Tuổi 18+: Quản con hay để con tự quản?

Hãy để con tập lái chiếc xe cuộc đời

24/08/2022 - 18:31

PNO - Chị bạn khóc kể chuyện cậu con trai sắp vào năm nhất đại học đã bỏ nhà đi ba ngày nay. Cậu nhắn lại là qua nhà bạn ở, mà cha mẹ không biết là bạn nào, điện thoại thì không liên lạc được.

Bạn hỏi chị có thấy cháu qua nhà không, nhờ hỏi giùm con chị có biết bạn đang ở nhà bạn nào không? Nhìn bạn cuống cuồng lao đi tìm con, chị định nói “ôi chào thời nào chẳng có những đứa trẻ bỏ nhà đi hoang như vậy, vài ngày lại bò về thôi mà”, may mà chị kịp nhớ lại, lúc mình bỏ nhà đi, chắc ba má cũng hốt hoảng đi tìm. Chỉ khác là thời của chị, những đứa trẻ bỏ nhà đi một vài ngày rồi tự về, chỉ có cô giáo, bạn bè trên lớp hay hàng xóm láng giềng biết.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Còn thời nay, hầu như những người có quen biết với gia đình đều biết cả. Chị không nói nữa, nhưng chiều đi làm về nhìn con gái ngồi ôm điện thoại tay bấm miệng cười mỉm, chị băn khoăn tự hỏi nếu giờ con bé 19 tuổi non nớt kia bỗng nhiên kiên quyết muốn ra ở riêng, rồi mình sẽ phản ứng thế nào đây? 

Một người từng trải và thực tế như chị, 18 tuổi đã đi học xa, ở ký túc xá rồi tự ra thuê trọ, vậy mà đến lúc sinh con, nuôi con đến khi con tuổi 18, chị vẫn không dám cho con ra khỏi nhà. Chị chỉ nghĩ, hồi đó nhà mình nghèo quá, mình đi ra khỏi nhà ba má cho được mấy trăm ngàn đồng bỏ túi, ba má phải chịu cái tính khí ngang bướng của mình một phần, nhưng phần nữa là phải chịu cho mình đi vì phải đi mới có đường học lên, mới có nghề, mới có thể lo cho mấy đứa em.

Một đứa con gái tỉnh lẻ vô thành phố lớn, bao nhiêu lần nhịn đói vì chưa được nhận tiền làm thêm, bao nhiêu lần phải mượn nợ bạn bè, bao nhiêu lần xém chút nữa thì hư… Vấp ngã hay thành công, chị nhớ hết. Cũng bởi vậy nên với con mình, chị bảo bọc. Nghĩ lại, đó là tâm lý của cả một thế hệ, không phải của riêng chị. Những đứa trẻ gen Z bây giờ, ở xứ mình, là tất cả yêu thương, nâng niu của những thế hệ trước đó. Ông bà, cha mẹ chắt chiu, dành dụm, lấy kinh nghiệm máu xương của mình mà chăm con, lo cháu. 

Vì vậy, khi đứa trẻ trong nhà bỗng nhiên muốn tự lập, tự quản, những người lớn cảm thấy như hơi bị… xúc phạm.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Theo kiểu mình chăm nó, mình lo cho nó, nó phụ lòng cha mẹ, nó sướng không biết hưởng, nó không coi trọng công sức chăm lo, không biết đến sự hy sinh của gia đình. Từ đó, gia đình sẽ không mấy tôn trọng quyết định ra riêng của trẻ, thậm chí sẽ cố ép, sẽ ngăn cản… và cho rằng mình đúng, trẻ còn quá khờ dại, gia đình làm tất cả vì muốn tốt cho con mà thôi.

Nhưng thực tế là không thể ngăn cản được. Những đứa trẻ vẫn ra riêng, trốn ra không được thì vùng vẫy thoát ra bằng được, rồi trong lúc vùng vẫy ấy trẻ làm tổn thương, rướm máu những người thân đang cố níu giữ. Trong nhiều gia đình Việt hiện nay, con trẻ 18 tuổi trở lên đã ra khỏi nhà, đi học xa, đi làm xa, ở nhà trọ, sống với người khác… tự do và tự lo. Trong câu chuyện cô ca sĩ trẻ bỏ nhà đi sống với người yêu đồng giới, đông đảo công chúng trẻ bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Các bậc phụ huynh vốn cũng mong muốn con tự lập. Vấn đề còn lại ở đây chỉ là gỡ bỏ mối lo của cha mẹ khi trẻ tự lập, cha mẹ phải chấp nhận cho trẻ tự lập theo cách mà trẻ muốn, và trẻ được chuẩn bị tốt để có thể tự lập tích cực, thành công, hạnh phúc trong cuộc sống riêng.   

Chị nghĩ, chắc cũng như mình, các bậc cha mẹ đang tự mâu thuẫn: muốn con tự quản, tự lập, nhưng đồng thời cũng muốn áp đặt tư duy của mình lên con, muốn con nghe lời cha mẹ; khi con không nghe theo, cha mẹ mặc định con chưa nên người, chưa thể tự lập được. Muốn thoát khỏi vòng lặp này, phía thay đổi đầu tiên phải là cha mẹ thôi.

Cha mẹ sẽ xác lập mục tiêu nuôi dưỡng, giáo dục của mình: dạy dỗ, hình thành trong con trẻ ý thức trách nhiệm với chính mình, để trẻ đến tuổi trưởng thành là có ý thức về bản thân, có khả năng tự lập, cha mẹ không quá lo lắng về việc mình buông tay ra trẻ vấp ngã, hư hỏng. 

Tư duy tự lập cần được định hình từ sớm, không chỉ là chuyện tự ăn, tự học, mà còn trong việc tôn trọng các quyết định của con. Vào tuổi dậy thì, khi con hình thành quan điểm và cá tính độc lập, cha mẹ cần giúp con có nhận thức rõ ràng hơn về bản thân chứ không mãi bảo bọc, nghĩ thay làm thay nữa.  

Các điều kiện xã hội cũng là vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Xã hội mình vẫn theo truyền thống tam tứ đại đồng đường, thực sự, những điều kiện để một cá nhân non trẻ được tự lập và trưởng thành vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Chị nghĩ có lẽ vì vậy nên để cha mẹ yên lòng, độ tuổi cho con tách khỏi gia đình, tự lập, tự quản ở mình có thể muộn hơn một chút. Thay vì ở các nước phương Tây, 18 tuổi trẻ có quyền sống riêng; ở xứ mình, tuổi đó có thể là 20, 21 hay trễ hơn chút nữa. Sao cho quyết định “ra riêng” không xảy ra đồng thời với tuổi dậy thì. 

Trẻ nên tập lái chiếc xe cuộc đời mình, khúc cua tuổi dậy thì quá gắt, người cầm lái thiếu kinh nghiệm, lại đang trong tâm trạng ẩm ương và khó tự chủ, khó nhận thức, dễ làm lật xe. Hãy để trẻ qua khỏi giai đoạn khó khăn ấy, sở hữu kỹ năng sinh tồn tương đối tốt trước khi quyết định sống riêng. Trẻ sẽ dễ chấp nhận tập lái cùng với phụ huynh nếu trẻ biết rằng ở đoạn đường sắp tới, rất gần đây thôi, mình sẽ tự cầm lái đời mình. 

Có những trải nghiệm thực tế đớn đau nhưng con người phải trải nghiệm thì mới trưởng thành lên được. Việc sống cùng cha mẹ hay tự do sống một mình theo kiểu mình thích là do trẻ và gia đình cùng quyết định.

Nếu có một định khung mang tính xã hội, khung ấy nên đủ rộng để các lựa chọn đều được tôn trọng như nhau, bởi sẽ đến một đoạn đời mà những đứa trẻ nổi loạn ngày xưa ấy nhận ra: được sống cùng cha mẹ cũng là một hạnh phúc không dễ có. 

Hoàng Mai

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI