Đức kêu gọi liên minh vắc-xin COVAX làm việc nhiều hơn với các nhà sản xuất

23/11/2020 - 08:43

PNO - Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc giục COVAX, một sáng kiến toàn cầu được thành lập để cung cấp vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo hơn, nên bắt đầu đàm phán ngay với các nhà sản xuất.

Bà Merkel nói với các phóng viên hôm 22/11 sau hội nghị thượng đỉnh G20: "Tôi lo ngại rằng hiện tại không có cuộc đàm phán nào", sau khi các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất cam kết nỗ lực cung cấp thuốc, bộ xét nghiệm, vắc-xin COVID-19 cho thế giới với giá cả phải chăng và công bằng .

Theo bà Merkel, không giống như COVAX, Liên minh châu Âu và Mỹ đã có nhiều tiến bộ trong nỗ lực đảm bảo liều lượng vắc-xin. Bà Merkel nói: “Điều quan trọng nhất là COVAX vẫn đang chật vật đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin tiềm năng bằng số tiền mà họ có”.

Hàng chục quốc gia đã đăng ký kế hoạch vắc xin toàn cầu mang tên COVAX, do Tổ chức Y tế Thế giới và nhóm vắc xin GAVI thiết lập để cung cấp liều vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Cho đến nay, tổ chức đã huy động được 5 tỷ USD, bao gồm hơn 500 triệu euro (600 triệu đô la) từ Đức.

Việc vận chuyển và bảo quản lạnh vắc-xin cũng là một khó khăn cho các quốc gia nghèo hơn.
Việc vận chuyển và bảo quản lạnh vắc-xin cũng là một khó khăn cho các quốc gia nghèo hơn

Hiện thế giới đang lạc quan kết quả hiệu quả thử nghiệm sơ bộ giai đoạn III của vắc-xin do Pfizer và BioNTech sản xuất chống, nhưng niềm vui đó đã bị kiềm hãm bởi những lo ngại về khả năng chi trả và khả năng tiếp cận vắc-xin.

Hiện có 10 ứng cử viên vắc-xin COVID-19 đang trong giai đoạn III - thử nghiệm lâm sàng. Nhưng trong danh sách đó, rất ít tham gia vào các thỏa thuận cung cấp một phần vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn và trung bình thông qua COVAX.

Riêng GlaxoSmithKline và Sanofi – hai hãng dược hẩm có vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng - đã ký một tuyên bố về ý định cung cấp 200 triệu liều vắc-xin cho Cơ sở COVAX vào cuối tháng Mười.

Ngược lại, Pfizer và BioNTech chưa công bố bất kỳ thỏa thuận chính thức nào với COVAX cho đến nay. Thay vào đó, Pfizer và BioNTech thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Ủy ban châu Âu để cung cấp 200 triệu liều vắc-xin chống lại SARS-CoV-2 cho các Quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), với khả năng bổ sung thêm 100 triệu liều nếu cần thiết.

Việc giao hàng dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào cuối năm 2020, tùy thuộc vào thành công lâm sàng và sự cho phép của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, vào ngày 20/11, Pfizer và đối tác BioNTech của Đức đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin COVID-19 của họ lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Giấy phép sử dụng khẩn cấp có thể được xử lý nhanh hơn nhiều so với Đơn xin cấp phép thông thường.

Tấn Vĩ (theo Reuters, Devex, USA Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI