Săn lùng “quái vật núi tuyết” huyền thoại

13/07/2025 - 07:09

PNO - Năm 1921, đội thám hiểm và trinh sát đỉnh Everest của Anh xuất phát từ Ấn Độ với nhiệm vụ quan trọng: tìm đường chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới. Tuy nhiên ngày sau, nhóm thám hiểm này lại được nhắc nhớ bởi một phát hiện khó tin, gây ấn tượng hơn cả chuyến hành trình thành công của họ - những tấm ảnh cho thấy “dấu chân” trên tuyết thuộc về một sinh vật thần bí.

Trong bài phỏng vấn thực hiện bởi phóng viên Henry Newman, dẫn đầu nhóm thám hiểm năm ấy - Charles Howard-Bury, đáng ngạc nhiên thay, lại đưa ra nhận định lạ lùng. Suy luận của ông hoàn toàn khác với liên tưởng khoa học về thứ có thể gây nên chuỗi dấu chân lớn đến mức kỳ dị họ tình cờ trông thấy. Không phải một con sói hoang với kích thước dị thường, hay một thiết bị nào đó thuộc về hướng dẫn viên hoặc những nhân viên khuân vác. Howard-Bury nghĩ đến một tồn tại cư dân bản địa sinh sống dưới chân núi Everest thường gọi là metoh-kangmi, hay “người tuyết khổng lồ”.

 Ảnh minh họa: AtlasObscura
Ảnh minh họa: AtlasObscura

Sau khi thu thập nhiều chia sẻ lý thú trong buổi phỏng vấn với đoàn thám hiểm, Newman quyết định điều tra sâu hơn. Ông liên hệ với một số nhân chứng người Tây Tạng cũng có mặt vào ngày đội ngũ của Howard-Bury chạm trán phát hiện bất ngờ kể trên.

Từ lời kể của họ cùng ngòi bút của Newman, một huyền thoại dần phổ biến toàn cầu về một sinh vật to lớn, đáng sợ, “thoắt ẩn thoắt hiện” trên dãy Himalaya quanh năm băng giá. Yeti - người tuyết khổng lồ, bắt đầu trở thành cái tên được nhắc đến rộng khắp.

Có bao nhiêu phần trăm sự thật về một “quái vật” sở hữu “bộ lông trắng tuyết” cùng “vẻ ngoài gây kinh khiếp”?

Bí ẩn sâu trong núi tuyết

Yeti - tên gọi ngắn gọn hơn của metoh-kangmi, phần nào bị phiên dịch sai sang Anh ngữ - đã là nguồn cảm hứng khởi động nhiều cuộc chinh phục đỉnh Everest, vô số nghiên cứu, điều tra quy mô đến nghiệp dư. Thậm chí, nhân vật Yeti có thời là tâm điểm trong nhiều đồn đại, truyền thuyết hoang đường, sách giả tưởng, phim ảnh giật gân... thuần túy để thỏa mãn trí tưởng tượng phong phú của nhân loại.

Sinh vật được mô tả có thể “ẩn mình hoàn hảo vào khung cảnh quanh năm tuyết phủ” nhờ cơ thể đầy lông trắng. Khi đứng thẳng bằng 2 chân, Yeti trông như một giống vượn kỳ lạ, cao lớn vượt trội hơn con người. Cũng có lời đồn cho rằng Yeti mang bộ lông nâu đỏ, chiều cao thấp bé hơn người, thích sống gần khu vực rừng thuộc địa phận Himalaya thay vì vùng núi cao hiểm trở.

Ý tưởng về “người tuyết khổng lồ” khá đa dạng, tùy theo mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, vốn sở hữu nền tảng văn hóa - lịch sử khác biệt. Tuy nhiên, nhắc đến bằng chứng cho sự tồn tại của sinh vật ấn tượng này, thứ phổ biến lẫn thuyết phục nhất chúng ta thu thập được, đến nay chỉ có... những dấu chân trên ảnh chụp.

Cuốc phá băng của nhóm Shipton trông nhỏ bé hơn khi đặt cạnh dấu chân lớn dị thường in hằn trên tuyết. Bức ảnh kế bên thể hiện toàn cảnh chuỗi dấu chân kỳ dị Shipton cho rằng thuộc về Yeti. - Ảnh: Getty
Cuốc phá băng của nhóm Shipton trông nhỏ bé hơn khi đặt cạnh dấu chân lớn dị thường in trên tuyết. Bức ảnh kế bên thể hiện toàn cảnh chuỗi dấu chân kỳ dị Shipton cho rằng thuộc về Yeti - Ảnh: Getty

“Tấm ảnh nổi danh nhất về Yeti, thế nhưng, không phải được chụp bởi Howard-Bury và đội thám hiểm của ông năm 1921” - phóng viên, nhà sử học người Anh Jonny Wilkes - chia sẻ.

“Trong một dự án khám phá và thiết lập bản đồ Everest diễn ra 30 năm sau đó, vào năm 1951, đội ngũ được dẫn dắt bởi nhà leo núi kỳ cựu Eric Shipton và Michael Ward bất ngờ trông thấy những dấu vết rất kỳ dị kéo dài hơn 1,6km, ở độ cao 15,000 feet (hơn 4.500m). Chúng gồm vết chân và vết móng vuốt hẳn phải thuộc về một loài thú ăn thịt khổng lồ”.

Quá hiếu kỳ, Shipton chụp một loạt ảnh ghi lại tình huống khó hiểu này. Mỗi vết chân trên ảnh có bề ngang gần gấp đôi chân một người trưởng thành, chiều dài càng lớn đến khó tin.

Sê-ri ảnh “Dấu chân của Shipton” trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất vào thế kỷ XX liên quan đến Yeti. Nhiều sử gia, nhà nghiên cứu xem đây như phát hiện quan trọng, đã chính thức cụ thể hóa hình ảnh quái vật tồn tại từ rất lâu đời trong văn hóa dân gian cổ đại.

Cận cảnh hình tượng Yeti trên tranh tường một ngôi đền Tây Tạng. Trong văn hóa Nepal cổ, sinh vật huyền thoại này được tin rằng là sự kết hợp kỳ dị giữa quái thú, con người và ác thần. – Ảnh: Alamy
Cận cảnh hình tượng Yeti trên tranh tường ở một ngôi đền Tây Tạng. Trong văn hóa Nepal cổ, sinh vật huyền thoại này được tin rằng là sự kết hợp kỳ dị giữa quái thú, con người và ác thần - Ảnh: Alamy

Lịch sử ra đời huyền thoại Yeti

Xa xưa hơn cả ảnh chụp và các bài báo phương Tây, Yeti đã là nhân vật quen thuộc trong truyện dân gian truyền miệng thịnh hành ở nhiều vùng dân cư quanh Himalaya.

“Truyền thuyết cổ mô tả Yeti như "một linh hồn sinh ra từ băng tuyết" - Wilkes tiết lộ - “Một số thợ săn du mục bản địa tin rằng quái vật tuyết sẽ mang lại may mắn cho những ai vô tình nhìn thấy nó. Ngược lại, cũng có lối hình dung Yeti tựa một tà thần hay quỷ dữ hung ác, sẽ đe dọa bất kỳ ai lạc lối sâu vào vùng núi cao, nơi Yeti xem là lãnh thổ của riêng mình”.

Wilkes nêu ra một số hình tượng tương tự Yeti rải rác ở những nền văn hóa khác nhau trên thế giới: từ Sasquatch (“người khổng lồ lông lá”), truyền thuyết đô thị nổi tiếng của Bắc Mỹ, “dã nhân” Yowie ở Úc, đến Mapinguari được người Amazon (Nam Mỹ) ví như “thần rừng”.

 Góc chụp khác của Shipton cho thấy “dấu chân Yeti” in trên nền tuyết, kéo dài về phía xa - Ảnh: Getty.
Góc chụp khác của Shipton cho thấy “dấu chân Yeti” in trên nền tuyết, kéo dài về phía xa - Ảnh: Getty

Thế nhưng, bằng chứng đầu tiên khiến người xưa tin rằng “quái vật núi tuyết” thật sự tồn tại, xuất hiện khi Alexander Đại đế chinh phạt tiểu lục địa Ấn Độ năm 326 trước CN. Sử sách ghi lại, vị vua Hy Lạp vì quá hứng thú trước truyền thuyết Yeti, đã kiên quyết yêu cầu được… tận mắt nhìn thấy quái vật “bằng xương bằng thịt”. Người dân địa phương nhanh chóng từ chối ông, viện cớ rằng Yeti sẽ không thể sống nổi nếu rời xa vùng núi cao giá lạnh.

Suốt hàng trăm năm tiếp theo, Yeti thậm chí xuất hiện trong thần thoại Phật giáo, ngay từ giai đoạn khi tôn giáo này vừa bắt đầu lan tỏa sức ảnh hưởng ra toàn châu Á.

Đến tận thế kỷ XX, “quái vật nổi danh nhất Everest” vẫn luôn được nhiều dân tộc bản địa kính sợ, dè chừng. Nỗi sợ cùng tư duy e ngại liên quan đến niềm tin cổ xưa rằng, sinh vật này biểu trưng cho điềm gở, tai ương tiềm ẩn có thể đeo bám bất kỳ nhân chứng nào không may chạm mặt Yeti.

Tượng “quái vật núi tuyết” Yeti đặt tại thành phố Sochi, Nga. - Ảnh: Getty
Tượng “quái vật núi tuyết” Yeti đặt tại thành phố Sochi, Nga - Ảnh: Getty

Nhân tố khiến Yeti “bùng nổ” sức ảnh hưởng ra toàn thế giới, chính là lĩnh vực nghiên cứu sinh vật thần bí - một ngành khoa học phi chính thống cho tới nay vẫn gây nhiều tranh cãi, được sáng lập vào thập niên 1950 bởi nhà động vật học người Pháp Bernard Heuvelmans.

Wilkes nói về “cơn sốt” tìm kiếm Yeti trong quá khứ: “20 năm sau bài báo đã giúp danh tiếng phóng viên Henry Newman lẫn cái tên Yeti vươn ra toàn cầu, tại Hoa Kỳ, từng có 2 người leo núi nghiệp dư khẳng định họ nhìn thấy 2 đốm đen với kích thước kỳ dị, di chuyển ở đằng xa trong một lần leo núi Himalaya.

Tới năm 1951, hành trình và những bức ánh để đời về “quái vật núi tuyết” của Shipton càng khiến công chúng đổ dồn sự chú ý vào vùng đất băng giá khắc nghiệt ấy. Bắt đầu có người đưa ra nghi vấn nghiêm túc, liệu cái lạnh cực độ và địa thế hung hiểm của Himalaya thật sự đang giúp che giấu một sinh vật khổng lồ, chưa ai từng biết đến?.

Rầm rộ những chuyến… “săn quái vật”

Đỉnh điểm câu chuyện, theo Wilkes, là một sự kiện khó tin nhưng có thật xảy ra năm 1959.

Nhà leo núi nổi tiếng người New Zealand, Edmund Hillary, nhắc đến “huyền thoại Yeti” trong buổi họp báo trước chuyến thám hiểm Himalaya của ông diễn ra năm 1960. - Ảnh: Getty
Nhà leo núi nổi tiếng người New Zealand, Edmund Hillary, nhắc đến “huyền thoại Yeti” trong buổi họp báo trước chuyến thám hiểm Himalaya của ông diễn ra năm 1960 - Ảnh: Getty

Năm ấy, Đại sứ quán Mỹ ở Kathmandu đệ trình một báo cáo được xem là “vô tiền khoáng hậu” đến Bộ Ngoại giao ở thủ đô Washington DC. Tài liệu phản ánh mối quan ngại về làn sóng những “thợ săn” Yeti lúc bấy giờ đã ồ ạt tìm tới Himalaya.

Để giải quyết vấn đề, đại diện chính phủ thông qua văn bản “Các quy định quản lý hoạt động thám hiểm và leo núi ở Nepal - liên quan đến Yeti”. Theo quy định, người leo núi cần trả khoản phí 5.000 rupee (hơn 1,5 triệu đồng), cho chính phủ Nepal nếu muốn truy lùng dấu vết “quái vật núi tuyết”.

Quy định không cấm các hành vi chủ động săn tìm, thậm chí bắt sống Yeti. Tuy nhiên chính phủ Nepal nghiêm cấm việc “giết hại sinh vật, trừ trường hợp người trong cuộc bị đe dọa tính mạng” - Wilkes nói. Và “bất kỳ hình ảnh, tài liệu nào họ thu thập được chứng minh Yeti có thật, sẽ thuộc sở hữu của chính quyền sở tại”.

 Ảnh chụp lại khoảnh khắc vật tư, thiết bị cho chuyến đi “săn tìm Yeti” của Tom Slick đang được chuẩn bị, năm 1958. - Ảnh: Getty
Ảnh chụp lại khoảnh khắc vật tư, thiết bị cho chuyến đi “săn tìm Yeti” của Tom Slick đang được chuẩn bị, năm 1958 - Ảnh: Getty

Những quy tắc khắt khe và khá hoàn chỉnh, lại được áp dụng cho việc săn lùng một tồn tại chưa từng được chứng thực. Dẫu vậy, đến tận ngày nay, ngành du lịch Nepal vẫn thu lợi nhuận từ trào lưu “săn lùng tung tích Yeti”.

“Cuối thập niên 1950, một sự kiện kỳ quặc thúc đẩy cơn sốt lùng tìm Yeti càng lan rộng” - Wilkes tiết lộ - "Tom Slick, doanh nhân được mệnh danh là đại gia dầu mỏ của nước Mỹ tìm thấy một thứ gây chấn động, bàn tay còn sót lại của mộ xác ướp Yeti. Trong chuyến mạo hiểm chinh phục Everest, đội ngũ do ông dẫn đầu phát hiện nó ở ngôi làng có tên Pangboche (quận Solukhumbu, miền đông Nepal, sát chân núi Everest), trong một tu viện Phật giáo. James Stewart, bạn đồng hành cùng Slick trong chuyến đi, bấy giờ là một diễn viên Hollywood, giấu đoạn tứ chi này bên trong vali hành lý của vợ, để che giấu cảnh sát địa phương”.

Đáng tiếc, bàn tay xác ướp Slick và Stewart liều lĩnh mang khỏi Nepal, hay một số “bằng chứng” sau đó được tuyên bố rằng thuộc về Yeti, thực chất là giả. Qua kiểm tra DNA hiện đại, giới khoa học khẳng định chúng chỉ là xương động vật và xương người.

Giới khoa học hiện đại nghi ngờ, một giống gấu Bắc Cực hoặc gấu đen châu Á (trong ảnh) quý hiếm, chưa từng được biết đến, chính là bản gốc của “quái vật núi tuyết” Yeti. - Ảnh: AtlasObscura
Giới khoa học hiện đại nghi ngờ, một giống gấu Bắc Cực hoặc gấu đen châu Á (trong ảnh) quý hiếm, chưa từng được biết đến, chính là bản gốc của “quái vật núi tuyết” Yeti - Ảnh: AtlasObscura

“Người dân bản địa lẫn một số người si mê ngành nghiên cứu sinh vật huyền bí vẫn vin vào những chứng cứ, giả thuyết minh chứng sự tồn tại của Yeti. Nhưng phần lớn vật phẩm, ảnh chụp và lời kể đều bị chỉ trích là giả mạo hoặc đơn giản, chưa đủ thuyết phục số đông” - Wilkes, đã dành nhiều tâm huyết khám phá chủ đề này, kết luận.

Đoạn kết lôi cuốn nhất cho cơn sốt Yeti, là một nghiên cứu quy mô, chính thống triển khai năm 2013 bởi chuyên gia di truyền học Bryan Sykes (Đại học Oxford). Sau quá trình dày công tìm kiếm - chắt lọc vô số mẫu vật DNA có thể thu gom được về nguồn gốc “quái vật núi tuyết”, nhà khoa học kỳ cựu trình bày một giả thuyết đáng kinh ngạc.

Sykes nghi ngờ rằng, Yeti “có thật”. Tuy nhiên, dựa trên dấu vết DNA còn sót lại, sinh vật này khả năng cao không phải “quái thú” hay “dị nhân lông lá”, mà là một loài gấu Bắc Cực tiền sử. Bằng phương thức và cơ duyên kỳ diệu nào đó, liệu chúng vẫn đang ẩn mình sâu trong dãy Everest?

“Bí ẩn về Yeti đã quá lâu đời và đặc sắc. Đến mức, tôi đoán sẽ khó mà lay chuyển công chúng tin vào một nghiên cứu khoa học duy nhất, vốn có thể khép lại vĩnh viễn ý tưởng săn tìm quái vật" - theo Wilkes.

Như Ý (theo HistoryExtra)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI