Đảm đang thường…thiệt thòi?

14/01/2015 - 14:51

PNO - PNO - Tôi đọc bài Bàn tay vợ trên Báo Phụ Nữ và thấy thú vị với sự ghi nhận của tác giả về khả năng chăm chút gia đình của người vợ. Với mẫu người phụ nữ đó, tôi hay gọi vui là “phụ nữ vô số giỏi”, tức là ngoài...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhưng tôi cũng thấy băn khoăn với một số nhận xét của vài người quen và nhất là những bình luận dưới bài viết. Dường như nhiều người không tin rằng có những người phụ nữ đảm đang như thế hoặc có tin nhưng cho đó là một gánh nặng của người phụ nữ đó, đồng thời tỏ ra thông cảm với sự vất vả của người vợ, người mẹ và “cảnh báo” với người chồng về những “rủi ro” có thể gặp phải một khi “bóc lột” sức lực của vợ mình. Phải chăng, nhiều người đang “mặc định” rằng đảm đang là một sự hy sinh chứ không phải là một niềm hạnh phúc?

Dam dang thuong…thiet thoi?
 

Là một người chồng, người cha, tôi thấy rằng người phụ nữ trong bài viết đó có thể làm được nhiều việc như vậy vì có ít nhất hai điều kiện quan trọng. Thứ nhất, về phía khách quan của gia đình, chị ấy có được sự quan tâm, hậu thuẫn tích cực từ người chồng. Nói cách nào đó, chồng chị có thể bảo đảm đời sống kinh tế và đóng vai trò là một trụ cột thực sự trong gia đình để chị có thể không bận tâm về việc “cơm áo gạo tiền”. Chẳng hạn, chồng chị có thể có thu nhập đủ trang trải chi tiêu của gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái chu đáo, đồng thời ủng hộ các việc làm, các ứng xử của chị.

Thứ hai, về phía chủ quan của bản thân, người phụ nữ đó quả thực là một người phụ nữ của gia đình, hết lòng yêu thương, chăm sóc chồng con, xem gia đình chồng như gia đình mình và có khả năng ứng xử tốt với các quan hệ xã hội khác. Tôi thấy không ít phụ nữ chưa thể hiện rõ điều này, bởi không có điều kiện (thời gian, sức khỏe, kỹ năng…), không có khả năng hoặc chưa thực sự trân quý tổ ấm của mình, có khi luôn giữ khoảng cách với họ hàng bên chồng. Có một số phụ nữ dành thì giờ để chăm sóc bản thân, tận hưởng cuộc sống riêng (đi du lịch, tán gẫu với bạn bè, mua sắm…) chứ ít khi cùng tận hưởng niềm hạnh phúc với các thành viên của mình. Cũng có người thiếu tính chu đáo, cẩn thận nên không làm hoặc không thể làm được như người phụ nữ trong bài viết.

Ngoài ra, cũng nên nhìn nhận thêm những khía cạnh khác. Sự bỏ công, bỏ sức để chăm chút chồng con trong nhiều trường hợp cũng là một niềm hạnh phúc, chứ không phải là sự nhọc nhằn, vất vả. Ví như, việc dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp để tạo sự gọn gàng, đẹp mắt đâu phải để tránh sự “ngứa mắt” của riêng mình mà chính là tạo môi trường, điều kiện sống tốt hơn cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình. Hay dành thì giờ trồng và chăm sóc hoa kiểng thì cũng là thú vui tao nhã, một hình thức vận động lại tạo ra cảnh quan xanh tươi cho gia đình…

Ngay cả việc quan tâm, chăm sóc cha mẹ chồng thì cũng tạo sự gắn kết tốt hơn với gia đình chồng, tăng uy tín của bản thân với họ hàng bên chồng, thì sẽ được ủng hộ nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn trong một số trường hợp… Nói vậy không phải cho rằng người phụ nữ nào cố gắng làm điều tương tự thì cũng đều có động cơ vụ lợi kiểu đó, nhưng rõ ràng “gái có công thì chồng chẳng phụ”, chứ chẳng mất mát gì. Hay việc cẩn thận trong việc ủi quần áo, chăm đánh giày, giặt nón bảo hiểm… cho chồng cũng là một biểu hiện của “công”, của “hạnh”, của việc “nâng khăn sửa túi” (tất nhiên hiểu theo nghĩa rộng hơn, mới hơn) ở một người vợ. Những việc làm đó hẳn làm cho chồng “sang vì vợ” thì chẳng phải để được chồng yêu thương hơn sao? Như vậy, việc chăm chút cho gia đình vừa là trách nhiệm, bổn phận nhưng cũng là một sự khéo léo của người phụ nữ, theo cách mà nhiều người vẫn nói: “đàn bà xây tổ ấm”.

Dam dang thuong…thiet thoi?
 

Dù nhìn nhận ở góc độ đó, tôi vẫn cho rằng không phải sự tận tụy, chăm chút cho chồng con, cho gia đình của người phụ nữ là vô điều kiện. Một người phụ nữ phải đóng vai trụ cột của gia đình (thay chồng, cả trong lo kinh tế, lo dạy dỗ con cái…) mà còn phải nhọc nhằn với những việc khác thì đó như là sự hành xác, dù có ba đầu sáu tay cũng không thể làm xuể. Hay người phụ nữ phải vất vả mà người chồng vô trách nhiệm, chỉ biết thụ hưởng mà không chia sẻ, không yêu thương vợ con… thì sự chăm chút đó như là sự mù quáng.

Tôi không cho rằng trong quan hệ vợ chồng phải “bánh ít đi, bánh quy lại” một cách sòng phẳng, rạch ròi nhưng luôn cần có sự qua lại ở mức độ chấp nhận được. Đàn ông phải làm trụ cột trong việc xây nhà thì đàn bà mới có thể đóng vai chính trong việc xây tổ ấm. Vì vậy, không tỏ ra “thương hại” người phụ nữ kia và “lo lắng” cho chồng chị, tôi lại nghĩ rằng gia đình đó đang thật sự hạnh phúc!



NGÔ ĐỒNG VŨ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI