Gia đình - điểm tựa vững vàng nhất

25/06/2015 - 15:47

PNO - PN - Sáng 25-6, Liên đoàn lao động TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu “Điểm tựa gia đình” lần 6-2015. Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, “Điểm tựa gia đình” giới thiệu và tuyên dương 48 tổ ấm công nhân-viên chức-người lao động tiêu biểu cấp thành phố.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tuy hoàn cảnh khác nhau, với những khó khăn riêng; nhưng điểm chung của 48 gia đình là luôn nỗ lực hướng đến gìn giữ, xây dựng một mái ấm hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, thành đạt…

Đó là câu chuyện của chị Hoàng Thị Thảo (điều dưỡng Bệnh viện 115). Yêu và kết hôn với một người lính đảo, chị hiểu rõ những khó khăn đối mặt: cuộc sống vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ, một mình nuôi dạy con, thay chồng gánh vác bao nghĩa vụ, trách nhiệm thu vén tổ ấm để chồng - anh Hoàng Đức Thịnh (bộ đội Lữ đoàn 125) được yên tâm công tác. Hiểu để yêu chồng hơn và hiểu để trân quý những phút giây đoàn tụ, ngày anh về thăm nhà.

Như bao người vợ, chị Thảo có rất nhiều nỗi niềm cần chia sẻ hay bàn bạc cùng chồng, để được động viên, để được “lắng nghe thôi cũng đủ nhẹ lòng”. Mà rồi những dịp hiếm hoi vợ chồng sum họp “không đủ kể chuyện vui” cho chị một kinh nghiệm, điều gì làm được, hãy một mình cáng đáng, tự giải quyết, xử lý chứ không nên gây phiền muộn cho chồng. “Hậu phương vững chắc, tiền tuyến mới vững vàng”, là phương châm của chị Thảo. Nhờ đó, có vất vả, khó khăn nào trong cuộc sống, chị cũng tự mình xoay sở, vượt qua.

Chung cảnh ngộ, chị Đinh Kim Huệ (Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Q.Gò Vấp) tự hào nói vui: “Lấy chồng bộ đội là làm dâu Cụ Hồ”. Chồng chị Huệ - anh Lê Tấn Kim (công tác ở Phòng Quân huấn Bộ Tư lệnh Quân khu 7) gần như “biền biệt”. Hầu như mỗi thời khắc quan trọng nhất của một gia đình, anh Kim đều vắng mặt: ngày con chào đời, chập chững từng bước đi; ngày đầu con đi học… “Lần nào anh về, con cũng… khóc ré lên hoặc “bỏ chạy”, vì thấy lạ, tưởng người lạ.

Gia dinh - diem tua vung vang nhat

Chị Đinh Kim Huệ

Đến khi con vừa quen, gọi tiếng “ba” không còn… ngượng cũng là lúc anh lại đi. Rồi anh về, con lần nữa đứng nhìn… ngơ ngác” - chia sẻ của chị Huệ khiến nhiều người đưa tay lau mắt. Nay các con của chị đã lên sáu, lên ba; đủ lớn để hiểu rằng người cha ấy đang gánh vác một trọng trách mà Tổ quốc giao cho. Những chuyện kể về chồng, về người lính Cụ Hồ của chị Huệ khiến các con càng yêu quý, tự hào về ba; và biết thấu hiểu sự “đặc biệt” của gia đình mình.

Cũng có nhiều tổ ấm mà “duyên nghèo” thành động lực để vợ chồng thêm gắn bó, yêu thương nhau. Trong ngôi nhà nhỏ bằng tường gạch, mái lợp tôn của vợ chồng anh Nguyễn Hồng Vân - chị Bạch Thị Thu Hương (đều là công nhân, ngụ H.Củ Chi) chỉ có chiếc tủ lạnh và cái máy giặt là quý giá nhất - do mua góp từ hàng trợ cấp của công ty. Thế nhưng, mái ấm nghèo của anh chị chưa bao giờ thiếu tiếng cười và đầy quyết tâm nuôi dạy hai con gái xinh đẹp, học giỏi thành những công dân hữu ích. Không bữa cơm nào anh chị quên nhắc: “Ráng học giỏi, lớn lên đi làm, cống hiến cho đất nước nghe con”…

Hay nếp nhà của chị Nguyễn Thị Tuyết Lan - anh Ngô Quốc Cang (đều là giám thị viên trường học). Tuy đồng lương ít ỏi, công việc lại chiếm nhiều thời gian, tâm sức nhưng vững vàng trong họ một mong ước nuôi dạy con thành tài. Mong ước ấy nay đã thành quả ngọt khi cậu con trai đặt chân vào giảng đường Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; còn cô con gái học lớp 8 không năm nào vuột mất danh hiệu học sinh giỏi của trường.

Gia dinh - diem tua vung vang nhat

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan

Cả nhà gồm bốn thành viên đến bây giờ vẫn ở nhờ nhà ba mẹ, nhưng một mái nhà riêng chưa bao giờ là nỗi bận lòng của vợ chồng chị Lan. Bởi, “sống với ba mẹ cũng một cách tôi dạy con sự gần gũi, gắn kết, biết yêu thương, chăm sóc ông bà” - chị giải thích lý do cậu con trai chọn ngành y, thôi thúc bởi những lần chứng kiến người thân mình đổ bệnh.

Nhiều và rất nhiều câu chuyện riêng nhưng có chung một mục đích: vun vén, gìn giữ nếp gia đình. Cuộc sống hiện đại, bộn bề lo toan và phải đối mặt với rất nhiều thử thách: áp lực kinh tế; làm sao để hạnh phúc, để bận rộn mà vẫn thành người bạn luôn bên con từng bước; để duy trì bữa cơm chung… các gia đình đồng nhất một nguyên tắc: bên nhau không nhiều nhưng có thừa thời gian để nói lời yêu thương, động viên, chia sẻ, lắng nghe nhau; và một ý chí rằng muốn hạnh phúc, chính mỗi thành viên phải biết đặt từng viên gạch hạnh phúc để dựng nên ngôi nhà hạnh phúc.

“Điểm tựa gia đình” kết thúc trong không khí thân tình, ấm ấp với niềm tin lan tỏa và một thông điệp chuyển đi, rằng gia đình - chốn yêu thương ấy sẽ là điểm tựa vững nhất tiếp động lực, hứng khởi; tiếp sức mạnh, thương yêu nâng từng bước chân đời…

TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI