Đối mặt với "body shaming": 50 năm không quên kiểu đùa ác ý

01/04/2022 - 05:07

PNO - Mạng xã hội phát triển, con người càng có chỗ để “body shaming” người khác từ các bình luận trên các trang mạng, diễn đàn…

Năm tôi 13 tuổi, nếu trước đó, tôi ốm tong teo như con mèo ướt thì vào tuổi dậy thì, tôi mập ra và mặt nổi đầy mụn, do tôi biết ăn và thấy ngon. Một hôm, vợ chồng dì Út đến nhà chơi, dì nhìn tôi rồi quay sang nói với chồng hai tiếng “very fat” (rất béo), sau đó dì cười.

Người ta thật khó quên những lời chê bai ác ý của người khác dành cho mình (Ảnh minh họa)
Người ta thật khó quên những lời chê bai ác ý của người khác dành cho mình (Ảnh minh họa)

Nói thật,  50 năm qua rồi, tôi khó thể quên nụ cười và kiểu đùa rất ác ý ấy. Đứa bé 13 tuổi nghĩ thầm, mình có làm gì mà dì Út ghét mình đến mức không kềm được phải thốt lên lời chê bai như vậy. Từ đó tôi luôn mang mặc cảm về ngoại hình của mình không được thon thả như các bạn khác.

Tệ hại hơn nữa là đến trường tôi còn bị lũ bạn trai chế giễu. Vì dụ như, một đám con trai ngồi lố nhố khi tôi đi ngang qua, thể nào chúng cũng lấy tay gõ cái gì đó, rồi đồng thanh: “Mập mà lùn, mập mà lùn…”. Thế nhưng, do tôi học giỏi nổi tiếng trong trường nên những trò đùa dai kiểu đó tôi không chấp, tuy cũng có lúc mặc cảm, nhưng tôi không tự ti. Thậm chí, có khi như con nhím xù lông, tôi còn “khinh ra mặt” cái đám con trai không lo học chỉ biết phá phách đó.

Mấy chục năm sau gặp lại trong một cuộc họp lớp, một bạn trai nói: “Không hiểu sao hồi nhỏ, bọn mình hay chọc bạn ghê”. Tôi chỉ cười: “Hồi ấy các bạn con nít quá, nhưng mình không chấp vì khi ấy với mình có nhiều thứ cần quan tâm hơn”.

Tôi thường để ý, nam giới hay có kiểu xét nét về ngoại hình của phụ nữ để chế giễu, những câu nói đại loại như: “Nhỏ đó trước sau như một”. “Ngực tấn công, mông phòng thủ”, “Em đó mộng riệng quá, đàn bà  miệng rộng tan hoang cửa nhà”…

Bạn trai đưa bạn gái về nhà chơi không tránh khỏi những ánh mắt quét từ trên xuống dưới, từ trước ra sau của cánh phụ nữ trong bà con, thân tộc, hệt như phải qua bao nhiêu cái máy soi chiếu X-quang.

Nào là, mông lép quá sau này khó sinh đẻ, chân dài hay ngắn, mắt to hay nhỏ, lỗ mũi không kín, tướng đi hai hàng, xàng xê quá… Nói chung, có dễ coi thế nào họ cũng cố tìm ra một khuyết điểm gì đó để bình phẩm, chê bai.

Mạng xã hội phát triển, con người càng có chỗ để “body shaming” người khác từ các bình luận trên các trang mạng, diễn đàn… Thậm chí họ chẳng ngại ngần viết những lời chê rất quá đáng, rồi bao nhiêu người khác vào “té nước theo mưa”. Họ coi đó là một trò đùa thú vị mà không nghĩ rằng nó xúc phạm đến người khác. Ác nữa, đôi lúc họ còn cười cợt cả với bất hạnh của người khuyết tật. 

Ngay chính tôi có lần phạm sai lầm là một hôm buột miệng nói với con gái:  “Con  xem lại chế độ ăn uống chứ mẹ thấy con có vẻ lên cân, để mập chẳng những không đẹp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Con gái tôi trả lời: “Mẹ có biết khi mẹ nói lên điều này là mẹ đã phạm một sai lầm là miệt thị về ngoại hình của người khác không?”. Thấy con gái trả lời với vẻ bực bội, tôi mới nghĩ có thể con đã từng gặp những tình huống như thế này ở ngoài đời, nếu tôi không biết dừng lại, mẹ con sẽ rơi vào tranh luận căng thẳng.

Nhưng thật lòng, con gái đã nghĩ sai về tôi. Tôi không có ý miệt thị con mà chỉ là bộc phát tâm lý lo lắng của người mẹ khi không hài lòng về cách sống của con như: không chịu tập thể dục, thích ăn thức ăn nhanh, uống nước ngọt…

Và tôi hiểu mình cần phải thay đổi suy nghĩ và cách góp ý với con gái.

Cơ thể một con người được cấu thành ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Sinh ra trên đời, bất cứ ai cũng muốn mình đẹp. Người đẹp là đặc ân trời cho. Thế gian có người đẹp người xấu, thậm chí theo thời gian, người đẹp rồi cũng già đi, xấu xí và người không đẹp có thể cải tiến được sắc đẹp nhờ vào chế độ dinh dưỡng, điều kiện sống, hóa mỹ phẩm và cả quyết tâm giữ gìn sắc đẹp nữa. 

Người không đẹp không chỉ không nhận được món quà của tạo hóa mà còn bị người đời bình phẩm, chê bai thật chẳng khác nào cứa thêm vào vết thương lòng.

Bây giờ là “thời của giao diện đẹp”, bày hình ảnh lên mạng xã hội phải nhờ vào các ứng dụng sao cho che được khuyết điểm và hình ảnh phải thật long lanh mới nói chuyện.

Thêm nữa, ngành thẩm mỹ giúp con người hoàn chỉnh những khiếm khuyết. Một phụ huynh  khẳng định: “Thời buổi bây giờ, cha mẹ nghèo quá không nói, chứ không ai để con mình có hàm răng xấu cả”. Chỉ một đơn cử nhỏ.

Khoa học ngày càng tiến bộ có thể phẫu thuật những dị tật, đem lại sự tự tin hòa nhập cộng đồng cho con người. Trên các phương tiện thông tin đại chúng những quảng cáo ngàn lẻ một chuyện làm đẹp từ hàm răng, mái tóc, làn da…

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn lại, chính cái đẹp trong tâm hồn mới thật sự tỏa sáng nếu biết quan tâm chăm chút, rèn giũa. Và chính việc rèn luyện tri thức, cách đối nhân xử thế, không quản ngại giúp đỡ tha nhân… là vũ khí tốt nhất giúp con người chống lại cái thói tật thích “body shaming” của người đời.

Riêng tôi, nghiệm từ cuộc đời mình, tôi khẳng định, nhân quả nhãn tiền, chỉ đời này thôi, không sang đến đời khác đâu. Bạn chê bai ai điều gì, điều ấy sẽ được trả vào ngay chính bản thân bạn, gia đình bạn. Hình dung cuộc đời như một cái boomerang, bạn ném đi thế nào thì nó sẽ quay về bạn thế ấy.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI