Hành trình yêu thương của 'ông bồ'

13/04/2015 - 06:44

PNO - PN - “Hai con không gọi tôi là bố, mà gọi là… bồ. Mỗi khi vui, chúng xoa đầu tôi, mỗi khi buồn, chúng gác chân lên chân tôi và thở dài, lúc nào chúng cũng có thể gọi “bồ ơi!”. Các con chưa bao giờ đánh giá, chấm điểm tôi nhưng nếu phải nói ra, tôi tin rằng chúng sẽ nói “ông bồ” của chúng là số một” - thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng (chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình của Công ty TNHH Quà Của Bố, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ hạnh phúc. Niềm vui sướng, tự hào nhất của anh không phải ở những thành công trong lĩnh vực đào tạo, không phải ở quyển sách Quà của bố anh viết được tái bản nhiều lần, được lưu trữ cả trong hệ thống thư viện của Mỹ… mà ở vai trò làm bố.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hanh trinh yeu thuong cua 'ong bo'

Chơi đùa cùng trẻ thơ là niềm vui bất tận của ThS Trần Đình Dũng

* Phóng viên: Từ những trải nghiệm của mình, anh có tự tin rằng mình có thể chia sẻ với con mọi điều, kể cả khi con ở tuổi dậy thì - lứa tuổi có xu hướng “câm như hến” trước cha mẹ?

- ThS Trần Đình Dũng: Ngay cả khi tôi không tự tin thì tôi cũng phải để cho con thấy rằng tôi tự tin, bởi vì tôi là bạn, là chỗ dựa của chúng. Khi con hỏi tôi có nghĩa là con cần đến tôi, và sẽ thất bại hoàn toàn khi tôi khước từ, đồng nghĩa là nhượng quyền cho ai khác. Những điều tôi chưa biết thì cha con sẽ cùng tìm hiểu để đồng hành với nhau.

Thực ra, tôi không làm bố từ trải nghiệm của mình, mà tôi đang học làm bố.

* Anh nghĩ mình là “số một” trong lòng các con? Có phải với con, anh chưa bao giờ lầm lỗi?

- Tôi luôn có lỗi lầm và áy náy mãi. Tôi từng đánh con vì tôi nóng, chứ không phải vì con hư. Tôi đánh con bởi tôi cầu toàn, tôi quên rằng con chỉ là đứa trẻ; bởi vì tôi thương tôi chứ không phải thương con; bởi tức tối, thấy những công sức mình đầu tư cho con không được như ý. Nhờ học làm bố, tôi dần nhận ra và bắt đầu kiên trì phân tích, khuyên bảo để con đừng sai nữa, chứ không phải đánh để con đừng sai. Đánh con sẽ làm cho con xa mình, vô hình trung kích chúng biết cách đối phó, phòng thủ chứ không thay đổi và phát triển. Đánh đập không bao giờ là phương pháp.

Người cha nào cũng có những lầm lỗi với con. Vấn đề là sau những lầm lỗi đó, người cha có hối hận, có xin lỗi, công nhận và quyết tâm sửa chữa không. Điều đó đòi hỏi một nội lực rất lớn. Chắc chắn các ông bố đều đang học làm bố để yêu thương con mình đúng cách, nhưng trong quá trình học, thế nào cũng có lúc vụng về, sai sót. Khi đó, có người dùng quyền làm bố để lướt qua; có người dừng lại, để con giúp mình sửa sai. Ai khôn ngoan hơn?

* Theo anh, con cái không nhìn ra lỗi của bố hay chúng cho rằng bố vất vả nuôi mình nên bố có quyền làm điều này, điều kia?

- Trẻ thường không biết lỗi của người lớn, nhưng khi biết rồi là sẽ hết thân. Trẻ con rất bao dung, vị tha, dễ quên nên luôn cho người lớn những đặc ân. Đến một ngày, chúng không còn bao dung, vị tha, hoặc không quên… là đã thành người lớn. Những suy nghĩ tiêu cực nhen nhóm và tích tụ lâu ngày ở trẻ dễ dẫn đến hành vi tiêu cực: phản kháng, tách ra khỏi gia đình.

* Người lớn, đặc biệt là người bố, nếu thân con quá sẽ khiến con “lờn”, không sợ nữa, lúc đó liệu việc quản con có khó khăn hơn?

- Không chỉ bố - con mà trong bất kỳ mối quan hệ nào, thân thiết cũng đều là chất keo kết dính, duy trì. Bạn nhắc đến “sợ”, chữ này nên hiểu theo nghĩa nào? Sợ trước một phụ huynh luôn la mắng, dùng roi vọt, sợ trước bạo lực bạo quyền hay sợ trong sự kính nể, trong sự bao dung, bảo bọc? Tại sao bố chỉ vì sợ… “con không sợ” mà chẳng thèm vui với con, gần con? Tại sao bố không là cây cao bóng cả, là nguồn tri thức, là chỗ nương tựa, là nơi có thể chạm vào? Với con, tại sao không là sợ bố buồn, bố bệnh, bố chết mà lại là sợ hãi trước một hung thần trong nhà để rồi nói sai, đi sai, cũng phải đòn?

Cứng rắn, nghiêm khắc là cần thiết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với trừng phạt con. Và chắc chắn, “gieo” sự hung bạo, bố sẽ “gặt” sự xa cách; “gieo” sự dịu dàng, bố sẽ “gặt” sự chăm sóc…

* Thời hiện đại, công việc cuốn người ta đi, mỗi ngày dường như không còn đủ 24 giờ nữa. Chuyên gia Trần Đình Dũng - ông bố Trần Đình Dũng đã giải “bài toán thời gian” như thế nào?

- Không có công thức cụ thể đối với thời gian bố dành cho con, tùy số con trong gia đình, tùy độ tuổi của con… Tôi từng dành mỗi ngày ít nhất một tiếng đồng hồ chơi với con; giờ các con đã lớn, tôi tôn trọng thời gian và không gian riêng của con với bạn bè, với đam mê của chúng.

Đứng ở góc độ người làm công tác giáo dục gia đình, tôi khuyên các ông bố bớt nhậu, cà phê, xem đá banh… Có những ông bố trí nhớ rất “khủng”, có thể đọc vanh vách tên nhiều cầu thủ thế giới, thuộc chiều cao - cân nặng của họ, biết họ bồ bịch thế nào, được sang nhượng giá bao nhiêu, nhưng hỏi về con mình thì chịu! Sự bất hạnh của đứa con là từ đó.

Nếu ông bố không thay đổi, đứa con lớn lên sẽ có thể yêu thương bố, nhưng bố chắc chắn không phải là nơi để chúng dựa vào. Giáo dục con, tạo dựng tình yêu thương tựa như “bỏ ống” - mỗi ngày một tí, không được gián đoạn, có khi rất lâu mới thấy kết quả.

Không ít ông bố đưa ra những nguyên tắc, nguyên lý cao xa, bao quát khi đứa con chưa đủ độ lớn, độ chín, độ sâu để chuyển những nguyên lý đó thành hành động cụ thể. Vì thế, đứa con dù cảm nhận được bố thương yêu mình, nhưng lại không nhận được tình thương yêu đó thông qua đời sống hằng ngày. Bố nên thể hiện tình thương cho con cảm thụ được qua các giác quan, như bố cắt móng tay, chải tóc cho con, ngọt ngào hát ru, trìu mến gọi tên con…

Nghe chuyện làm bố, chuyện yêu thương con, nhiều người xua tay: “biết rồi, cần gì học”, nhưng hỏi “bảy giờ tối qua, anh đã làm gì cho con để con biết rằng anh thương chúng; sinh nhật 11 tuổi của con, anh đã làm gì để khi trở thành một người già 71 tuổi, con vẫn nhớ…”, nhiều ông bố không trả lời được. Đã có quá nhiều lời hay ý đẹp, giờ đã đến lúc chúng ta cùng hành động. Có thể chưa hay, có thể chưa hoàn hảo, nhưng chắc chắn sẽ đem lại kết quả.

* Anh có xây dựng “chuẩn đàn ông đích thực” cho con trai không, nhất là trong biểu lộ cảm xúc?

- Đàn ông có phải là cái máy hay khúc gỗ không? Không phải. Với những đoạn phim cảm động, trái tim tôi vẫn tan chảy, tôi vẫn khóc. Tôi khóc với con tôi là chuyện bình thường, khóc lúc buồn, lúc thất bại, lúc khuyên bảo hoài mà con không nghe… Khóc với con không phải vì tôi nhu nhược, mềm yếu, mà thể hiện với con rằng tôi đang buồn, có cảm giác bất lực, và trên hết là vì tôi thương con, muốn con tốt hơn.

Chúng ta không nên có những định kiến sai lầm, gò ép: đàn ông phải thế này, phụ nữ phải thế nọ. Muốn con vui, sống thật với cảm xúc, trung thực với lòng, sống tử tế thì sao mình phải đóng kịch với con, để rồi khi con đóng kịch ngược lại thì đánh đòn?

Những gì tôi đang dành cho con là mong mỏi của tôi ngày nhỏ. Làm bố là thiên chức, là niềm vui, là hạnh phúc, là trách nhiệm, bổn phận, là một dạng "nghề nghiệp" mà mình phải làm cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt. Tôi không có ý định xây dựng hình ảnh người bố với con, mà tôi hiện thực hóa những gì là tình yêu thương.

* Cảm ơn ThS Trần Đình Dũng!

 TÔ DIỆU HIỀN thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI