“Body shaming” ra rả mỗi ngày: Tôi vẫn đang chịu đựng những lời ác độc

28/03/2022 - 18:12

PNO - Vợ của anh diễn viên nọ bị chọc ghẹo vì mái đầu thưa ngay trên sóng truyền hình, bạn tôi bị trêu vì ngực lép, tôi bị chê “phụ nữ mà mặt chữ điền”...

Sự vụ ồn ào giữa Will Smith với Chris Rock tại Oscar 2022 một lần nữa khơi mào lại vấn nạn “body shaming” (miệt thị ngoại hình) chưa bao giờ có hồi kết trong thời gian qua.

Nếu Will Smith dùng cái tát của mình để đáp trả lời chọc ghẹo kém duyên của Chris Rock về mái đầu thiếu tóc của vợ anh, thì ngoài xã hội, nhiều người gặp tình trạng tương tự như vợ của Will Smith nhưng ấm ức cười trừ cho qua. Tôi cũng nhiều lần như thế.

Từ năm 2018, Jada Pinkett Smith - vợ của diễn viên Will Smith thông báo cô mắc chứng rụng tóc nặng. Cô từng nói về nỗi tự ti này của mình trên truyền thông và khẳng định phải dùng khăn để che đi mái tóc. Đến giữa năm 2021, khi được con gái truyền cảm hứng, Jada quyết định cạo trọc đầu và dần thoải mái hơn với diện mạo mới.
Từ năm 2018, Jada Pinkett Smith - vợ của diễn viên Will Smith thông báo cô mắc chứng rụng tóc nặng. Cô từng nói về nỗi tự ti này của mình trên truyền thông và khẳng định phải dùng khăn để che đi mái tóc. Đến giữa năm 2021, khi được con truyền cảm hứng, Jada quyết định cạo trọc đầu và dần thoải mái hơn với diện mạo mới.

Khái niệm “body shaming” không còn mới tại Việt Nam, đặc biệt từ khi có mạng xã hội và phong trào lên tiếng vì sự bình đẳng, tôn trọng vẻ đẹp khác biệt. Nhưng dù nhiều cá nhân, tổ chức đã, đang và sẽ lên tiếng phản đối nạn “body shaming”, thì thực tế những lời chê bai, miệt thị ngoại hình vẫn nhan nhản mỗi ngày.

Tôi không nghĩ có ngày nào đó lại mượn sự vụ của Will Smith để kể về chuyện bản thân chịu đựng sự dè bỉu, chê bai ngoại hình. Nhưng quả thật khó có dịp nào phù hợp hơn để lên tiếng, vì có lẽ, tôi không bao giờ giống như Will Smith, tôi không dám phản kháng, nói gì việc tung cú đấm, cái tát với người làm tôi tổn thương.

Từ ngày sinh ra cho đến lúc nhận thức được trọn vẹn ý nghĩa của ngôn ngữ, tôi nghe nhiều lời chê bai về làn da của mình. Tôi có làn da nâu, màu da tối nhất trong số các chị em trong nhà, dù tôi chẳng phải lao động cực nhọc dưới nắng nóng. Con gái da đen, có khi đen hơn các bạn nam trong lớp, nên suốt thời thơ ấu tôi bị bạn bè gọi là “con dân tộc” (xin lỗi những đồng bào dân tộc thiểu số có màu da giống tôi khi phải nhắc tới chữ này).

Biệt danh đó ám ảnh tôi một thời gian dài, bởi không chỉ người ngoài, mà ba mẹ mỗi lần nghe ai nói da tôi đen, cả hai hùa ngay: “Nó là con của bà dân tộc đó. Hồi xưa đi thấy bỏ ngoài đường nên lượm về nuôi”. Ba mẹ nói xong rồi tất cả cùng cười.

Lớn dần lên, tôi giống ba với khuôn mặt chữ điền khá nam tính. Đặc điểm này trên gương mặt tôi cũng trở thành chủ đề để bạn bè chọc ghẹo. Hễ lần nào đọc tới câu thơ của Hàn Mạc Tử “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, bạn trong lớp lại ồ lên, nói rằng mặt tôi "cũng chữ điền, nhưng sao xấu vậy!".

Những lời chọc ghẹo tưởng chừng vô hại, thoáng qua, nhưng với sức chịu đựng của một đứa trẻ, lắm lúc tôi muốn nổ tung. Giờ đây, mỗi lần thấy ai đó bị chọc ghẹo về ngoại hình, tôi đồng cảm với họ vì nhớ lại quá khứ, nhớ những khoảnh khắc kinh khủng đã trải.

Những sự khác biệt
Sự khác biệt giữa người với người cần được tôn trọng, không phải chủ đề để chọc ghẹo, cợt nhả

Người khác thường dễ buông lời cay nghiệt mà không mảy may quan tâm liệu rằng những lời nói đó sẽ gây ra tổn hại nào về tinh thần cho người nghe hay không. Bạn tôi kể trên cơ quan của cô có người đồng nghiệp hay chê bai người khác một cách thẳng thừng, không phải theo dạng góp ý để cải thiện mà như một dạng trù dập. Nhưng với người nói ra những lời mang tính sát thương cao ấy, họ chỉ cho rằng họ sống thẳng, sống thật.

Họ chọc bạn tôi: “Sao đi làm mà không mang ngực theo”. Họ nói: “Đàn bà ngực lép nhìn kém sức sống quá. Có chồng cũng không giữ được chồng”. Họ thốt ra nhiều câu khiến bạn tôi tự ti và có ý định can thiệp dao kéo để nâng ngực. Với bạn tôi, đó không còn là lời trêu đùa mang sự hài hước, vui vẻ, mà lời nói ẩn chứa thái độ miệt thị, khinh khi. Nói ra những câu ấy, ngoài đàn ông còn có cả đồng nghiệp nữ.

Tôi biết cũng có nhiều người không ác ý khi thốt ra lời chọc ghẹo. Đôi khi, họ bàn bạc vì thấy “chướng” mắt, nói cho vui miệng, nói để có chuyện “tám” với nhau. Nhưng không phải là người trong cuộc - chủ thể tiếp nhận lời chê, họ không thể hiểu tâm trạng của người bị nghe. Chúng tôi tự ti, tụt cảm xúc và dần hình thành tâm lý sợ hãi, ngại ngùng.

Khi trưởng thành, va chạm nhiều hơn, tôi cũng biết cách để bản thân hoàn thiện, tự tin hơn với vẻ ngoài, nhưng thật khó để làm hài lòng nhãn quan của tất cả mọi người. Đôi lúc cũng phải nghe tiếng chê bai, lời xì xầm và những lúc đó, tôi học cách mặc kệ.

Từ trải nghiệm của chính mình, tôi cũng lo cho con của tôi về sau, ngại rằng nếu cháu mang gen mẹ, da cũng ngăm đen tương tự tôi, và nếu cháu phải chịu sự trêu chọc tôi từng trải qua, hẳn sẽ buồn khổ ít nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn: Tôi sẽ khác ba mẹ tôi ngày trước, sẽ không hùa theo người chê mà lập tức bảo vệ con mình. Tôi sẽ dạy con về sự đặc biệt của mỗi cá nhân được sinh ra trên cuộc đời, dạy con hiểu giá trị của con người không nằm ở màu da hay ngoại hình, mà ở cách họ hoàn thiện nhân cách, trí tuệ. 

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI