Giải độc sởi bằng thuốc nam

19/07/2025 - 08:57

PNO - Khi bị sởi, bên cạnh việc theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế, người bệnh còn có thể tận dụng một số vị thuốc nam quen thuộc để hỗ trợ giúp thanh nhiệt và giải được tận gốc độc lực của vi rút gây bệnh sởi, ngăn ngừa biến chứng.

Đông y gọi bệnh sởi là Ma chẩn hoặc Sa tử. Nguyên nhân do phong tà nhiệt độc xâm nhập cơ thể gây bệnh từ vệ biểu (da lông) đến các cơ quan nội tạng. Thế nên khi nhiễm bệnh, điều quan trọng là phải trừ phong tà, thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.

Giai đoạn sởi chưa mọc

Các triệu chứng điển hình trong giai đoạn đầu là sốt, ho khan, chảy nước mũi, chảy nước mắt, mệt mỏi. Đặc biệt sẽ xuất hiện các hạt trắng nhỏ li ti, mọc ở niêm mạc má phía trong miệng và ngang răng hàm (hạt Koplik). Có thể cho người bệnh dùng một trong những bài sau:

- Lá diếp cá 30g, ngò tàu 20g, riềng 3 lát; thuốc dạng tươi; nấu lấy nước uống trong ngày.

- Lá diếp cá, rau diệu, 30g/vị; cam thảo đất 15g; dạng tươi. Sắc uống mỗi ngày một thang, chia 3 lần.

- Ngưu bàng tử, kim ngân hoa, củ sắn dây, 20g/vị; bạc hà, kinh giới, 10g/vị; dạng tươi; đổ nước ngập, đậy kín, sắc rồi xông và uống trong ngày.

- Rễ và cây lá lức, cây lá ké, củ sắn dây, cây bình bát, cỏ mần trầu, dây kim ngân, 20g/vị; lá tía tô, cam thảo đất, 10g/vị; gừng sống 3 lát. Sắc uống mỗi ngày một thang, chia 3 lần. Thuốc dạng tươi. Lượng dùng cho thuốc dạng khô bằng ½ dạng tươi (tương tự cho những bài sau).

Uống đến khi sởi mọc thì chuyển sang bài như phần tiếp theo.

rau
Lá diếp cá trong bài thuốc nam giải độc sởi

Giai đoạn sởi mọc

Khi xuất hiện nốt ban sởi đến khi mọc dày toàn thân (khoảng 3-4 ngày) vẫn cần tiếp tục thanh nhiệt, giải độc và đặc biệt là làm sởi nhanh mọc, mọc đều, người dịu mát dần. Có thể dùng những vị thuốc như sau:

- Lá tre, sài đất, kim ngân hoa, củ sắn dây, 20g/vị; sa sâm, mạch môn, cam thảo đất; 10g/vị; dạng tươi. Sắc uống ngày một thang.

- Hoa kim ngân, cây cỏ ban, 30g/vị; dạng tươi, rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống. Có thể phơi khô sắc uống.

- Cây lá ké, cỏ mần trầu, lá đậu săng, lá cây lức, dây kim ngân, bình bát, 20g/vị; cam thảo đất, lá từ bi, bạc hà, 10g/vị; gừng sống 3 lát; dạng tươi. Sắc uống ngày một thang.

- Củ sắn dây, dây kim ngân, cây lá ké, cỏ mần trầu, rễ và lá cây lức, bình bát, 20g/vị; cam thảo đất, lá tía tô, bạc hà, 10g/vị; gừng sống 3 lát; thuốc dạng tươi. Sắc uống ngày một thang.

Giai đoạn sởi bay

Đây cũng là lúc người bệnh bị mất nước do sốt kéo dài, miệng khô, ho… nên rất cần được bổ sinh tân dịch, tư âm, hòa huyết và tiếp tục giải sạch độc. Chọn dùng một trong các cách sau:

- Hà thủ ô chế 12g, ý dĩ 10g, cây dâu 10g, cây đậu săng sao thơm 10g, hoài sơn 10g, cam thảo nướng 4g, cây lá ké 10g, rau mơ 10g, rễ tranh 10g, lá từ bi 8g, vỏ quýt 4g, gừng sống 3 lát. Thuốc dạng khô. Sắc uống mỗi ngày một thang.

- Sa sâm, sài hồ bắc, huyền sâm, đảng sâm, mỗi vị 6g; mạch môn, cam thảo, long đởm thảo, đăng tâm, mỗi vị 4g. Thuốc dạng khô. Sắc uống ngày một thang.

- Sa sâm, hạt sen, đậu đỏ, lá dâu non, mỗi vị 120g; cam thảo, mạch môn, hoàng tinh, hoài sơn, mỗi vị 80g. Tất cả thuốc đem sao thơm, tán thành bột, làm viên. Ngày uống 30g, chia làm 3 lần.

Dư độc của sởi

Nếu sởi không mọc hết, độc tố còn dư đọng trong cơ thể, sinh nổi mụn ghẻ, ngứa thì dùng: hoa kim ngân, cỏ mần trầu, kinh giới, cây bình bát, rễ tranh, 20g/vị; cam thảo đất 10g, gừng sống 3 lát. Thuốc dạng tươi.

Trường hợp có rối loạn tiêu hóa, tiêu lỏng dùng: cây lá ké, sài đất, kim ngân hoa, thổ phục linh, rễ tranh, 20g/vị; kinh giới, lá từ bi, 10g/vị. Thuốc dạng tươi.

Lưu ý: Lượng dùng cho trẻ em bằng ½-1/3 so với người trưởng thành, giảm theo độ tuổi.

Hà Nguyễn Đông y (Hội Đông y TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI