Dạy con làm tranh từ hạt bí, hạt dưa hấu để... chống rảnh, chống quạu

30/08/2021 - 15:33

PNO - Xác định tâm lý "chơi với con không quạu", phải hết mình với con, bà mẹ trẻ nghĩ ra trò chơi khiến nhiều người bật cười nhận xét: "Không thể rảnh hơn!".

Trong khi các mẹ khác stress chuyện chăm con mùa dịch thì chị Vũ Trọng Yến Nhi (ở TPHCM) lại vô cùng hứng thú chơi không chán cùng 2 con. Chấp nhận nhà cửa lộn xộn một tí, ăn uống giản đơn hơn bình thường… nhưng bù lại cả nhà thấy vui, thời gian giãn cách đã giúp gia đình chị có những trải nghiệm giá trị.

Bày trò từ hạt củ quả và những thứ vứt đi

Đọc trên mạng thấy mọi người ở nhà mùa dịch rảnh rỗi quá gỡ từng hạt thanh long, dâu tây… rồi xếp hàng ngay ngắn, chị Nhi cũng muốn đu trend (trào lưu). Nhưng biết như thế sẽ quá sức với con gái 2 tuổi tên May nên chị đã chuyển sang gỡ hạt bí, hạt na, hạt nhãn, hạt dưa hấu cùng vỏ ngao sò, muỗng nhựa dùng để ăn sữa chua… cho con bày trò.

Thật khó để hai chị em Cà Rem và May ngồi yên một chỗ trong thời gian khá dài, chị Nhi cho con lựa chọn loại hạt trước rồi lên kế hoạch: tách hạt xong mình sẽ làm gì, ai làm đẹp hơn có thưởng…

Làm clip ghi lại khoảnh khắc của con là niềm đam mê vô tận của chị Nhi - Clip: Nhân vật cung cấp

 Trong khi chị Cà Rem khéo léo còn em May lúc trúng lúc trật. Hạt bí được gỡ ra chừng nào, hoa cỏ hiện lên đến đấy. Muỗng nhựa được tô màu biến thành con cánh cam. Dưới sự phụ trợ của mẹ, thành quả của hai chị em đã được gắn lên tường, bé May ôm tranh ngắm nghía không rời.

Bé May thích thú với tác phẩm của mình dưới sự hỗ trợ của chị và mẹ -ảnh nhân vật cung cấp
Bé May thích thú với tác phẩm của mình dưới sự hỗ trợ của chị và mẹ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dán hạt rồi đến vẽ tranh, cô em 2 tuổi cùng chị lớn 8 tuổi tha hồ tô quẹt lung tung để có được cây táo siêu to khổng lồ với vỏ trứng làm quả lủng lẳng. Đã thế chị Nhi “chơi lớn” cho tụi nhỏ chơi trò nhảy bao bố hái táo.

Sợ thua em, bé Cà Rem tích cực chui qua bàn theo đúng luật còn em May thì tùy hứng, lúc làm như chị, lúc trèo luôn qua bàn cho nhanh. 2 con ướt đẫm mồ hôi, ba mẹ cũng khản cổ vì làm người cổ vũ, kiêm trọng tài.

Sau cuộc chơi, nhìn các con ăn cơm như chưa từng được ăn, ăn xong lăn ra ngủ chẳng cần mẹ dỗ, chị Nhi thấy hạnh phúc dù nhà cửa bừa bộn, chẳng còn lối để đi.

Hành trình mẹ đi tìm giá trị cho con và cho chính bản thân mình

Từng bị stress nặng vì sinh con xong ở nhà với một mớ công việc lặp đi lặp lại: cơm nước, việc nhà, suốt ngày nghĩ đứa lớn ăn gì, đứa bé món nào mới phù hợp. Đã thế con chẳng chịu ăn, trưa trốn ngủ trưa, đêm khuya lắc mới chịu “sập nguồn”. Chị Nhi rơi vào vòng tròn suốt ngày lên mạng tìm lối thoát để bắt chước và cuối cùng cũng chẳng khả quan hơn. Nếp ăn ngủ của con vẫn vậy, bản thân chị cũng “phèn ” chuẩn mẹ bỉm sữa.

chị Nhi từng loay hoay đi tìm cách thức để chơi cùng con- Ảnh nhân vật cung cấp
Chị Nhi từng loay hoay đi tìm cách thức để chơi cùng con - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hướng đi của chị Nhi không tránh khỏi những cái nhìn ái ngại của người lớn trong nhà khi con 20 tháng tuổi đã cho tập patin, cài chế độ song ngữ để May nghe và nói theo được tiếng Anh và tiếng Việt, cho con xem flashcard điện tử đa ngôn ngữ… Lặng lẽ tìm hiểu lớp học giáo dục sớm cho con, bà mẹ 37 tuổi như được khai thông thông bế tắc. Chị “tàu ngầm” theo dõi các mẹ trong lớp, đã đăng kí khóa học "bí mật" luôn cả với chồng mình. Giờ học của mẹ May vì thế chẳng giống ai, 4 rưỡi sáng đã dậy để mày mò, 11 giờ đêm chồng con ngủ hết lại đăng nhập xem bài cô giáo gửi.

Nhưng trái ngọt đã đơm hoa, sự phát triển của con về thể chất, ngôn ngữ và linh hoạt trong các hoạt động khiến mọi người đều bất ngờ hứng thú, nhất là anh Hải - chồng chị.

Anh vốn không phản đối nhưng cũng chưa hẳn đồng tình với hướng của vợ, nhưng thấy con ngày một nhanh nhạy hơn so với độ tuổi, anh đã ủng hộ việc vợ làm. Trong các trò chơi của con, chồng chị đã tham gia đầy hào hứng.

Không ân hận vì nghỉ công việc đã gắn bó 13 năm ở một phòng nha, cũng không tự ti khi nghĩ rằng phụ nữ ở nhà đồng nghĩa không có tiếng nói, việc tích lũy kiến thức làm mẹ giúp chị Nhi luôn biết rõ giá trị của bản thân.

Với chị niềm vui của người mẹ là đi cùng để khơi dậy và khám phá những tiềm năng của con. Chị không thấy lãng phí quãng thời gian ở nhà để hiểu về giai đoạn vàng phát triển bộ não của con từ khi bé sinh ra đến ngưỡng cửa lớp 1. Con hạnh phúc là mẹ có ý nghĩa sống.

Đi cùng con qua mùa dịch là quãng thời gian tạm thời, còn song hành cùng con qua quãng tuổi thơ đẹp nhất là một hành trình rất dài, nhưng chị Nhi luôn tin vợ chồng chị sẽ làm được vì tình yêu con trong họ đủ lớn.

Lâm Hoàng

                                                                               

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI