Gian bếp cũ trong ngôi nhà tự

22/01/2019 - 14:00

PNO - Tết nhất, khách khứa đến nhà cứ trầm trồ lối thiết kế tối giản nhưng hiện đại của nhà tôi. Nhưng ai cũng khựng lại khó hiểu khi lướt mắt qua gian bếp nhỏ xíu, cũ kỹ, nép mình trong góc nhà.

Dẫu trông nó khá lạc quẻ so với kiến trúc tổng thể, nhưng gia đình tôi vẫn muốn giữ lại, để có cảm giác bà ngoại vẫn đang ở đây, bên con cháu, sáng tối cặm cụi nấu nướng...

Ngoại tôi không như những người bà khác: không tóc búi trắng xóa, không nụ cười bà tiên hiền lành hay chăm chỉ may vá, đan áo… Ngoại vốn là dân buôn bán, từ Huế xuôi vào Nam, rồi dừng chân tại thành phố biển dọc duyên hải Nam trung bộ. Một tay bà nuôi ba, bốn người em khôn lớn. Lao động quanh năm suốt tháng từ thanh xuân cho đến tuổi trung niên, cả khi về già, bàn tay ngoại vẫn không lúc nào ngơi nghỉ. Nơi ngoại lui tới nhiều nhất là gian bếp.

Gian bep cu trong ngoi nha tu
Căn bếp nhỏ gợi nhớ gian bếp cũ của ngoại (Ảnh minh hoạ)

Người ta nói món Huế cầu kỳ, chỉ muối thôi cũng đã trăm loại. Nhưng tôi lại chẳng thấy điều đó ở mâm cơm của ngoại. Bà không bày chén đũa gọn ghẽ trên mâm đúng kiểu cách xứ kinh kỳ, mà cứ bày thẳng ra đất, đúng chất dân miền biển. Những món ngoại nấu đúng nghĩa “chặt to kho mặn”, hương vị cũng chẳng ổn định, nay ngọt nhiều, mai lại quá đậm vị. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn thấy chúng ngon lạ thường. Vì tất cả điều đó được làm ra từ một phụ nữ Huế tất tả ngược xuôi nuôi người chồng tính nghệ sĩ, hai đứa con thơ và bầy em học hành đến nơi đến chốn. 

Ngoại tôi khác bao người bà trên thế gian này không chỉ chừng ấy. Ngoại nóng tính, thiếu kiên nhẫn lắm. Gọi con cháu một, hai tiếng mà không đứa nào chạy lại thì kiểu gì cũng bị ăn đòn. Ngoại  không biết ôm tôi vào lòng kể chuyện cổ tích. Ngoại không xoa đầu tôi cười hiền như bà người ta. Ngoại không ôm tôi nằm trên võng đu đưa những buổi trưa hè. Có những hôm tôi hối hả dắt xe vì sắp trễ học, ngoại gọi giật ngược chỉ để gửi mua cho bà vài ngàn trầu cau.

Nhưng mà…

Tóc ngoại ngắn, thỉnh thoảng lại ngồi chải đầu bằng cây lược nhỏ của người Huế. Hồi tôi còn nhỏ, ngoại hay kéo tôi lại và chải luôn tay, muốn tróc cả đầu. “Tao chải coi có chấy (chí) không” - ngoại nói. Rồi chiều chiều, ngoại hay mua quà bánh cho tôi, mặc dù tôi chẳng ăn được món nào. Ngoại không kể chuyện cổ tích, nhưng  câu chuyện ma trong những đêm cúp điện là sự thử thách thần kinh thú vị mà chị em tôi luôn mê mẩn. Những lúc tôi bệnh hay đau nhức, ngoại cầm chai dầu nóng và gọi: “Nhí, qua tao bóp chân, cạo gió, xoa bụng cho”.

Gian bep cu trong ngoi nha tu
Ngoại hay kéo tôi lại và chải luôn tay, muốn tróc cả đầu... (Ảnh minh hoạ)

Ngoại vẫn hay gọi giật ngược những lúc tôi hối hả lên xe, như cái lần tôi đang quýnh quáng ngồi sau xe ba chở ra ga tàu vào Sài Gòn, chỉ để dúi vào tay tôi số tiền ít ỏi ngoại dành dụm được từ trợ cấp người cao tuổi hằng tháng...

Ngoại tôi không phải là người bà hoàn hảo, nhưng đến khi không còn bà trên đời, tôi mới nhận ra sự không hoàn hảo ấy là phần thiêng liêng làm nên một phần đời mình và nó mãi nằm lại ở đó. Như cái bếp cũ kỹ của bà vẫn ở lại im lìm bên trong ngôi nhà tự, dù không gian xung quanh đã thay đổi ít nhiều. 

Lưu Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI