Dịch COVID-19 có thể đẩy thế giới lùi lại 30 năm

09/04/2020 - 18:03

PNO - Một nghiên cứu mới cho thấy nửa tỉ người có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói khi các nền kinh tế thu hẹp do đợt bùng phát dịch COVID-19.

Các nước đang phát triển có thể bị đưa trở lại mức nghèo đói cách đây đến 30 năm, theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển của Đại học Liên Hiệp Quốc công bố hôm 9/4.

“Tác động sẽ rất tàn khốc”, tờ The Guardian dẫn lời đồng tác giả Andy Sumner, giáo sư phát triển quốc tế tại Đại học Hoàng gia London (Anh) - người đã cảnh báo về một trận “sóng thần nghèo đói”- nhận định.

“COVID-19 có thể dẫn đến sự gia tăng rất lớn về nghèo đói toàn cầu. Trên thực tế, nó có thể khiến thế giới quay ngược lại 10 năm trước và có thể đẩy một số khu vực lùi ngược lại đến 30 năm”, ông Andy Sumner nói.

Người dân ở một khu ổ chuột tại Ấn Độ. Ảnh: AP
Người dân ở một khu ổ chuột tại Ấn Độ - Ảnh: AP

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của Ngân hàng Thế giới để đo lường tác động của việc giảm số tiền chi tiêu trong các nền kinh tế ở 3 mức nghèo - 1,90 USD, 3,20 USD và 5,50 USD/ngày.

Kết quả cho thấy ngay cả khi mức tiêu thụ giảm 5% - tác động nhỏ nhất mà họ lập mô hình - nó sẽ dẫn đến sự gia tăng đầu tiên về tình trạng nghèo đói liên quan đến thu nhập kể từ năm 1990.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo tài chính quốc tế sắp nhóm họp vào tuần tới, cuộc nghiên cứu đã dẫn đến những lời kêu gọi hành động nhanh chóng để bảo vệ những cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương, những người sẽ không thể thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt thuộc loại đang được thực hiện ở châu Âu.

Tổ chức Oxfam đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đồng ý một kế hoạch giải cứu kinh tế trị giá 2,5 ngàn tỉ USD để hỗ trợ các quốc gia nghèo và các cộng đồng nghèo.

Ông Sumner cho biết cần hành động khẩn cấp để tạo ra một hệ thống lưới an toàn giúp giảm nhẹ tổn thất thu nhập ngay lập tức, cũng như các chính sách để đảm bảo mọi người không bị lâm vào tình trạng nghèo đói lâu dài.

Ông cho biết tác động tiềm tàng của COVID-19 đã đặt ra câu hỏi về tiến trình hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hiệp Quốc đặt ra vào năm 2015, bao gồm cả khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Ông Sumner cho biết nhiều nước đang phát triển sẽ phải chịu đựng vì nền kinh tế phi chính thức của họ, trong đó nhiều người buộc phải tiếp tục làm việc bất chấp phong tỏa, hoặc như ở Ấn Độ, phải quay trở lại các ngôi làng nơi họ sẽ có rất ít tài nguyên nhưng nhiều khả năng lây lan virus.

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI