LTS: Trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ không chỉ đóng vai trò là người vợ, người mẹ mà còn là những cá nhân độc lập, có ước mơ và khát vọng riêng. Để làm chủ cuộc sống, việc chị em đầu tư nâng cấp bản thân là vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là việc chăm sóc vẻ ngoài mà còn là quá trình trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, sức mạnh nội tâm để đương đầu với khó khăn, tìm thấy hạnh phúc.
“Người ta thường nói phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, nhưng tôi lại nghĩ phụ nữ hơn nhau ở việc có biết “nâng cấp” mình hay không” - chị Phạm Thị Kim Liên - 36 tuổi, quận Bình Tân, TPHCM - bày tỏ quan điểm. Chị là điển hình của mẫu phụ nữ dù trải qua biến cố vẫn luôn trụ vững và là chính mình.
Từ cô phục vụ "biến hình" thành nhân viên kinh doanh
Tốt nghiệp trung cấp kế toán, Liên vào làm thu ngân cho căn tin một công ty. Bỗng một ngày, mọi người ngạc nhiên khi thấy chị xin làm nhân viên phục vụ, làm việc theo ca chính tại căn tin đó, để có thời gian đi học buổi tối.
Nói về quyết định này, chị Liên chia sẻ: “Muốn có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thì chỉ có con đường học tập. Tôi đăng ký lớp đại học tại chức buổi tối ở Trường đại học Sài Gòn”. Vừa học vừa làm nên chị cũng gặp không ít khó khăn. “Có lần không đổi được ca, vừa học quân sự xong là sát giờ vào ca làm. Tôi tức tốc chạy về công ty, trên người vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục khi học giáo dục quốc phòng màu xanh lá. Vừa vào đến công ty, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên” - chị Liên nhớ lại.
 |
Lớp học thiền miễn phí thu hút chị em phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề - Ảnh: Nhã Chân |
Có những hôm công ty có tiệc, căn tin nhiều việc, chị phải tăng ca và đành xin nghỉ học. Để bù lại kiến thức đã bỏ lỡ, chị Liên mượn tập của bạn chép lại. Cuối tuần, khi đồng nghiệp được nghỉ ngơi thì chị Liên vùi đầu học bài, hệ thống lại kiến thức.
Sau 3 năm nỗ lực, chị Liên lấy được bằng đại học. Khi chị đủ tiêu chuẩn để trở thành nhân viên chính thức thì bộ phận mà chị xin vào làm lại chuyển chi nhánh về TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Không bỏ cuộc, chị khăn gói đi Đồng Nai nhận việc.
Niềm vui có công việc tốt chưa vơi thì chị nhận tin mẹ bị ung thư. Thời gian đó, chị phải đi đi về về giữa Đồng Nai và TPHCM để chăm sóc mẹ. Dù vất vả, chị vẫn luôn là nhân viên gương mẫu. Rồi mọi nỗ lực cũng được đền đáp khi cuối cùng chị Liên được điều về TPHCM làm nhân viên kinh doanh. Ông trời như muốn tiếp tục thử thách chị: chị lấy chồng, sinh con rồi ly hôn.
Hiện tại, dù cực nhọc nuôi con một mình, chị Liên luôn tự chủ tài chính, không bao giờ bỏ rơi bản thân, chơi thể thao để giữ vóc dáng, ăn uống điều độ, giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ với mọi người xung quanh.
"Tái sinh" mạnh mẽ
“Tôi đã từng nghĩ đời mình thế là xong” - chị N.T.T. - 35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM - bắt đầu câu chuyện của mình bằng cái mím môi thật chặt. Chị là nạn nhân của bạo hành gia đình nhưng luôn nghĩ “tại mình chưa tốt, tại mình có lỗi nên mới bị chồng đối xử tệ” và luôn chịu đựng.
Ở nhà nội trợ, chị T. bị chồng và nhà chồng gán cho cái mác ăn bám. Con hư, con bệnh, chồng đều đổ tại vợ. Bao lần chị xin đi làm nhưng chồng không cho. Anh không thích vợ ra ngoài đi làm, cười nói với nhiều người đàn ông khác.
“Chồng thường xuyên đập phá đồ đạc hoặc nửa đêm cầm dao rạch nát sô pha. Sau 5 năm ở nhà nội trợ, tôi ngày càng mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, luôn lo âu, sợ hãi… Chỉ cần chồng nhìn với ánh mắt giận dữ là tay chân tôi đông cứng, không thể nhúc nhích. Tôi đọc sách, nhưng đọc vừa xong cũng không nhớ mình đã đọc gì. Tôi nghi ngờ bản thân, tôi nghĩ mình vô dụng, dù tôi từng là một kiến trúc sư giỏi” - chị T. kể.
 |
Dù nuôi con một mình, chị Kim Liên rất biết cách yêu thương bản thân, tích cực tham gia thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau dịch COVID-19, cuối năm 2021, chị T. quyết định “vùng lên”. Chị tìm đến các tổ chức hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành, tham gia nhiều khóa học về tư duy tích cực, học yoga… Chị trải lòng: “Tôi quyết định đi làm lại, rồi tôi mở một xưởng dạy làm gốm cho trẻ em. Tương lai, tôi sẽ mở lớp yoga như một nơi trị liệu tinh thần và sinh hoạt cho chị em. Được là chính mình, tôi như được tái sinh lần nữa. Khi mình mạnh mẽ, mọi người xung quanh dường như cũng tôn trọng mình hơn. Đó cũng là lúc chồng không còn bạo hành tôi”.
Còn chị Hiền Thảo - ở quận 3, TPHCM - từng sống trong dằn vặt vì sự ra đi tức tưởi của mẹ. Mẹ chị có gần 20 năm sống trong cảnh bị ba chị bạo hành thể xác lẫn tinh thần. Khi chị Thảo vừa vào đại học, mẹ tự tử. Chứng kiến sự ra đi tức tưởi của mẹ, chị Thảo tâm niệm: làm phụ nữ phải độc lập, tự chủ cuộc đời mình. Vì vậy, chị không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức.
Chị tâm sự: “Với phụ nữ, đầu tư sinh lợi tốt nhất chính là đầu tư vào bản thân. Hôn nhân của tôi từng ở bên bờ vực, công việc cũng không suôn sẻ. Nhưng nhờ lối nghĩ tích cực và những kiến thức tự trang bị, tôi không gục ngã, khéo léo lèo lái gia đình vượt qua biến cố. Giờ đây, công việc lẫn gia đình tôi đều đã ổn định hơn”.
Chị Thảo đúc kết: “Đầu tư vào bản thân không phải là một hành động nhất thời mà là một hành trình dài của sự khám phá và trưởng thành. Khi chị em hiểu rõ giá trị của bản thân và sống lạc quan, tình yêu sẽ tự nảy nở”.
Thùy Dương - Nhã Chân