãn tĩnh mạch không được ngâm chân nước nóng, sẽ làm bệnh nặng thêm. Vậy tôi có nên ngâm chân ngải cứu nước nóng hay không? Những trường hợp đau nhức chân nào không nên ngâm chân nước nóng?

Phạm Thị Hồng (65 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai)

Bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc (Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM) trả lời: Người bị suy giãn tĩnh mạch không nên ngâm chân nước nóng, đặc biệt ở mức độ bệnh trung bình đến nặng. Thực tế, nhiệt độ nước khi ngâm chân thường khó kiểm soát chính xác và rất dễ vượt quá mức cho phép (trên 400C).

Mặc dù ngải cứu có tính ấm, tác dụng kháng viêm, giảm đau và hoạt huyết, nhưng nước nóng lại có thể khiến các mạch máu giãn nở quá mức, làm tăng tình trạng ứ đọng máu ở chi dưới và khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Đối với người cao tuổi, điều này có thể gây phù nề, tăng đau nhức hoặc làm tăng nguy cơ biến chứng tĩnh mạch.

Những trường hợp tuyệt đối không nên ngâm chân nước nóng gồm: người bị suy giãn tĩnh mạch mức độ nặng, với tĩnh mạch nổi rõ và phù nề; người có huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc có nguy cơ tắc mạch; người có vết loét, chấn thương hoặc viêm da ở chân.

Thay vào đó, người bệnh có thể cân nhắc các phương pháp an toàn hơn. Đối với vùng chân bị tê đau do phong hàn hoặc huyết ứ (khi mạch máu không giãn rõ), có thể hơ ngải cứu tại chỗ. Nếu muốn thư giãn, chỉ nên ngâm chân bằng nước ấm nhẹ (khoảng 37 độ C) trong 10-15 phút và không nên thực hiện quá thường xuyên. Quan trọng hơn, nên ưu tiên các biện pháp an toàn như kê cao chân khi ngủ, sử dụng vớ y khoa hoặc mát xa nhẹ nhàng.

Thanh Huyền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI