ĐBQH: Đi châm cứu có 10 kim nhưng chỉ 2 kim hoạt động

22/10/2022 - 09:44

PNO - ĐBQH Điểu Huỳnh Sang bày tỏ trăn trở trước tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh.

 

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang trăn trở về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang trăn trở về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế

Sáng 22/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) bày tỏ nhiều trăn trở và gửi tới tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Theo đó, Việt Nam vừa trải qua hơn hai năm chống COVID-19 song tổn thương do đại dịch để lại còn nặng nề. ĐBQH chỉ ra, việc bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chững lại. Theo thống kê, hiện có hơn 5.800 người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số không được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT).

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang phân tích thêm, tính tới ngày 30/9, tỷ lệ bao phủ BHYT mới đạt trên 87% dân số, thấp hơn năm 2021 hơn 3%. Để thực hiện mục tiêu tới cuối 2022, tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 92% như Quốc hội giao thì Việt Nam phải phấn đấu tăng thêm 5 triệu người tham gia. Do đó, cần sự quyết tâm lớn của Chính phủ.

“Sau hơn hai năm diễn ra đại dịch, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao, nếu không có BHYT thì sẽ khiến nhiều người nghèo, người dân tộc thiểu số, nông dân, lao động làm việc ở khu vực phi chính thức… gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng an sinh xã hội cho người dân”, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang băn khoăn.

Cũng theo ĐBQH Điểu Huỳnh Sang, tình trạng thiếu thuốc xảy ra đang ảnh hưởng nhiều tới công tác khám bệnh, chữa bệnh. Cập nhật trong báo cáo của Bộ Y tế có 28/34 địa phương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Nhiều địa phương đang vào dịch sốt xuất huyết nhưng thiếu thuốc điều trị, thuốc đông y. 26/34 địa phương thiếu hóa chất thực hiện xét nghiệm…

“Có nhiều bác đi khám bảo hiểm nhưng kêu không có thuốc. Đi châm cứu có 10 kim mà máy chỉ có 2 kim hoạt động”, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang phản ánh.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế, theo ĐBQH Điểu Huỳnh Sang, do hành lang pháp lý về mua sắm, đấu thầu thuốc chưa hoàn thiện gây nhiều cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, việc xử lý nhiều cán bộ y tế vi phạm cũng dẫn tới tâm lý nhiều người e dè, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Khó khăn nữa là giải quyết hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc. Có quá nhiều hồ sơ kèm theo thủ tục dẫn tới chậm đăng ký gia hạn thuốc, nguyên liệu thuốc, làm gián đoạn sản xuất, cung ứng, lưu hành. Thực tế, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang chỉ ra, các hiệu thuốc tư nhân bán thuốc rất nhỏ giọt. Việc khan hiếm thuốc trong thời gian tới cần có giải pháp.

Đồng tình với ý kiến của ĐBQH Điểu Huỳnh Sang, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ngành y tế đang rất khó khăn. “Không thể kỳ vọng một ngày một bữa Bộ trưởng mới có thể giải quyết được mà phải tất cả các ngành chung tay”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.

H.Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trần Công Bằng 22-10-2022 17:31:12

    Chúng ta đang ở thời kỳ văn minh nhất của nhân loại với những thành tựu y dược vượt bâc vì hạnh phúc của con người, nhưng thực trạng y tế ở Việt Nam hơn một năm nay phải nói là tồi tệ thiếu thuốc đặc trị, thiếu trang thiết bị chuẩn thiết yếu để quay lại thời bao cấp thuốc nam cây cỏ...với quảng cáo rất bừa bãi, tiền mất tật mang.... Rất mong các cấp quản lý tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục sớm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI