Đăng ký kết hôn quan trọng hơn đám cưới

28/08/2020 - 09:03

PNO - Tập quán hôn nhân “trọng lễ hơn trọng luật” đã khiến các cặp đôi “nên duyên” mùa dịch chật vật khi không thể làm đám cưới.

Tấm giấy đăng ký kết hôn không được “ghi nhận”. Cuộc hôn nhân được pháp luật công nhận nhưng dễ vấp phải “chối bỏ” trong các giềng mối quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm. Phản ứng xã hội tưởng chừng hiển nhiên này thực ra khá bất hợp lý. Các cặp dâu rể mùa dịch lẽ ra đã không đến mức quá khổ sở nếu xã hội nhận thức đúng đắn hơn về “thủ tục” chính đáng nhất để thành hôn.

Theo cách hiểu của mỗi người và theo quan niệm truyền thống, kết hôn là lấy nhau làm vợ chồng, là tổ chức đám cưới linh đình có sự chứng kiến của gia đình, bạn bè, và phải tuân theo tục lệ, tập quán của từng vùng, miền. Nhưng, đám cưới không làm cho việc kết hôn trở nên hợp pháp. Về mặt pháp lý, kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định, đáp ứng về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. 

Ảnh minh họa
Đám cưới không làm cho việc kết hôn trở nên hợp pháp. Ảnh minh họa

Không riêng các cặp đôi mùa dịch, nhận thức thiếu cân bằng về hai thủ tục kết hôn (coi trọng lễ cưới hơn việc đăng ký kết hôn) đã làm ảnh hưởng khá lớn lên lựa chọn của các cặp đôi khi quyết định trở thành vợ chồng.

Thực tế, nhiều trường hợp mặc dù có đủ điều kiện kết hôn, thậm chí đã làm lễ cưới nhưng lại không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Họ nhận thức được việc không đăng ký kết hôn thì không có giá trị pháp lý, nhưng vẫn tự nguyện sống chung. Có lẽ, bạn trẻ trong mối quan hệ “không chính thống” này chưa hiểu đúng hoặc chưa hiểu đầy đủ các quyền và lợi ích được pháp luật công nhận và bảo vệ trong hôn nhân và gia đình.

Trong khi đó, ngoài việc “hợp pháp hóa” quan hệ hôn nhân, việc đăng ký kết hôn còn có những ý nghĩa đời sống quan trọng mà không một đám cưới nào có thể thay thế được.

Thứ nhất: khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Như vậy, bên cạnh điều kiện cần để trở thành vợ chồng là thỏa mãn về điều kiện kết hôn, thì đăng ký kết hôn là điều kiện đủ để xác lập cũng như bảo vệ quyền lợi của vợ chồng. Thông qua thủ tục đăng ký kết hôn, Nhà nước chứng nhận tính hợp pháp của hôn nhân và xác định trách nhiệm của các bên trong quan hệ hôn nhân. 

Thứ hai: Tại sao Nhà nước lại bắt buộc và khuyến khích các đôi nam nữ đủ điều kiện kết hôn mà muốn kết hôn phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn? Là bởi vì đây là hình thức để Nhà nước kiểm soát việc kết hôn của công dân. Việc kết hôn phát sinh nhiều vấn đề liên quan về dân số, trẻ em, kinh tế, giáo dục, do đó chỉ những trường hợp đăng ký kết hôn đúng quy định thì mới được công nhận, bảo vệ. Thông qua việc đăng ký kết hôn đúng quy định, khi cha mẹ làm thủ tục khai sinh cho con cái cũng được thực hiện một cách dễ dàng, bảo vệ được quyền, lợi ích của những đứa trẻ như quyền được vui chơi, giáo dục, phát triển toàn diện…

Thứ ba: Hôn nhân được xây dựng trên cơ sở tình yêu của các bên, khi quyết định sống chung với nhau mà không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, hai bên chỉ có “trách nhiệm” với nhau, tuy nhiên, đó chỉ là “chịu trách nhiệm về quyết định của mỗi người” trong mối quan hệ nam nữ chứ không ràng buộc nhau về mặt pháp lý. Khi kết hôn theo đúng quy định và thực hiện theo đúng thủ tục đăng ký kết hôn, vợ chồng đã nhận thức được trách nhiệm của mình đối với nhau và đối với xã hội. Theo đó, vợ chồng sẽ có “trách nhiệm” yêu thương, chăm sóc giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống gia đình để cùng tiến bộ, nuôi dạy con cái, tạo điều kiện để cả hai phát triển về mọi mặt. 

Ảnh minh họa
Thủ tục đăng ký kết hôn sẽ đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người kết hôn. Ảnh minh họa

Thứ tư: Khi đăng ký kết hôn theo đúng quy định, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng về nhân thân và tài sản cũng phát sinh hiệu lực. Các quyền này tồn tại song song và giống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình làm vợ/làm chồng của mỗi người. 

Nếu vợ chồng có đăng ký kết hôn theo đúng quy định thì khi có phát sinh tranh chấp hoặc quan hệ vợ chồng không còn tiếng nói chung mà phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ là căn cứ để phân chia về tài sản, con cái. 

Thứ năm: Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình phải được xử lý theo quy định. Khi có hành vi vi phạm về hôn nhân, gia đình xảy ra thì các giấy tờ chứng minh quan hệ vợ chồng là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý. 

Luật sư VÕ THỊ ANH LOAN

 Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng (GOLD KEY)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI