“Gia quy” về chuyện giận dỗi

20/09/2022 - 11:56

PNO - Mười năm hôn nhân của tôi được bạn bè đánh giá là quá yên ấm, dù ai cũng biết chúng tôi vừa trái ngược tính nết, vừa khắc khẩu. Thế nhưng, trong mọi cuộc “cà phê đột xuất” do người bạn nào đó đang khốn đốn vì hôn nhân, tôi chỉ luôn là khán giả.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Lần gặp nhau mới nhất, cô bạn thân hỏi tôi: “Bạn có khổ tâm gì không Phượng? Bộ bạn với anh Phong không một lần giận nhau hay sao?”.

Giận nhau - chúng tôi giận nhau nhiều không thể kể xiết, vì trái ngược quan điểm từ cách ăn mặc cho đến chuyện công việc, giờ giấc, xã giao. Chỉ riêng việc ăn ngủ đã tréo ngoe, anh luôn ngủ trước 21 giờ còn tôi là “cú đêm” chính hiệu.

Nhưng, từ lúc cưới, chúng tôi đã nghĩ cách ứng phó với chuyện giận. Lúc đó, chồng tôi đùa: “Nếu không có cam kết gì, chắc em chỉ cần cãi anh thôi cũng hết đời. Sau khi tham khảo các bí kíp hôn nhân cả Tây lẫn ta, tôi đã cùng anh viết ra một tờ “gia quy” về chuyện giận”.

Thứ nhất, không được giận khi chưa nói với đối phương về bức xúc của mình. Tức là, hễ không vừa ý về sự việc gì, chúng tôi phải trao đổi với nhau về sự việc đó để tìm hiểu suy nghĩ, động cơ, và khó khăn của nhau. Người này không được đùng đùng giận dỗi mà người kia chẳng hiểu gì.

Cũng có nghĩa là sau khi đã nói chuyện với nhau xong, thì ta… có quyền giận. Tôi đã có vô vàn lần bực bội nhưng vẫn phải mở lời nói chuyện với chồng, phải hỏi anh về nguyên nhân của việc làm (mà theo tôi là) sai trái đó. Bị hỏi, anh đôi lúc cũng không thiện chí nên nổi nóng, và cuộc nói chuyện chẳng đi về đâu. Thế là giận.

Trường hợp này quá phổ biến, nên “gia quy” về chuyện giận của nhà tôi đã có mục số hai: Khi giận vẫn giữ nguyên tắc giao tiếp vợ chồng, không được bất ngờ bỏ đi mà không báo, về nhà đúng giờ, ăn chung, ngủ đúng chỗ, và đảm bảo mọi trách nhiệm trong gia đình.

Vậy là dù tôi giận mấy vẫn nấu cơm, hoặc thông báo với chồng nếu không thể nấu. Còn anh dù bực vợ đến đâu vẫn về ăn cơm rồi dọn dẹp chén bát. “Gia quy” nhà tôi không cho phép bỏ nguội bếp núc để biểu tình vì giận, cũng không chấp nhận việc giận quá rồi bỏ mặc bạn đời mà đi thâu đêm. Hỏi giờ đón con, hỏi về việc chợ búa, nhà cửa… vẫn phải diễn ra vì nhu cầu của những người có trách nhiệm.

Đã bao lần chúng tôi hết giận nhau chỉ sau một tin nhắn “anh có kịp đón con không?”. Tin nhắn ấy gửi đi là vì trách nhiệm, nhưng nó có thể khiến người nhận có thêm thiện chí để dịu giọng trả lời. Hoặc cũng khiến chính người mở lời chợt có thêm một kết nối lành mạnh với đối phương, thay vì chỉ chăm chăm bực dọc vì cái đáng giận trước đó…

Mục thứ ba, là ưu tiên chia sẻ mọi cảm xúc hôn nhân với bạn đời, trước khi đem kể với người khác. Mục này đưa ra là vì từ khi độc thân, tôi đã chứng kiến nhiều cô vợ suốt ngày than phiền với bạn bè hoặc gia đình hai bên về chồng mình, mà ông chồng thì không hề hay biết, hoặc chỉ biết… sơ sơ. Đến khi người vợ mở lời than phiền với chồng, thì sự mệt mỏi đã không thể cứu vãn.

Vì mục ba, chúng tôi có nhiều cuộc hẹn chỉ để nói với nhau về điều mình thấy không ổn. Cuộc hẹn ấy có khi diễn ra ở nhà hàng, một chuyến du lịch, và thường xuyên nhất là ở phòng riêng với một khung giờ nghiêm túc.

Thường, sau khi nói hết với chồng, tôi không còn nhu cầu phải chia sẻ chuyện giận hờn với ai nữa, cơn giận kia cũng trôi qua không tăm tích. Và “chuyện đâu xử đó”, tôi hầu như không phải mang nỗi ấm ức lâu ngày với chồng. Đặc biệt, những lần nói và lắng nghe những lời gan ruột đó càng khiến vợ chồng thân nhau. Hầu như mười năm qua, tôi không phải trải qua giai đoạn mất kết nối dù tính bốc đồng trẻ con vẫn khiến tôi giận chồng như cơm bữa.

Lúc soạn xong bảng “gia quy” về chuyện giận với ba điều ngắn gọn trên, tôi và chồng đều tâm đắc. Chúng tôi còn thống nhất ghi thêm một câu: “Cả Phượng và Phong sẽ thực hiện ba điều này, không có ngoại lệ. Việc không tuân thủ đồng nghĩa với lời tuyên bố đã không còn tôn trọng bạn đời”. Viết xong câu này, cả hai cùng phá lên cười.

Khi ấy, lý trí sáng suốt của chúng tôi thấy đó là những việc nên làm và phải làm để giữ nền nếp gia đình và kết nối vợ chồng. Thế nhưng, khi đã vào cơn giận, mấy ai không thấy việc phải cắm mặt nấu cơm, hay còng lưng dọn chén bát là điều phi lý khi ta đang bực mình đối phương? Khi vào cơn giận, ai mà chẳng muốn đùng đùng bỏ đi, ai mà không ham một đêm đi bụi, hoặc đem tung hê chuyện giận kia với bạn bè, người thân…?

Vậy nên, thật may là tôi đã “cam kết hóa” tất cả những điều trên. Để khi sắp “mất khôn” thì bảng “gia quy” lại ràng mỗi người vào một giới hạn. Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết mâu thuẫn vợ chồng đều xuất phát từ một khía cạnh nhỏ, và thường nó chỉ leo thang, bùng nổ vì cách hành xử của từng người trong cơn giận. 

Vậy, giận dỗi “lên cơn” muốn bỏ chồng cũng khó tránh khỏi. Nhưng hành động vì trách nhiệm là điều mà ai cũng có thể làm nếu có một lời nhắc đủ mạnh mẽ. Và với vợ chồng tôi, lời nhắc chính là bảng “gia quy” kia. 

Như Phượng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI