“Cuộc chiến” giành con khi ly hôn: Khó như... thi hành án quyền nuôi con

13/04/2021 - 11:21

PNO - Dù thế nào, bản án phải được thực thi nhằm thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, và trên hết là bảo đảm quyền lợi, sức khỏe tinh thần của con trẻ. Nhưng thực tế, sau các phiên tòa tranh chấp quyền nuôi con, việc thi hành án thường nhiêu khê, phức tạp nếu một bên làm khó không tự nguyện giao con.

LTS: Ly hôn, là một thất bại hết sức nặng nề và cay đắng trong hôn nhân. Sau ly hôn, người ta sẽ rơi vào cảm giác hụt hẫng, bị buông bỏ nên rất ít người duy trì được sự tử tế trong cách cư xử với nhau, cũng như ý thức thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với con cái. Sự oán hận khiến họ luôn nuôi dưỡng ước muốn trả thù. Những đứa trẻ lúc này sẽ bị đem ra làm vũ khí đắc lực cho suy nghĩ mù quáng và ích kỷ ấy của cha mẹ. Thay vì được bù đắp cho những thiệt thòi không đáng phải gánh chịu, những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn đau đớn bước vào cuộc chiến không hồi kết của đấng sinh thành: cuộc chiến giành con đẫm nước mắt! 

Bài 1: Những đứa trẻ bơ vơ trong hồi kết của hôn nhân

Bài 2: Những cuộc tranh giành bất tận

Bài 3: Nỗi ân hận muộn màng của người trong cuộc

Được quyền nuôi con nhưng vẫn không được gặp con

Quyết định phúc thẩm giao quyền nuôi con cho ca sĩ M.T. (Nguyễn Thị M.T., trú quận Bình Thạnh, TPHCM) của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương có hiệu lực từ ngày 25/11/2020. Đồng thời, hai tuần sau, quyết định thi hành án theo yêu cầu cũng được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Vậy mà mãi đến ngày 9/4 vừa qua, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Dĩ An mới lần đầu tiến hành buổi vận động tự nguyện thi hành án (!).

Tuy nhiên, buổi làm việc diễn ra tại nhà chồng cũ chỉ khiến cô ca sĩ trẻ thêm thất vọng. Người phải giao con là ông N.P.Q. (trú khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) không có mặt tại nơi ở. Và theo người giúp việc, ông bà nội đưa đứa bé về quê chơi (?).

Ca sĩ M.T. trong một lần đến mong được thấy mặt con tại nhà ông N.P.Q. (khu phố Tân Hòa, P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) Ảnh: Quốc Ngọc
Ca sĩ M.T. trong một lần đến mong được thấy mặt con tại nhà ông N.P.Q. (khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) - Ảnh: Quốc Ngọc

Vậy là sau gần năm tháng ròng rã gõ cửa nhiều nơi “cầu xin” pháp luật được thực thi, M.T. vẫn không được gặp con gái chưa đầy 17 tháng tuổi của mình.

“Tôi không hiểu vì sao họ lại chậm thi hành bản án. Khi các bên được triệu tập đến giải quyết việc thi hành án, tôi luôn tham dự đầy đủ, còn Q. đều vắng mặt. Tôi cùng chấp hành viên đến nhà ông ta tìm con nhưng không được. Lần vận động chính thức mới đây, Q. không có nhà, con tôi cũng bị đưa đi nơi khác. Rõ ràng ông ta đã không tuân thủ quy trình thi hành án”, ca sĩ M.T. hoang mang.

Chấp hành viên Phạm Văn Bình cho đây là “trường hợp khó”, chờ chỉ đạo của cấp trên. Việc thi hành án có thể bị hoãn vì cha đứa bé khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn tại TAND quận Bình Thạnh, TPHCM (?). 

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc mở một vụ kiện mới hòng hoãn thi hành quyết định phúc thẩm là trái quy định pháp luật.

“Cơ quan thi hành án phải thừa hiểu điều này. Việc thi hành quyết định phúc thẩm đã có hiệu lực, không thể bị trì hoãn với lý do người phải giao trẻ đã khởi kiện một vụ án mới với yêu cầu thay đổi quyền nuôi con ở bất cứ tòa án sơ thẩm nào. Đây không phải là căn cứ pháp lý cho việc hoãn chấp hành bản án đã có hiệu lực thi hành”, ông Linh nói.

Về chuyện “khó”, theo luật sư, mọi quy định rất chặt chẽ, rõ ràng, không có gì “khó” cả! Cụ thể, người phải giao con là ông Q. chỉ được tự nguyện thi hành trong 10 ngày. Sau thời gian đó, chấp hành viên được phân công phải tiếp xúc người thi hành án để xác định các điều kiện cho việc thi hành.

Ông Linh cho biết: “Nếu không có căn cứ pháp luật về việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành mà người phải thi hành án không tự nguyện, cơ quan thi hành án phải phối hợp ngay với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội để vận động, thuyết phục họ thi hành án tự nguyện”.

Theo xác minh của chúng tôi, hiện các cơ quan, đoàn thể địa phương như UBND, chi hội phụ nữ, nhân viên phụ trách lao động - thương binh - xã hội của phường Đông Hòa đều biết sự việc và cũng đã vận động, nhưng không kết quả.

Như vậy, luật sư khẳng định, cơ quan thi hành án phải ra quyết định phạt hành chính đối với người đang nuôi giữ trẻ và ấn định thời gian năm ngày phải bàn giao con cho cô M.T. Sau thời hạn này, họ phải ra quyết định và phương án cưỡng chế, thông báo cho địa phương để phối hợp và thực hiện cưỡng chế giao con.

Song song đó, cơ quan thi hành án có thể làm việc liên ngành, đề nghị cơ quan thẩm quyền khởi tố hình sự về tội không chấp hành bản án nếu có đầy đủ căn cứ. “Toàn bộ thời gian từ khi ban hành và thông báo quyết định thi hành án, thời gian chờ tự nguyện thi hành, ra quyết định, thông báo và thực hiện việc cưỡng chế đã được Luật Thi hành án quy định rõ không quá 31 ngày làm việc”, ông Linh nói.

Thực thi pháp luật là bảo đảm quyền lợi của trẻ

Theo ông Diệp Văn Sơn - nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội Vụ tại TPHCM, thực tiễn áp dụng các quy định về thi hành án dân sự trong việc giao trẻ chưa thành niên cho người có quyền nuôi dưỡng hợp pháp theo bản án, quyết định của tòa, tức điều 120 Luật Thi hành án, những năm qua có nơi chưa làm tốt.

Trong nhiều vụ án ly hôn, việc thi hành án quyền nuôi con thường phức tạp do một bên cố tình gây khó khăn - ảnh minh họa
Trong nhiều vụ án ly hôn, việc thi hành án quyền nuôi con thường phức tạp do một bên cố tình gây khó khăn (Ảnh minh họa)

Ông cho biết: “Đúng là luật không thiếu những quy định, những công cụ cho từng giai đoạn. Từ mềm dẻo đến cứng rắn như tự nguyện thi hành, vận động tự nguyện, phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp cưỡng chế giao người, hay chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Nhưng nhiều nơi, chấp hành viên còn ngại khó, chưa thật sự quyết liệt. Người chấp hành án còn chây ì, xem thường pháp luật, thậm chí bất chấp việc có thể bị kết án về tội không chấp hành án theo điều 380 Bộ luật Hình sự”. 

Về phía các cơ quan giám sát, phối hợp như viện kiểm sát, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội… theo ông Sơn, đâu đó vẫn còn ít nhận thấy trách nhiệm nên chưa tham gia tích cực, chưa phát huy vai trò phối hợp. Thực tế, nhiều vụ việc có phát sinh song song cả quan hệ pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em, chống bạo hành, bạo lực gia đình… thì rất cần các cơ quan, tổ chức liên quan góp phần hỗ trợ thực thi pháp luật triệt để.

“Cũng phải kể đến ý thức người dân, cộng đồng còn chưa hiểu đúng, chưa đầy đủ, vô tình tiếp tay cho việc trốn tránh, không chấp hành bản án. Ông bà, họ hàng, hàng xóm, nhà trường nếu giúp sức trong việc che giấu, nuôi giữ trẻ trong các trường hợp này có thể là đồng phạm trong tội không chấp hành án, hoặc tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo điều 153 Bộ luật Hình sự”, ông Sơn phân tích.

Có dịp tiếp xúc với người làm công tác thi hành án, chúng ta thường nghe những than thở về quá trình xác minh, vận động, xử phạt và cưỡng chế việc giao con giữa các bên, do liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền trẻ em.

“Ngoài việc phải tuân thủ từng bước đúng thủ tục, hiện áp dụng các quy định pháp luật cũng còn nhiều trăn trở. Đối với các phán quyết về tranh chấp tài sản còn dễ, chứ biện pháp cưỡng chế giao con là một trong những việc khó nhất của hệ thống thi hành án. Chúng tôi luôn thiên về biện pháp vận động, thuyết phục, sao cho việc này được diễn ra êm thắm, hạn chế tối đa việc làm ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý của trẻ”, một chấp hành viên cho hay.

Một vị khác “nói vui” rằng, thi hành án quyền nuôi con luôn phải tùy cơ ứng biến. Nhiều vụ vận động được, có vụ phải “canh me” nhờ công an vào cuộc mới làm được. 

Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TPHCM), điều quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền thực thi, hòng bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ông cho biết: “Pháp luật quy định nếu không tự nguyện thi hành án, thì cơ quan thi hành án có quyền cưỡng chế. Nhiệm vụ chính thuộc về chấp hành viên được phân công giải quyết. Người này phải kịp thời tổ chức thi hành vụ việc, ra các quyết định thi hành theo thẩm quyền, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Ngoài ra, chấp hành viên có trách nhiệm phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ của người phải thi hành án, hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý, trong trường hợp người phải thi hành án đem con bỏ trốn”.

Luật sư Lễ cho rằng, chấp hành viên không thể nói vì điều kiện khó khăn mà chậm trễ hoặc cố tình trì hoãn thời gian thi hành án, đặc biệt là việc thi hành án giao con. Bởi đối tượng thi hành án ở đây là con người. Kéo dài càng lâu thì càng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ, hậu quả càng to lớn nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Cũng cần lưu ý, bên cạnh quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án, người được thi hành án có quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. 

Ngày 31/5/2019, TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên án phúc thẩm xử phạt bị cáo Phương Văn H. sáu tháng tù treo vì tội không chấp hành việc giao con chung cho chị Trần Thị N. trực tiếp nuôi dưỡng. Trước đó, H. chỉ đồng ý giao con cho vợ cũ với điều kiện chị N. phải trả 1 triệu đồng/ngày là tiền công chăm sóc con cho mẹ mình.

Hội đồng xét xử nhận định yêu cầu của bị cáo là vô lý, không có căn cứ để chấp nhận, và đó là thủ đoạn để bị cáo không chấp hành án, đồng thời, thấy rằng hành vi của H. gây ra là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan có trách nhiệm thi hành án và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Hội đồng xét xử cũng cho rằng hành vi của bị cáo xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Hành vi phạm tội của bị cáo cần phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc Ngọc

(Còn nữa)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI