Malaysia cho học sinh nghỉ học vì khói mù độc hại từ Indonesia

25/07/2025 - 16:03

PNO - Chính quyền Malaysia khuyến cáo phụ huynh tại Kuala Lumpur và Selangor cho con nghỉ học ở nhà do khói mù độc hại từ cháy rừng Indonesia bắt đầu lan sang.

Ảnh: CNKL
Malaysia đang đối mặt với đợt khói mù độc hại từ các vụ cháy rừng ở Indonesia, khiến chất lượng không khí giảm sút nghiêm trọng tại Kuala Lumpur và Selangor. Ảnh: CNKL

Bầu không khí tại Kuala Lumpur và các khu vực lân cận đang bị bao phủ bởi làn sương xám đậm đặc, kèm mùi khét do khói mù từ các đám cháy rừng ở Indonesia tràn sang. Nhiều người dân than phiền bị cay mắt, rát cổ, trong khi nguy cơ ô nhiễm tiếp tục tăng cao.

Đây là một phần của cuộc khủng hoảng khói mù xuyên biên giới đã kéo dài hàng chục năm qua tại Đông Nam Á, trong đó Malaysia và Singapore là hai quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vào mùa khô.

Trước tình hình này, bà Jamaliah Jamaluddin - Ủy viên Hội đồng Y tế và Môi trường bang Selangor - cho biết các phụ huynh có thể chủ động giữ con em ở nhà nếu lo ngại chất lượng không khí. Bà cũng yêu cầu các trường học thường xuyên cập nhật chỉ số ô nhiễm không khí (API) từ trang chính thức của Cục Môi trường để kịp thời xử lý.

Theo quy định, mọi hoạt động ngoài trời sẽ bị hủy nếu API vượt 100, và các trường học sẽ buộc phải đóng cửa nếu chỉ số lên tới 200. Hiện tại, chỉ số trung bình tại Selangor ở mức 90. Bà Jamaliah cho biết chưa ghi nhận trường hợp bệnh lý nào liên quan đến khói mù hay say nắng, nhưng cảnh báo người dân không nên chủ quan.

Bang Pahang cũng tuyên bố sẵn sàng cho học sinh nghỉ học nếu điều kiện không khí chuyển biến xấu.

Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC), nguồn khói lần này xuất phát từ các điểm nóng tại bang Sarawak (Malaysia), cũng như phía bắc và tây Kalimantan và khu vực trung tâm đảo Sumatra (Indonesia). ASMC cảnh báo dù có mưa rải rác, khói mù và các đám cháy nhỏ vẫn có khả năng xuất hiện ở những vùng khô hạn và tiếp tục lan rộng qua biên giới.

Khói mù đã trở thành vấn nạn kéo dài tại Đông Nam Á từ những năm 1970, với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất vào năm 1997-1998 và 2015, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân.

Nhật Minh (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI