Đừng bắt con phải giỏi như 'con nhà người ta'

28/08/2019 - 17:00

PNO - Nỗi ám ảnh lớn nhất là ba mẹ cứ đem em so sánh với bạn khác. Buồn lắm cô ơi, em cũng muốn là học sinh giỏi chứ, nhưng em đã cố hết sức rồi, em ngu si thì biết làm sao bây giờ?

Một em học sinh lớp 11 gặp tôi than thở:  “Em buồn quá cô ơi! Ngày mai thi toán, em có nguy cơ “liệt” môn này. Nếu muốn trở thành học sinh giỏi thì em phải có điểm 9. Chuyện đó khó như đếm sao trên trời”.

Em là học sinh giỏi văn của tôi, đương nhiên tôi cũng muốn em giỏi toán nữa. Tôi đành nói, em hãy bình tĩnh, khi biết yếu môn nào thì mình sẽ tìm cách khắc chế nó.

Dung bat con phai gioi nhu 'con nha nguoi ta'
Hình minh họa

Em đã cố gắng hết sức rồi, nhưng chẳng thể có kết quả tốt hơn. Ba mẹ không chấp nhận học lực khá. Em chia sẻ rằng, áp lực lớn của em là ba mẹ đều có thành tích học tập rất tốt. “Ba mẹ xấu hổ khi em không giỏi giang, rồi kết tội em đua đòi yêu đương nên mới học hành sa sút. Làm gì có chuyện đó. Nhưng em có nói thế nào ba mẹ cũng không chấp nhận. Nỗi ám ảnh lớn nhất là ba mẹ cứ đem em so sánh với bạn khác. Buồn lắm cô ơi, em cũng muốn là học sinh giỏi chứ, nhưng em đã cố hết sức rồi, em ngu si thì biết làm sao bây giờ?”.

Nghe em tâm sự, tôi có phần giật mình. Tôi nhận ra, các ông bố bà mẹ hay đem con mình so sánh với con người khác. Tôi cũng từng như vậy. Dù tôi đủ sáng suốt để biết mình không xuất chúng, cũng chẳng hy vọng con mình sẽ thành thiên tài, nhưng vẫn có lúc thấy sốt ruột khi con chậm lụt.

Mỗi lần đến cơ quan, nghe đồng nghiệp có con cùng trang lứa tự hào kể về những thành tích của con họ, tôi thấy chạnh lòng. Lỗi là do tôi quá kỳ vọng vào con. Không phải, chính xác là vì tôi sĩ diện, tự ái, thấy thua chị kém em, vậy là về đem con ra so sánh, khiển trách…

Nhưng tôi đã sửa sai. Cũng nhờ một lần đem chuyện con mình yếu kém ra than thở với một người bạn, thì được anh chia sẻ: “Hồi trẻ anh học giỏi, học ít hiểu nhiều, gia đình anh ai cũng có gen thông minh nên học hành đỗ đạt rất cao. Anh rất tự hào về điều này. Anh lại càng tin, con mình sẽ giỏi giang tương tự. “Hổ phụ sinh hổ tử” mà.

Nhưng không. Anh nhận ra rằng, với con, chuyện học hành sao mà cực khổ. Chúng lười biếng, học nhiều hiểu ít, anh đau khổ khi suốt những năm phổ thông, học lực của con cứ làng nhàng ở mức trung bình. Ngày thằng con lớn trượt đại học, anh muốn phát khùng vì không thể chấp nhận sự thật ấy.

Dung bat con phai gioi nhu 'con nha nguoi ta'
Hình minh họa

Con trai anh rất buồn, may mà có mẹ động viên, vỗ về. Sau này, con anh học xong trường nghề, tìm được công việc ổn định. Có lần nó nói với anh rằng: “Con không thông minh để thành đạt như ba kỳ vọng. Nhưng con biết sức của mình. Và con cố gắng để trở thành người tử tế. Ba đừng “bắt” con trở thành “bản sao” của ba, khó lắm!”.

Mong con cái giỏi giang, thành đạt là khát vọng chính đáng của những ông bố, bà mẹ. Nhưng đừng tạo áp lực, ức chế con trẻ khi chúng không được thông minh, giỏi giang như là bạn mong. Nếu không sáng suốt, cha mẹ sẽ vô tình tạo sự khủng hoảng tâm lý ở trẻ. 

Bích Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI