Đòi công làm... chồng

22/08/2016 - 13:00

PNO - Chị nói, là vợ chồng phải tôn trọng nhau, anh không thể tự ý như vậy được. Anh hét: "Nhà này ai là chủ? Tôi là chồng, muốn làm gì cũng phải hỏi ý bà sao?".

Trời mưa sụt sùi, chị đến tìm tôi. Chỉ là để tâm sự cho đỡ buồn. Hai nhà cách nhau một ngã tư, trong công việc cũng thân thiết.

- Ông ấy đi rồi em ạ!

- Đi đâu? - Đi… luôn rồi!

- Thiệt hả? Lâu nay thấy êm êm, tưởng “qua truông” rồi.

- Qua gì mà qua, qua… đời thì có.

- Sao mà đi, công việc lu bu vậy?

- Ừ, tiệm phô tô mà, ngày nào chẳng lu bu. Nhưng ông ấy nói, nếu không “chia” mỗi ngày năm trăm ngàn là ông ấy bỏ việc, thử coi ba mẹ con chị làm sao cho xuể.

- Sao chị không chia?

- Cái tiệm nhỏ xíu, ngày làm sao nổi năm trăm!

Doi cong lam... chong
Chị gầy ốm, đen đúa, oằn nặng nỗi lòng

Chị muộn duyên, 38 tuổi mới lấy chồng, là một thầy giáo vừa “nghỉ mất sức” ở tuổi năm mươi. Chị bảo, thật ra chị cũng không muốn lấy chồng. Ngày ngày phụ mẹ buôn bán ở chợ, cuối tuần đi chùa làm công quả, nhìn ngó bao nhiêu mảnh đời gian truân khổ ải vì hỉ, nộ, ái, ố; vậy là đủ, là lòng nguội lạnh hết rồi. Chị chỉ mong dùng sức vóc nhỏ bé của mình san sẻ chút gì đó với những người khốn khổ. Giặt một núi quần áo cho người bệnh; đút thức ăn cho người già… Mệt, nhưng thấy họ nuốt hết chén cháo, nở nụ cười là chị đủ vui. Rồi mẹ chị bảo, phụ nữ là phải lấy chồng mới tròn kiếp nhân sinh. Con đi chùa làm gì mà ngay cả lời mẹ dạy cũng không nghe? Vậy là chị lấy chồng. Không quen biết, không yêu thương, anh chỉ được cái “mác” nhà giáo khiến gia đình chị tin con gái mình sẽ hạnh phúc.

Thân hơn một chút, anh tâm sự, đời anh đã “lầm” đàn bà một lần. Đó là người vợ cùng tuổi với anh, cùng ngành nghề. Chị ấy đã lợi dụng uy tín của anh để chơi hụi, vỡ nợ hàng chục tỷ rồi trốn đi mất nhưng nhà cha mẹ thì đã xây được mấy tầng lầu. Là chồng, anh phải liên đới chịu trách nhiệm. Tài sản hai mươi mấy năm gầy dựng phải bán hết mới khắc phục được một phần hậu quả. “Giờ anh chỉ còn cái mạng mộc và tấm lòng dành cho em. Hy vọng trong cuộc sống sau này em biết “liệu cơm gắp mắm”. Chị nghe mà thương cảm. Lòng tự hứa duyên muộn nên phải giữ vẹn tròn cuộc trăm năm.

Mảnh đất thổ cư cha mẹ chia trước đó, sau cưới mẹ chị lại cho thêm tiền cất cái nhà nhỏ. Anh bảo, nhà ngay trung tâm chợ xã, làm dịch vụ phô tô là hợp lý nhất. Chị nói, nào giờ em chỉ biết bán buôn, chứ máy móc không rành. Em đang định mở một cửa hàng tạp phẩm. Anh vỗ ngực, tất cả đã có anh lo, em chỉ cần đưa anh vài chục triệu là trong ba ngày sẽ có hai cái máy phô tô “ngự” trong nhà. Đó là thời điểm năm 2010. May mắn, dịch vụ phô tô khá đắt khách.

Chị nhận bán thêm bảo hiểm xe, bán văn phòng phẩm. Vừa làm, chị vừa quay chong chóng với hai đứa con sinh năm một, cả với ba đứa con chồng cứ dăm bữa lại về “mượn” dì ít tiền làm ăn. Chị chưa một lần từ chối, dù giờ ngồi nghĩ lại mới giật mình, hình như chúng mượn mà chưa một lần trả. Không chỉ khéo lo công việc và con cái, chị còn giỏi bếp núc, còn tranh thủ trồng thêm một vườn rau xanh, thả đàn gà để tiết kiệm tiền chợ, nên năm 2013 đã mua được hai công đất trồng bưởi da xanh. Giống bưởi này nếu chăm sóc tốt, đủ phân diêm là 18 tháng sau khi trồng đã thấy trái.

Thu nhập từ vườn bưởi, từ tiệm phô tô đã dư ăn dư mặc. Anh “xin” vợ, sau mỗi đợt thu hoạch bưởi được gửi cho con cái chục triệu để chúng làm ăn. Mà bưởi thì cứ thu hoạch hoài hoài. Con lớn của anh 25 tuổi, đã có gia đình riêng. Đứa nhỏ nhất cũng 20, là sinh viên cao đẳng sắp ra trường. Chị gật mà không cần băn khoăn hỏi xem chúng làm ăn gì. Hồi đó, lúc bưởi chưa giao cành thì chị trồng xen đậu đen, đậu xanh. Anh bảo, là giáo viên anh chỉ biết có cái bảng, viên phấn, biết gì ruộng vườn. Em cứ yên tâm làm rẫy, cái dịch vụ phô tô cứ giao cho anh. Hết đậu đen, đậu đỏ chị bỏ mớ dây bí lấy đọt, cũng thu được kha khá. Chị một nắng hai sương với hai công đất: xịt rầy, bón phân… Chị gầy nhom, đen đúa nhưng phải đeo cái bình xịt rầy to đùng. Bưởi cho thu hoạch. Giá xấp xỉ 60.000đ/kg, chị thu về không ít.

Rồi anh đột nhiên đề nghị, thôi mình đổi việc. Anh coi vườn bưởi, em ở nhà với cái tiệm. Bưởi thu hoạch tới đâu là cắt cành tới đó. Chỉ hơn tháng sau là ra đợt lá mới, rồi lên bông mới. Trái to trái nhỏ lúc lỉu đầy cành. Ba, bốn tháng anh mới đưa chị vài triệu, phân bua lúc này diêm tro, thuốc dưỡng gì cũng mắc như vàng. Cứ vài tháng anh lại nói, thằng con lớn của bà chị họ con ông bác cần vốn làm ăn, anh đã góp với nó hai chục triệu, mai này tha hồ lấy lãi. Chị cười trừ.

Thoáng cái, anh lại than, cô cháu con bà mợ dâu cũ đi hợp tác lao động, cần năm chục “chai” thế chân. Biết em không hẹp hòi gì nên anh đã… cho nó mượn rồi. Nửa tháng sau, lại con gái út của anh sắp ra trường, cần “vài chục chai” lót đường, em giúp con chứ? Mà thôi, khỏi đi, anh cũng lo rồi. Tiền đâu anh lo nhiều quá vậy? À… thì thấy em bận quá anh chưa kịp nói, là hai cái giấy đỏ của nhà và vườn bưởi anh thế chấp ngân hàng rồi.

Vậy là sóng gió nổi lên. Chị nói, là vợ chồng phải tôn trọng nhau, anh không thể tự ý như vậy được. Anh hét: "Nhà này ai là chủ? Tôi là chồng, muốn làm gì cũng phải hỏi ý bà sao?". Chị nổi sùng: "Nhà này ai là chủ? Anh nói tôi mới nhớ ra. Ngày anh về với tôi, chỉ trên răng dưới… dép. Giờ được như vầy, công sức tôi biết bao nhiêu. Sao anh lại tự quyết mọi việc?".

Anh chụp mũ ngay: "Không ngờ cô xem trọng đồng tiền như vậy! Thôi cứ xem như tôi có lỗi đi, trừ qua “công làm chồng” của tôi sáu bảy năm nay chắc cũng đủ. Không có tôi, cô có cái nhà này và hai đứa con kia không hả?". Chị... nghẹn cứng. Anh tiếp: "Biết điều thì im lặng, mỗi ngày chia cho tôi năm trăm ngàn tiền phô tô, tôi sẽ ở lại đây phụ cô coi con, coi nhà. Nếu không, tôi bỏ đi, xem mẹ con cô sống làm sao".

Vậy là chị điên máu. Ném hết quần áo ông ấy ra sân, bảo có đi thì đi ngay cho khuất mắt. Ai ngờ ông ấy đi liền. Chị… cũng lo lo, nếu ông ấy đi thiệt thì ruộng vườn, nhà cửa ai phụ? Rồi con cái mất cha, cũng tội. Nhưng em nghĩ coi, trên đời có ai đòi công làm chồng như ông ấy không? Tôi chỉ biết cười buồn với chị. Trút hết mớ hỗn độn trong lòng, chị lại tất tả quay về với núi việc đang chờ.

Kim An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI