“Cuộc đua” vắc-xin COVID-19 và những cái nhìn về tương lai

19/11/2020 - 06:00

PNO - Đại dịch COVID-19 vẫn trầm trọng, nhưng những thông tin về vắc-xin tiếp tục mang lại hy vọng cho một thế giới đang bị tàn phá cả thể chất lẫn tinh thần.

 
Hồ sơ của vắc-xin COVID-19 Moderna được lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ ở Florida - Ảnh: AFP
Hồ sơ của vắc-xin COVID-19 Moderna được lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ ở Florida - Ảnh: AFP
 

Hồi đầu tuần, Công ty Công nghệ sinh học Moderna Therapeutics đã công bố một loạt kết quả tạm thời từ thử nghiệm lâm sàng vắc-xin giai đoạn ba có tính an toàn đến 94,5% và có thể được trữ bằng tủ lạnh thông thường đến 30 ngày.

Lợi thế về bảo quản
Bên cạnh quy mô thử nghiệm lên đến 30.000 người, bao gồm nhóm có nguy cơ cao (trên 65 tuổi) và đa sắc tộc, vắc-xin Moderna đáp ứng mục tiêu chính là ngăn ngừa vi-rút. Chỉ có năm trường hợp nhiễm COVID-19 ở nhóm được tiêm chủng, trong khi có đến 90 ca nhiễm trong nhóm chưa được tiêm phòng hoặc dùng giả dược. Đáng chú ý, có đến 11 trường hợp trở nặng được ghi nhận trong số dùng giả dược, trong khi không có ca nặng nào xảy ra trong số được tiêm chủng.

Theo báo cáo riêng của Moderna, vắc-xin này có thể được bảo quản ở 2-8oC trong 30 ngày. Đây là nhiệt độ bên trong tủ lạnh bình thường hoặc trong một thùng chứa đầy đá. Tính năng này có thể sẽ mang lại lợi thế cho Moderna trong việc phân phối hàng loạt trên phạm vi toàn cầu, bao gồm những thách thức về khí hậu, địa lý, điều kiện kinh tế các nước. 

Hãng BioNTech cũng nói với Reuters rằng, vắc-xin của họ có thể để trong tủ lạnh đến năm ngày. Trong khi đó, vắc-xin của Pfizer cần được giữ ở nhiệt độ -70oC. Đây là điều khiến các quan chức y tế công cộng lo ngại khả năng tiếp cận vắc-xin một cách không cân đối giữa các quốc gia, vùng miền.

Nhiều thập niên qua, một số quốc gia đã có những kinh nghiệm xương máu về công tác bảo quản, vận chuyển vắc-xin. Quy trình này nếu không bảo đảm nhiệt độ đúng điều kiện bảo quản vắc-xin, hậu quả là hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, việc “trụ” được lâu trong môi trường mát sẽ giúp vắc-xin ổn định hơn. 

Mặc dù các chi tiết khoa học của Moderna là độc quyền, nhưng giáo sư Aliasger K.Salem - Trưởng khoa Dược, Đại học Iowa (Mỹ) - cho biết công ty đã làm chủ một công thức chiến lược gồm các hạt nano lipid, xương sống cấu trúc của vắc-xin, có vai trò hệt như cách thức mà cơ thể chúng ta chuyển thuốc đến các tế bào. Theo ông Salem, vắc-xin này có thể được xây dựng dựa trên công trình trước đó của nhóm ông khi sử dụng hạt nano lipid trong chủng ngừa các bệnh truyền nhiễm. 

Ngoài ra, công ty còn có các kỹ thuật khác để tăng độ ổn định của vắc-xin, bao gồm thêm nhiều chất bảo quản trơ được sử dụng để lưu trữ hỗn hợp hoặc điều chỉnh cấu trúc của các hạt nano lipid để bảo vệ tốt hơn sợi RNA khỏi bị thoái hóa theo thời gian hoặc bị suy giảm khi nhiệt độ tăng lên.

Vẫn còn nhiều hoài nghi

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn quá sớm để tuyên bố về một phiên bản vắc-xin hoàn hảo. Nói cách khác, có thể cần cả hai loại vắc-xin, Moderna vừa có thể dễ dàng bảo quản, phân phối và cả Pfizer. “Điều thực sự quan trọng là loại vắc-xin nào phù hợp với chuỗi cung ứng sẵn có và đối tượng tiếp nhận” - Bruce Y.Lee, giáo sư Khoa Quản lý chính sách y tế, Đại học New York, nói.

Hạ tầng làm lạnh hiện có của thế giới là một khó khăn. Đầu năm nay, Công ty Vận chuyển quốc tế DHL (Đức) ước tính khoảng 3 tỷ người khó có khả năng tiếp cận các chuỗi cung ứng vắc-xin, ngay cả khi tính đến phương án bảo quản bằng hệ thống làm lạnh thông thường.

Theo ông Lee, việc “thất thủ” chuỗi cung ứng vắc-xin là điều không thể tránh khỏi bởi chưa cơ quan y tế công cộng nào có khả năng hành động nhanh và quy mô để đáp ứng nhu cầu lớn như vậy. “Có thể vắc-xin của Pfizer phù hợp hơn với một số nơi và Moderna tốt hơn cho những nơi khác. Chúng ta vẫn hy vọng tiếp tục có những loại vắc-xin khác sắp ra mắt”, ông nói. 

Về các kết quả tạm thời của Moderna, các chuyên gia buộc phải cân nhắc và đưa ra các mối quan ngại tiềm ẩn. Peter Doshi - nhà nghiên cứu dược phẩm tại Đại học Dược Maryland (Mỹ) - lo rằng tất cả thử nghiệm vắc-xin COVID-19 đang quá lỏng lẻo và dễ dãi trong sử dụng định nghĩa về từ “nghiêm trọng”. Ông nói: “Tôi muốn biết nhiều hơn về những trường hợp bệnh nhẹ không biến chứng được coi là bệnh nặng. Những thông tin đó sẽ rất quan trọng đối với người sử dụng khi cân nhắc giữa ưu và nhược điểm của vắc-xin”.

Một lo ngại khác của Doshi đến từ báo cáo có 1/10 người dùng Moderna cảm thấy mệt mỏi và đau nhức cơ thể với mức độ đáng kể, ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày.

Các chuyên gia khác cũng muốn biết, liệu vắc-xin COVID-19 đầu tiên này sẽ có hiệu quả như thế nào ở trẻ em và người mang thai. Hai nhóm này không có đại diện trong các thử nghiệm vắc-xin của Moderna. Cho đến khi những vấn đề trên được giải quyết, người dân hãy cứ xem kết quả tạm thời của vắc-xin Moderna như “một cái nhìn về tương lai”. Ở đó, các nhà khoa học đang “chạy đua” bằng các thử nghiệm lâm sàng cho phép đưa ra các phiên bản vắc-xin COVID-19 tốt hơn nữa và có thể ít hoặc không cần làm lạnh. 

Nam Anh (theo National Geographic, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI